Phân tách bộ phận tín dụng thành các bộ phận chuyên môn khác nhau như quan hệ khách hàng (tập trung chủ yếu vào hoạt động tiếp thị, tiếp xúc khách hàng, khởi tạo tín dụng), bộ phận quản lý rủi ro tín dụng (thực hiện thẩm định tín dụng độc lập và ra các ý kiến về cấp tín dụng cũng như quá trình thực hiện các quyết định tín dụng của bộ phận quan hệ khách hàng), bộ phận tác nghiệp (thực hiện lưu trữ hồ sơ, nhập hệ thống máy tính và quản lý khoản vay...). Giờ đây, một quyết định tín dụng không phụ thuộc vào một cá nhân mà là sự đồng thuận của các lãnh đạo các bộ phận chức năng có vai trò độc lập trong quá trình tác nghiệp. Đây là một lực cản không nhỏ trong quá trình triển khai mô hình này.
Nâng cao chất lượng công tác thẩm định: đây là khâu đầu tiên của quy trình tín dụng, quyết định việc cấp hay không cấp tín dụng, do đó chất lượng công tác thẩm định được xem là biện pháp hàng đầu trong ngăn ngừa rủi ro. Quá trình thẩm định cần bám sát quy chế, quy trình, cán bộ thẩm định cần phải đủ năng lực chuyên môn để đánh giá phân tích hồ sơ, mức độ tin cậy số liệu ban đầu, biết tư vấn cho doanh nghiệp xác định được định hướng, phương án đầu tư rõ ràng, lựa chọn dự án với năng lực tài chính, đặc biệt phải tính đúng tính đủ nhu cầu vốn đầu tư, không được để áp lực nào mà đầu tư vào những tài sản kém phát huy hiệu quả. Đồng thời khi thẩm định cần chú trọng công tác thu thập, xử lý thông tin về dự án/khoản vay, áp dụng các chỉ tiêu thẩm định như NPV, IRR, phân tích độ nhạy... và cần đặc biệt lưu ý việc thẩm định năng lực, uy tín kinh nghiệm quản lý, khả năng tài chính của khách hàng, chủ đầu tư...
Tăng cường công tác kiểm tra giám sát sử dụng vốn vay: đa số các doanh nghiệp khi vay vốn đều có dự án/phương án kinh doanh cụ thể, khả thi nhưng giữa kỳ vọng của dự án và thực tế còn một khoảng cách, do đó khả năng doanh nghiệp sử dụng vốn sai mục đích, cố tình chiếm dụng vốn cho hoạt động kinh doanh khác vẫn có thể xảy ra.
Về thực hiện việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro kịp thời đúng quy định: cần thực hiện việc đánh giá, phân loại nợ một cách thường xuyên, qua đó áp dụng các giải pháp tín dụng hợp lý, lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời để giúp cho chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, trả được nợ vay cho ngân hàng và làm lành mạnh hóa tình hình tín dụng của ngân hàng.
Bố trí cán bộ hợp lý và nâng cao chất lượng cán bộ đảm trách công tác thẩm định và tín dụng. Có thể nói yếu tố con người là giải pháp phòng ngừa rủi ro. Cán bộ chuyên môn có năng lực tốt sẽ tham mưu tốt cho lãnh đạo trong việc lựa chọn dự án khả thi để cho vay, ngoài chuyên môn tốt, phẩm chất đạo đức cũng không kém phần quan trọng, có đạo đức nghề nghiệp, đánh giá khách hàng, đánh giá hiệu quả của dự án với thái độ công tâm, không vì mục đích cá nhân.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG KHÁCH HÀNG DOANH NGHIỆP TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN