Nhìn chung hoạt động kinh doanh trái phiếu của NHTM bao gồm nhiều hoạt động cụ thể, có thể phân loại theo các tiêu chí cơ bản khác nhau, tương ứng với các
chiến lược kinh doanh khác nhau. Ngược lại, tùy thuộc vào từng chiến lược kinh doanh khác nhau thì cũng sẽ có phương thức, điều kiện, loại hình kinh doanh tương ứng. Cụ thể:
1.1.2.1. Phân loại theo chủ thể phát hành trái phiếu
-Trái phiếu Chính phủ: là trái phiếu do Chính phủ các nước phát hành để huy động tiền nhàn rỗi trong các tầng lớp dân cư và các tổ chức kinh tế xã hội, qua đó đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Ngân sách nhà nước hoặc làm công cụ điều tiết thị trường tiền tệ. Trái phiếu Chính phủ là một loại chứng khoán nợ, có thời hạn, mệnh giá, lãi suất, xác nhận nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ đối với người sở hữu trái phiếu. Trái phiếu Chính phủ bao gồm các loại cơ bản sau:
+ Tín phiếu Kho Bạc (T-bill): là loại trái phiếu do Kho bạc Nhà nước phát hành có thời hạn dưới 1 năm dưới dạng chiết khấu (Trả lãi trước). Trái chủ sẽ được nhận toàn bộ giá trị danh nghĩa của mệnh giá khi đáo hạn.
+ Trái phiếu Kho bạc (T-bond): là loại trái phiếu do Kho bạc Nhà nước phát hành có thời hạn trên 1 năm, thường được trả lãi định kỳ. Đây là loại trái phiếu hầu như ít có rủi ro thanh toán và có tính thanh khoản cao. Do đặc điểm này, lãi suất của trái phiếu Chính phủ được xem là lãi suất chuẩn để làm căn cứ ấn định lãi suất của các công cụ nợ khác có cùng kỳ hạn.
-Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh: là trái phiếu do doanh nghiệp phát hành nhằm huy động vốn cho các công trình theo chỉ định của Chính phủ, được Chính phủ cam kết trước các trái chủ về việc thanh toán đúng hạn của chủ thể phát hành. Trường hợp chủ thể phát hành không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán (gốc, lãi) khi đến hạn thì Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm trả nợ thay chủ thể phát hành. Do vậy, hoạt động kinh doanh loại trái phiếu này của NHTM cũng sẽ có tính an toàn cao, tính rủi ro thấp.
- Trái phiếu chính quyền địa phương (trái phiếu đô thị): là trái phiếu do chính quyền địa phương phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả nợ của chính quyền địa phương đối với người sở hữu trái phiếu. Trái phiếu chính quyền địa phương phát hành nhằm
mục đích để huy động vốn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của từng địa phương.
-Trái phiếu doanh nghiệp (trái phiếu công ty): là loại trái phiếu được phát hành bởi các doanh nghiệp, xác nhận nghĩa vụ thanh toán cả gốc và lãi của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu. Mặt khác, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn vay, và không có sự bảo lãnh nào của Chính phủ trong việc phát hành. Trái phiếu doanh nghiệp cũng bao gồm nhiều loại:
+ Trái phiếu có đảm bảo: là những trái phiếu được bảo đảm bằng những tài sản đảm bảo (là bất động sản, bảo lãnh của bên thứ 3 v.v.). Ngân hàng thương mại khi nắm giữ trái phiếu này được bảo vệ ở mức độ an toàn hơn trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, vì họ có quyền đòi nợ đối với một tài sản cụ thể. Tại một số quốc gia, một tài sản có thể được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho nhiều hơn một loại nghĩa vụ nợ khác nhau, do đó phải xác định rõ thứ tự ưu tiên thanh toán của tài sản đảm bảo đối với các trái chủ.
