Triển vọng nền kinh tế thế giới

Một phần của tài liệu NGUYỄN KIM CHI-1906020212-QTKD26 (Trang 90 - 96)

Đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng khắp toàn cầu đã khiến bức tranh kinh tế thế giới năm 2020 hết sức u ám. Tại thời điểm cuối tháng 6/2020, các tổ chức quốc tế và thể chế tài chính đều đồng loạt nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy thoái sâu trong năm 2020.

Tuy nhiên, đến thời điểm giữa tháng 12, khi phần lớn các nền kinh tế tái khởi động sau phong tỏa do dịch COVID-19, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới có những dấu hiệu khả quan hơn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho rằng kinh tế toàn cầu có xu hướng phục hồi sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và các doanh nghiệp mở cửa trở lại. Theo đó, tổ chức này dự báo GDP thế giới giảm 4,2% trong năm 2020, điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 9 năm 2020. Một số tổ chức khác như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings (FR), đều điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020 so với các dự báo trước đây. Cụ thể, IMF và FR dự báo GDP thế giới năm 2020 ở mức -4,4%, và -3,7%, tăng 0,5 và 0,7 điểm phần trăm. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á ADB, dự báo tăng trưởng của Trung Quốc đạt 2,1%, Hoa Kỳ giảm -3,5%, Khu vực đồng Euro giảm 7,4%, Nhật Bản giảm 5,4%, Indonesia giảm 2,2%, Malaysia giảm 6,0%, Thái Lan giảm 7,8%, Philipin giảm 8,5% và Singapore giảm 6,2%. (Tổng cục Thống kê, 2020).

Theo Ngân hàng Thế giới (WB) , hoạt động kinh tế toàn cầu phục hồi kiên cường bất chấp sự trỗi dậy của đại dịch. Sau khi GDP tăng mạnh trở lại trong Quý III ở một số nền kinh tế phát triển, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp toàn cầu đã tăng từ mức 52,5 trong tháng 9 lên 53,3 vào tháng 10, nhờ lĩnh vực chế biến chế tạo và dịch vụ được cải thiện. Đà tăng vẫn tiếp tục vào tháng 11, với chỉ số niềm tin kinh tế toàn cầu (Sentix) chuyển từ tiêu cực sang tích cực lần đầu tiên sau 9 tháng. Tuy nhiên, đại dịch đang có những diễn biến tồi tệ hơn, với số lượng người nhiễm và các hạn chế về hoạt động gia tăng ở nhiều nền kinh tế phát triển.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2020 giảm 4,4%, mức giảm thấp hơn so với dự báo đưa ra trong tháng 6 năm 2020 (-4,9%). Điều chỉnh tích cực này là do tăng trưởng GDP Quý II tại các nền kinh tế phát triển tốt hơn dự kiến và các chỉ tiêu cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong Quý III. Dự báo tăng trưởng toàn cầu đạt 5,2% trong năm 2021. Tăng trưởng nhóm các nền kinh tế phát triển được dự báo giảm 5,8% năm 2020, nhưng sẽ tăng lên mức 3,9% trong năm 2021. Đối với các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi, tăng trưởng được dự báo ở mức -3,3% năm 2020 và tăng lên 6% năm 2021. (Tổng cục Thống kê, 2020).

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng đại dịch COVID-19 tiếp tục gây thiệt hại đáng kể cho các nền kinh tế và xã hội. Với những tiến bộ đạt được trong phát triển vắc xin, tổ chức này nhận định kinh tế thế giới sẽ thoát khỏi khủng hoảng, tuy vẫn còn nhiều rủi ro trong ngắn hạn. Dựa trên giả định các đợt bùng phát virus mới được kiềm chế và triển vọng vắc-xin phổ biến rộng rãi vào cuối năm 2021 sẽ giúp củng cố niềm tin, kinh tế toàn cầu sẽ dần phục hồi nhưng không giống nhau giữa các quốc gia trong hai năm tới. Sau khi sụt giảm mạnh trong năm nay (-4,2%), GDP toàn cầu được dự báo sẽ tăng khoảng 4,2% vào năm 2021 và 3,7% vào năm 2022. Vào cuối năm 2021, GDP toàn cầu sẽ ở mức trước khủng hoảng nhờ phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc. (Tổng cục Thống kê, 2020).

Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings (FR) dự báo tăng trưởng GDP thế giới là -3,7% năm 2020, tốt hơn mức -4,4% đưa ra trong tháng 9 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến trong Quý II năm 2020. FR cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2021 thêm 0,1 điểm phần trăm, lên 5,3%. Dự kiến tăng trưởng mạnh hơn ở cả Hoa Kỳ và Trung Quốc trong năm tới sẽ bù cho tăng trưởng yếu hơn ở châu Âu. Tốc độ tăng trưởng trên 5% sẽ là rất cao khi GDP thế giới đạt trung bình 2,6% một năm kể từ năm 1990.

