Quy định một chuẩn mực chung về mẫu bảo lãnh

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống pháp luật cho nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng quốc tế tại Việt Nam (Trang 85 - 87)

Cam kết bảo lãnh là chứng từ có ý nghĩa quan trọng nhất trong việc ràng buộc nghĩa vụ giữa các chủ thể trong quan hệ bảo lãnh. Cam kết bảo lãnh bao gồm thông tin về các bên liên quan, số hiệu bảo lãnh, số tiền, nghĩa vụ được đảm bảo, ngày phát hành & ngày đáo hạn, các yêu cầu đối với chứng từ xuất trình để thanh toán,…

Đây đều là những nội dung bắt buộc đối với cam kết bảo lãnh theo yêu cầu của pháp luật Việt Nam cũng như quốc tế. Có thể nói rằng cam kết bảo lãnh là chứng từ duy nhất và quan trọng nhất đối với nghĩa vụ được đảm bảo. Bên nhận bảo lãnh chỉ được chấp nhận thanh toán khi xuất trình chứng từ phù hợp với các điều kiện và điều khoản đã được ghi trên cam kết bảo lãnh. Trong các trường hợp bảo lãnh đối ứng, cam kết bảo lãnh được phát hành dưới dạng điện MT760 thông qua hệ thống SWIFT. Đây là phương thức an toàn, nhanh nhất và thuận tiện nhất cho các chủ thể trong trường hợp khoảng cách giữa họ xa nhau. Trong phương thức thanh toán bằng LC, các nội dung của thư tín dụng tuân theo chuẩn mực quốc tế về mẫu điện MT700 (người yêu cầu, người thụ hưởng, số tiền của thư tín dụng, tên hàng hóa, số lượng, mô tả về hàng hóa,…) và được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia khác nhau. Đối với bảo lãnh quốc tế, cam kết bảo lãnh dù được phát hành dưới dạng văn bản hay qua hệ thống thông liên lạc quốc tế đều chưa có một chuẩn mực chung. Các tổ chức phát hành sử dụng mẫu cam kết nội bộ được xây dựng dựa trên quy định của pháp luật quốc gia và thông lệ quốc tế.

Bảo lãnh quốc tế đều bao gồm nhiều loại hình khác nhau như: bảo lãnh thanh toán hợp đồng mua hàng, bảo lãnh vay vốn, bảo lãnh thanh toán tiền ứng trước, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh bảo hành chất lượng sản phẩm,…Trên thực tế có bao nhiêu loại hình bảo lãnh thì sẽ hình thành tương ứng bấy nhiêu mẫu cam kết bảo lãnh. Hơn nữa, vì muốn đảm bảo quyền lợi cho mình nên bên nhận bảo lãnh thường thoả thuận với các đối tác để yêu cầu ngân hàng phát hành bảo lãnh theo mẫu riêng. Trong trường hợp phát hành bảo lãnh theo mẫu do khách hàng đề nghị, ngân hàng sẽ phải kiểm tra tính pháp lý và sự phù hợp của các nội dung trên cam kết bảo lãnh so với các quy định trong nước, quốc tế và quy trình nội bộ. Nếu nội dung của thư bảo lãnh mâu thuẫn với các quy định của pháp luật hay mâu thuẫn với các điều khoản của hợp đồng cơ sở, ngân hàng sẽ yêu cầu khách hàng phải thay thế hoặc điều chỉnh lại cho phù hợp dẫn đến việc phát hành bảo lãnh sẽ mất nhiều thời gian hơn cho các bên và có thể ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hợp đồng.

Việc mỗi tổ chức phát hành sử dụng một mẫu thư bảo lãnh khác nhau không chỉ gây ra bất tiện cho khách hàng mà còn khiến cho hoạt động của các ngân hàng

cũng bị ảnh hưởng. Các cơ quan chức năng cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, giám sát khi mẫu thư bảo lãnh giữa các ngân hàng không thống nhất. Vì vậy, ban hành một chuẩn mực chung về các mẫu bảo lãnh là giải pháp thiết yếu để đảm bảo tính đồng bộ, chuyên nghiệp và an toàn trong hoạt động phát hành bảo lãnh quốc tế.

Trong quá trình lấy ý kiến dự thảo cho Thông tư thay thế các văn bản pháp luật về bảo lãnh ngân hàng, NHNN cũng nhận được rất nhiều góp ý từ các TCTD về việc ban hành quy định cụ thể và rõ ràng hơn đối với bảo lãnh được phát hành bằng phương thức điện tử. Theo đó, dự thảo mới cũng đưa thêm quy định về thẩm quyền ký các văn bản bảo lãnh trong trường hợp bảo lãnh điện tử hoặc thông qua mạng thông tin liên lạc quốc tế giữa các ngân hàng phù hợp với quy định pháp luật về giao dịch điện tử (quy định tại Thông tư 09/VBHN-NHNN chỉ mới áp dụng đối với văn bản giấy). Sử dụng một mẫu bảo lãnh chung mang tính chuẩn mực tại tất cả các TCTD sẽ giúp hạn chế được những rủi ro, tranh chấp phát sinh liên quan đến nội dung các điều khoản quy định trên cam kết bảo lãnh.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống pháp luật cho nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng quốc tế tại Việt Nam (Trang 85 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)