+ Trái phiếu không đảm bảo: là loại trái phiếu không được bảo đảm bằng tài sản, mà chỉ được bảo đảm bằng uy tín của doanh nghiệp, có mức độ rủi ro lớn hơn đối với trái phiếu có đảm bảo nên lãi suất cao hơn trái phiếu có đảm bảo. Như vậy, hoạt động kinh doanh của NHTM vào các loại trái phiếu doanh nghiệp sẽ chứa đựng rủi ro cao hơn so với kinh doanh trái phiếu Chính phủ hoặc được Chính phủ bảo lãnh. NHTM nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp cần xem xét rủi ro tín dụng của chủ thể phát hành và các biện pháp tăng cường khả năng tín dụng.
1.1.2.2. Phân loại theo kỳ hạn đáo hạn trái phiếu
-Trái phiếu ngắn hạn: là trái phiếu có thời hạn dưới một năm. Các loại trái phiếu có kỳ hạn ngắn bao gồm: các công cụ trên thị trường tiền tệ (Tín phiếu Kho bạc, Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước v.v.); các loại trái phiếu có kỳ hạn đáo hạn còn lại thực dưới 1 năm. Việc nắm giữ các loại trái phiếu ngắn hạn nhằm giúp NHTM tăng khả năng dự trữ thanh khoản thứ cấp, hoặc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong các trường hợp ngân hàng dư thừa vốn khả dụng ngắn hạn.
- Trái phiếu trung - dài hạn: là các loại trái phiếu có thời hạn từ 1 năm trở lên. 1.1.2.3. Phân loại theo loại hình kinh doanh trái phiếu
-Hoạt động mua và giữ đến ngày đáo hạn: Ngân hàng thực hiện hoạt động mua và nắm giữ trái phiếu đến ngày trái phiếu đáo hạn, không quan tâm nhiều đến các biến động giá cả ngắn hạn hay các chỉ số kĩ thuật. Đây được đánh giá là hoạt động kinh doanh trái phiếu theo chiến lược thụ động. Hoạt động này được ngân hàng thực hiện trên cả hai thị trường trái phiếu sơ cấp và thứ cấp.
-Hoạt động mua và bán hẳn: Ngân hàng thực hiện hoạt động mua và thực hiện bán hẳn trái phiếu nhằm tìm kiếm lợi nhuận hoặc hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng khi cần thiết.
-Hoạt động mua bán lại (reverse repo) và bán mua lại (repo) trái phiếu: Nghiệp vụ repo trái phiếu được sử dụng rộng rãi trong hoạt động kinh doanh trái phiếu tại các thị trường phát triển. Giao dịch repo trở thành trung tâm đối với các hoạt động kinh doanh, giảm thiểu rủi ro (hedging), cũng như các chiến thuật khai thác lợi nhuận chênh lệnh (arbitrage) trên thị trường. Repo (repurchase agreement) hay hợp đồng bán và cam kết mua lại thực chất là việc sử dụng trái phiếu có thanh khoản và chất lượng tốt làm tài sản cầm cố đi vay trên thị trường. Bên đi vay (người bán) sẽ ký cam kết hợp đồng bán và cam kết mua lại trái phiếu với bên cho vay (người mua) tại mức giá nhất định. Giao dịch này đứng ở góc độ người bán trái phiếu (đi vay) được gọi là repo. Trong khi đó, nếu đứng ở góc độ người mua (cho vay) thì được gọi là giao dịch mua và cam kết bán lại (reverse repo). Hoạt động repo cũng là một công cụ quan trọng của nghiệp vụ thị trường mở (OMO), qua đó hệ thống NHTM sẽ hỗ trợ NHNN trong việc bơm hoặc hút lượng tiền lưu thông trong hệ thống ngân hàng .
- Các hoạt động khác bao gồm hoạt động cầm cố, chiết khấu trái phiếu được NHTM thực hiện nhằm tạo ra nguồn vốn với mục đích tăng khả năng đảm bảo thanh khoản hoặc tìm kiếm thu nhập thông qua việc thực hiện cho vay lại nguồn vốn này. Nhìn chung việc NHTM thực hiện các hoạt động mua bán hẳn, hoặc mua bán có kỳ hạn hoặc các hoạt động cầm cố chiết khấu v.v. được đánh giá là chiến lược kinh doanh chủ động