Bảng 3.1. Dự báo tăng trưởng toàn cầu của các tổ chức quốc tế

Đơn vị: %

STT Tổ chức 2019 2020 2021

1 Quỹ Tiền tệ Quốc tế 2,8 -4,4 5,2

2 Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế 2,7 -4,2 3,7

3 Fitch Ratings 2,6 -3,7 5,3

Nguồn: Tổng cục Thống kê, Tổng quan tình hình kinh tế thế giới 2020

3.1.3.2. Triển vọng của ngành Dệt may Việt Nam

Năm 2020, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu (XK) ngành dệt may đạt 29,81 tỷ USD, giảm 3 tỷ USD so với năm 2019, tương đương -9,25%, thấp hơn nhiều các quốc gia khác, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%.

Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), kết quả này dù khiêm tốn nhưng là nỗ lực đáng ghi nhận của ngành dệt may khi phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động.

Đại hội nhiệm kỳ VI (2020-2025) và tổng kết năm 2020 của Hiệp hội Dệt may Việt Nam diễn ra ngày 12/12 tại Hà Nội đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, xuất khẩu ngành dệt may sẽ đạt 55 tỷ USD; trong đó, các sản phẩm chính bao gồm xơ, sợi các loại đạt 4.000 tấn, vải đạt 3.500 triệu m2, sản phẩm may hơn 8.500 sản phẩm. Giá trị thặng dư thương mại đến năm 2025 sẽ phấn đấu đạt 33 tỷ USD, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 11,6%. (Trang tin điện tử Đảng bộ TP. HCM, 2021).

Cơ sở của mục tiêu này xuất phát từ giai đoạn 2016 – 2020 và đặc biệt trong năm 2020, VITAS đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các DN trong nước, giữa DN trong nước và DN nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Trong giai đoạn 2020 – 2025, ngành dệt may Việt Nam đứng trước nhiều lợi thế và thách thức đan xen, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 còn

có thể kéo dài từ 1-2 năm tới. Đáng chú ý, khi Việt Nam đang thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới lại là cơ hội để các nhãn hàng lớn thâm nhập vào thị trường Việt Nam, tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn với sản phẩm dệt may trong nước. Để khẳng định vị thế, sẵn sàng vượt qua những thách thức đặt ra, hiệp hội sẽ tiếp tục tăng cường tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách còn bất cập với nhà nước; đặc biệt các vấn đề về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành…

Để hưởng lợi ích về thuế suất của CPTPP và EVFTA, Việt Nam phải phát triển nguồn nguyên liệu trong nước hoặc sử dụng nguyên liệu nội khối hay các quy định ngoại lệ để đáp ứng quy tắc xuất xứ. Đây là vấn đề không dễ giải quyết ngay khi hiện nay Việt Nam nhập khoảng 75% vải và phụ liệu cho may xuất khẩu. Chưa kể dệt may Việt Nam vừa chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước xuất khẩu dệt may lớn vào CPTPP, EU như Trung Quốc, Ấn Độ... và tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh với các thương hiệu lớn đến từ châu Âu và các nước CPTPP. Do đó, Hiệp hội sẽ tập trung làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp hội viên nhằm hình thành chuỗi cung ứng dệt may đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do; kết nối các trường, viện trong nước với doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.

Theo thông tin được Vitas đưa ra, nhu cầu của châu Âu và Hoa Kỳ trong năm 2020 giảm lần lượt là 45% và 40% với hàng may mặc, giảm 27% và 21% với giầy dép. Cho tới thời điểm quý IV/2020, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Hoa Kỳ và châu Âu, khiến cho thời điểm hồi phục của ngành thời trang về mức trước khi đại dịch được dự đoán là cuối năm 2022, đầu năm 2023.

Mặc dù vậy, ngành dệt may Việt Nam cũng có nhiều cơ hội trong bối cảnh thương mại toàn cầu thay đổi. Trung Quốc không chỉ giảm tổng lượng xuất khẩu lên tới 50% với một số mặt hàng mà mức giá cũng giảm sâu nhất là 20%. Hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là mặt hàng khó may, có giá trị cao và nhờ vậy vẫn giữ giá, mở rộng thị phần tại thị trường Hoa Kỳ. Vào tháng 6/2020, Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất hàng may mặc vào Hoa Kỳ, vị trí mà Trung Quốc chiếm giữ nhiều năm nay.

Ở thị trường châu Âu, hiện tại Việt Nam mới chiếm khoảng 3% thị phần. các mặt hàng này. Với hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020, dự báo xuất khẩu dệt may tăng 67% vào 2025. Các doanh nghiệp đã bắt đầu một số điều chỉnh mang tính chiến lược trong thời gian từ 1-3 năm tới. Cùng đó, có tới 55,7% doanh nghiệp dự định thúc đẩy tự động hóa, 49,8% sẽ phát triển sản phẩm mới, 39,9% sẽ đa dạng hơn nữa sản phẩm và 41,5% sẽ đầu tư nâng cao kĩ năng lao động. (Phan Trang, 2020).

