Nâng cao vai trò quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống pháp luật cho nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng quốc tế tại Việt Nam (Trang 87 - 90)

Nhằm đảm bảo sự phát triển an toàn và lành mạnh của hệ thống các TCTD, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, duy trì niềm tin của công chúng với hệ thống các TCTD thì thanh tra, giám sát là hoạt động không thể thiếu tại bất kỳ quốc gia nào. Tại Việt Nam, đối tượng thực hiện việc thanh tra, giám sát quá trình hoạt động và thực thi pháp luật của các TCTD là Ngân hàng Nhà nước. Trên thực tế, hoạt động thanh tra và giám sát thị trường liên ngân hàng bao gồm hoạt động thanh tra, hoạt động giám sát và hoạt động xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, cấp phép.

Hoạt động thanh tra bao gồm kiểm tra sự chấp hành pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, các quy định khác có liên quan và việc thực hiện được cấp phép bởi NHNN. Dựa vào kết quả thanh tra, các cơ quan thanh tra đánh giá hiệu quả thực hiện, năng lực quản trị rủi ro của các TCTD, xem xét các yếu tố tác động đến an toàn hoạt động, kiểm soát rủi ro của TCTD từ đó kiến nghị cơ quan thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ các văn bản pháp luật để đáp ứng nhu cầu thực tế. Bên

cạnh đó, cơ quan thanh tra cũng đưa ra những biện pháp xử lý, yêu cầu đối tượng thanh tra phải có những biện pháp nhằm hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Đối với hoạt động bảo lãnh quốc tế, việc thanh tra của NHNN bao gồm việc thanh tra về đối tượng và giới hạn cấp tín dụng, thanh tra quy trình và kết quả thẩm định năng lực khách hàng, phương án bảo lãnh, tài sản đảm bảo cùng các nội dung khác liên quan đến việc quản lý rủi ro, tranh chấp trong trường hợp phát sinh nghĩa vụ thanh toán bảo lãnh. Hoạt động thanh tra thường được tiến hành theo kế hoạch định sẵn nhưng cũng có nhiều trường hợp thanh tra đột xuất do phát hiện TCTD mắc sai phạm, có nguy cơ đe doạ sự an toàn, ổn định của hệ thống ngân hàng.

Nội dung giám sát bao gồm việc theo dõi, xem xét tình hình hoạt động, chấp hành quy định về an toàn của các TCTD và các quy định khác có liên quan. Thu thập, tổng hợp dữ liệu về các TCTD; theo dõi việc thực hiện các quy định có liên quan; phân tích, đánh giá tình hình tài chính; quản trị và điều hành của TCTD là những nội dung chính trong quá trình giám sát hoạt động bảo lãnh của TCTD. Hoạt động giám sát được thực hiện theo nguyên tắc tập trung, từ Trung ương đến địa phương. Hiện nay, hoạt động giám sát không chỉ dừng lại ở việc xem xét tính tuân thủ pháp luật trong thực hiện hoạt động mà còn chú trọng tới việc đánh giá, kiểm soát rủi ro của TCTD. Thông tư số 08/2017/TT-NHNN và Thông tư số 04/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 08/2017/TT-NHNN ngày 01 tháng 8 năm 2017 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng đã đưa ra những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng từ bước thu thập thông tin, dữ liệu; lưu trữ và xử lý thông tin; theo dõi việc chấp hành quy định; phân tích đánh giá các rủi ro tín dụng, lập báo cáo kết quả thanh tra, giám sát và các biện pháp xử lý trong giám sát trong ngân hàng.

Thời gian qua, hoạt động thanh tra giám sát của các cơ quan thanh tra, giám sát không ngừng thay đổi và có những chuyển biến tích cực. Công tác thanh tra, giám sát đã chuyển từ đơn lẻ sang toàn diện, tập trung từ Trung ương đến địa phương, trên phạm vi tất cả các hoạt động của TCTD. Trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng, công tác thanh tra và giám sát bao gồm việc kiểm tra tuân thủ các quy

định có liên quan về bảo lãnh quốc tế như: Thông tư 09/VBHN-NHNN năm 2017, quy định về giới hạn cấp tín dụng tại Luật các TCTD 2010, quy định về phát hành bảo lãnh có yếu tố nước ngoài căn cứ theo Bộ luật Dân sự 2015 hay các quy định về quản lý ngoại hối,… và đánh giá quy trình quản trị rủi ro trong hoạt động cấp bảo lãnh quốc tế tại các NHTM.

Trước đây, cơ cấu phân chia nhiệm vụ trong thanh tra giám sát vẫn là mô hình chồng chéo, hoạt động thủ công, không đem lại hiệu quả và không còn phù hợp với ngân hàng hiện đại. Những năm gần đây, công tác thanh tra, giám sát đã được phân chia theo nhóm ngân hàng và loại hình hoạt động giúp quá trình thanh tra, giám sát được tập trung, không bị phân tán và nhờ áp dụng công nghệ hiện đại có thể dễ dàng phát hiện và xử lý sai phạm. Tuy nhiên, cơ chế cũng như hệ thống luật bổ trợ cho hoạt động thanh tra, giám sát trong hoạt động bảo lãnh quốc tế còn hạn chế và thiếu tính đồng bộ. Do đó, kết quả thanh tra, giám sát vẫn chưa thực sự khách quan và đạt yêu cầu về chất lượng, thực trạng giám sát hoạt động của các TCTD vẫn còn nhiều bất cập, thiếu toàn diện dẫn đến nguy cơ tranh chấp, kiện tụng giữa các chủ thể bảo lãnh ngân hàng.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát cần phải tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ hệ thống, đưa ra những chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn. Cơ cấu lại bộ máy thanh tra, giám sát theo hướng tinh gọn, chuyên môn hoá, tăng cường áp dụng tiến bộ của công nghệ thông tin là những giải pháp có thể khắc phục những hạn chế, tồn tại của hệ thống thanh tra, giám sát hiện tại. Sự tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin và phối hợp giữa các cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng và các cơ quan chức năng có vài trò quan trọng để đảm bảo an toàn, ổn định của hệ thống ngân hàng. Các cơ quan thanh tra, giám sát cần tập trung vào thanh tra rủi ro, thực hiện giám sát vi mô và vĩ mô, xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo tự động để tổng hợp, phân tích dữ liệu và đưa ra cảnh báo sớm nhất về hoạt động của các TCTD. Nhân lực là yếu tố quan trọng không thể bỏ qua trong việc thúc đẩy hiệu quả thanh tra giám sát tuân thủ pháp luật và đánh giá công tác quản trị rủi ro tại các TCTD. Trọng tâm của nguồn nhân lực phục vụ công tác thanh tra, giám sát là chất lượng hoạt động của cán bộ. Ngoài việc lựa chọn những cán bộ ưu tú, có năng lực

thì công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ có tác động lớn tới chất lượng hoạt động của nguồn nhân lực.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống pháp luật cho nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng quốc tế tại Việt Nam (Trang 87 - 90)