Toàn ngành sẽ vượt khó 2021, 2022, thậm chí 2023; đến cuối quý III/2023 nếu dịch COVID-19 kiểm soát được thì sẽ về trạng thái bình thường của năm 2019. Các hiệp định thương mại tự do đang có kết cấu thị trường tương đối tốt. Để kéo đơn hàng, cộng đồng doanh nghiệp phải xây dựng liên kết chuỗi chặt chẽ, chia sẻ thông tin, giải pháp công nghệ, quản trị, đặc biệt là chia sẻ về những đơn hàng trong bối cảnh COVID-19.

• Cơ hội

- Xu hướng chuyển địa điểm sản xuất hàng dệt may từ các nước phát triển như Đài Loan, Hàn Quốc và thậm chí từ Trung Quốc đến các nước đang phát triển ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam mở ra cơ hội thu hút nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý để phát triển ngành công nghiệp dệt may.

- Khả năng tiếp cận thị trường được tăng cao khi Việt Nam ký kết các FTA như: FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu, FTA Việt Nam – EU, TPP…

- Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được kỳ vọng mở rộng thị trường xuất khẩu cho các ngành hàng trong nước; trong đó, có ngành dệt may. Hiệp định RCEP chính thức được ký kết vừa qua với sự tham gia của 15 thành viên, tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD, tạo nên khu vực thuơng mại tự do lớn nhất thế giới. Nhờ vào cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lý Hiệp định RCEP cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, hiệp định này dự kiến sẽ tạo cơ hội để ngành dệt may đẩy mạnh xuất khẩu, hình thành chuỗi cung ứng.

Đối với Hiệp định RCEP, ngành dệt may sẽ được mở ra một thị trường lớn với mức độ cam kết ít khắt khe hơn, yêu cầu dễ chịu hơn so với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hơn nữa, trong khối Hiệp định RCEP có một số nước là thành viên của Hiệp định CPTPP sẽ hóa giải những khó khăn, thách thức đến từ nguyên liệu "đầu vào", vì sẽ giúp bổ trợ phần nguyên liệu bị thiếu hụt trong nước hiện nay.

Đặc biệt, Hiệp định RCEP sẽ giải quyết được một số vấn đề lớn cho doanh nghiệp ngành dệt may khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam, cơ hội rộng mở với thị trường tỷ dân này.

- Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng là một thị trường tiềm năng, nếu như trước đó, hàng may mặc vào thị trường này buộc phải chứng minh nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN và Nhật Bản, thì nay với Hiệp định RCEP, hàng may mặc Việt Nam được sản xuất từ nguyên phụ liệu Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

- Ngoài ra, Hiệp định RCEP cũng sẽ tạo ra động lực phát triển công nghệ dệt may, giúp chuyển dịch cơ cấu dệt may của các nước trong khu vực vào thị trường Việt Nam và bổ sung được phần cung thiếu hụt của Việt Nam.

• Thách thức

- Nhiều rào cản thương mại và rào cản kĩ thuật như quy định về hóa chất, sản phẩm an toàn… tạo ra chi phí cao hơn đối với các nhà cung cấp.

- Cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ quốc tế, đặc biệt là từ các nhà cung cấp hàng dệt may lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh.

- Trong những năm gần đây, ngành Dệt may đã nắm bắt xu hướng muốn phát triển bền vững thì tiên quyết phải thoát cảnh thuần túy gia công - mua nguyên liệu, bán thành phẩm (CMT sang FOB), tự thiết kế bán hàng (ODM) hay sở hữu nhãn hàng riêng (OBM). Một số DN trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã đạt được kết quả khả quan. Tuy vậy, con số này rất khiêm tốn, chỉ những công ty có nguồn vốn, quy mô lớn, còn trên 80% DN nhỏ và vừa vẫn thuần gia công. Nguyên nhân là do còn tồn tại một số hạn

chế như: Nguồn nguyên phụ liệu hầu hết phụ thuộc vào nước ngoài, phương thức gia công xuất khẩu là chủ yếu (chiếm 65%), hàng FOB 25%, ODM và OBM chỉ chiến tỷ trọng 10%.

- Bên cạnh đó, trình độ công nghệ chỉ ở mức trung bình. Trình độ lao động dệt may thấp, lao động phổ thông chiếm đến 76%; sơ cấp, trung cấp chuyên nghiệp chiếm 17,3%; cao đẳng, đại học và trên đại học chiếm 6,8%.

- Thách thức của ngành dệt may trong năm 2020 chính là sự thay đổi phương thức mua hàng, thanh toán của các khách hàng. Cùng với đó, các mặt hàng sơ mi, veston cao cấp có mức độ tiêu thụ thấp, thậm chí có doanh nghiệp không có đơn hàng hoặc giảm tới 80%. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải chuyển sang sản xuất đồ bảo hộ lao động, đồ mặc nhà, đồ thể thao, khẩu trang vải... Đi kèm với việc chuyển đổi chính là thay đổi công nghệ và phải đào tạo lại lao động, tốn kém chi phí của doanh nghiệp trong khi tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Một phần của tài liệu NGUYỄN KIM CHI-1906020212-QTKD26 (Trang 90 - 96)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w