6. Cấu trúc luận văn
3.3.1. Đối với Nhà Nước
3.3.1.1. Đẩy mạnh phát triển thị trường với các nước có vị trí gần Việt Nam
Dựa vào kết quả nghiên cứu, để phát triển thương mại nội ngành dệt may, Việt Nam cần xây dựng chính sách ưu tiên trong lựa chọn các đối tác thương mại mà mình có lợi thế về khoảng cách địa lý, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới với Việt Nam để giảm chi phí vận chuyển và chi phí thông tin, tiết kiệm thời gian vận chuyển, giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp. Qua đó, giúp Việt Nam duy trì và phát huy lợi thế, thúc đẩy thương mại nội ngành hàng dệt may trong thời gian tới.
Ngoài ra, Nhà nước cần giúp đỡ doanh nghiệp trong việc định hướng, và quảng bá ngành Dệt may Việt Nam trong các triển lãm, hội chợ thương mại tại các thị trường lớn trên thế giới. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận, và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng, thị trường lớn của thế giới.
3.3.1.2. Tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI
FDI là một trong những yếu tố quan trọng, tác động tích cực đến thương mại nội ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng chưa có bằng chứng rõ ràng về tác động FDI, chứng tỏ FDI sẽ tác động trong thương mại nội ngành dệt may Việt Nam trong thời gian dài.
Mặc dù trong bối cảnh hiện tại, ngành dệt may Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút FDI do các thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn như Mỹ, EU vẫn đang cố gắng chống dịch, sức mua chưa tăng trở lại… Khi nhu cầu hàng hóa thấp, các nhà đầu tư khó có thể nói đến việc xúc tiến đầu tư ra bên ngoài. Tuy nhiên, điểm sáng trong thu hút FDI trong ngành dệt may là trước đây Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc được xem là những “cường quốc” dệt may hàng đầu thế giới, nhưng hiện nay, các nước và vùng lãnh thổ này đang giảm dần sản xuất, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Do đó, việc chuyển dịch sản xuất sang các nước khác, trong đó có Việt Nam là điều tất yếu.
Ngoài ra, Việt Nam là một thị trường có nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước - sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho sự dịch chuyển đầu tư này.
Sự dịch chuyển sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài sẽ hỗ trợ dệt may Việt Nam gia tăng tỷ trọng phần cung ứng bị thiếu hụt. Khi đó, các doanh nghiệp trong nước gia tăng tỷ trọng nội địa hóa, được hưởng các ưu đãi đầu tư theo cam kết từ các hiệp định thương mại tự do.
Do vậy Việt Nam cần tiếp tục đổi mới môi trường kinh tế, thu hút nguồn FDI từ nước ngoài vào ngành dệt may, đồng thời cần phải có chính sách bền vững, lâu dài để nguồn vốn FDI trở thành động lực để phát triển thương mại trong ngành dệt may nói chung, và thương mại nội ngành nói riêng. Bên cạnh đó, nhà nước cần có sự chọn lọc khi tiếp nhận vốn FDI, tránh trường hợp dòng vốn FDI tràn lan thiếu hiệu quả, gắn đầu tư FDI với chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước, hạn chế dòng tiền từ FDI chảy ngược lại nước ngoài, biến Việt Nam trở thành vùng trung gian cho các doanh nghiệp FDI trục lợi.
Bên cạnh đó, để việc thu hút và sử dụng vốn FDI từ nước ngoài vào ngành dệt may hiệu quả, cần tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa. Việc liên kết này sẽ giúp các doanh nghiệp nội địa có điều kiện khai thác công nghệ, kinh nghiệm quản lý của các doanh nghiệp FDI trong cùng lĩnh vực ngành dệt may.
3.3.1.3. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp
Môi trường kinh doanh hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vật cản hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Nhà nước có thể đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian xin cấp giấy phép đầu tư, đảm bảo sự thống nhất giữa các văn bản về pháp luật đầu tư. Tiếp tục cải thiện các thủ tục hành chính để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may, đặc biệt là ngành công nghiệp phụ trợ, dần tiến đến chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước.
Cải cách các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, xuất nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa các thủ tục và thực hiện cơ chế một dấu, một cửa. Tăng cường các chính sách khuyến khích và ưu đãi về tài chính, tín dụng nhằm tạo động lực lớn hơn cho các doanh nghiệp dệt may hướng tới xuất khẩu. Ngoài ra, việc đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, trong suốt sẽ cung cấp thông tin đầy đủ về thị trường cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng và lành mạnh cho các doanh nghiệp, từ đó sẽ nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng sản phẩm của những sản phẩm dệt may xuất khẩu Việt Nam.
Ngoài những chính sách nhằm hoàn thiện khung pháp lý kể trên, cần phải củng cố bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ bằng các văn bản pháp luật. Điều này được xem như những chính sách khuyến khích sáng tạo cho các doanh nghiệp, mặc dù chỉ với quy mô doanh nghệp vừa và nhỏ như hiện nay. Bên cạnh đó, không quên khuyến khích thành lập và phát triển các Hiệp hội, điển hình như Hiệp hội ngành dệt may, những định chế hay điều luật hiệp hội được Chính phủ ban hành sẽ là những kim chỉ nam cho sự tăng cường tác động của những hiệp hội này trong việc liên kết thúc đẩy phát triển ngành dệt may nói chung và các doanh nghiệp trong hiệp hội nói riêng.
Ngoài ra, Chính phủ cần cải thiện chính sách thuế có liên quan đến sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may. Các doanh nghiệp dệt may sử dụng nguyên liệu trong nước để sản xuất và xuất khẩu phải gánh chịu thuế giá trị gia tăng, vì vậy họ sẽ gặp khó khăn trong quá trình cạnh tranh với các doanh nghiệp gia công xuất khẩu. Để khuyến
khích gia tăng tính cạnh tranh với hàng dệt may xuất khẩu, Chính phủ cần có những biện pháp giảm thuế đối với nguyên phụ liệu sản xuất trong nước.
Mặc dù hàng gia công xuất khẩu có thuế suất giá trị gia tăng là 0%, nhưng thuế xuất khẩu vẫn còn, điều này cũng gây khó khăn không ít cho các doanh nghiệp. Vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp thuế xuất khẩu hợp lý trên cơ sở trao đổi thảo luận với Hiệp hội ngành dệt may. Thực hiện chính sách thuế tích cực sẽ góp phần giải phóng sức mạnh tiềm năng của ngành dệt may Việt Nam.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là về hạ tầng giao thông và năng lượng. Chính phủ cần đưa ra những chính sách phát triển giao thông đường biển, hàng không, đường bộ. Hạ tầng giao thông đa dạng sẽ giúp cho các doanh nghiệp lựa chọn phương thức vận chuyển nguyên phụ liệu và thành phẩm được nhanh chóng dễ dàng và có hiệu quả. Mặt khác, sự phát triển mạnh mẽ của ngành Năng lượng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Dệt May thực hiện đúng tiến độ cho các đơn hàng xuất khẩu.
3.3.1.4. Thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp phụ trợ dệt may Việt Nam
Như kết quả nghiên cứu, thương mại nội ngành của Việt Nam chủ yếu là thương mại nội ngành theo chiều dọc, do vậy lợi ích thương mại Việt Nam thu được từ chuỗi giá trị là rất thấp. Hơn nữa, dệt may Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nước ngoài nên dễ bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhà nước cần có các chính sách đúng đắn và hiệu quả để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để chủ động trong nguồn nguyên liệu và phụ liệu phục vụ sản xuất trong ngành dệt may.
Việt Nam nên lựa chọn một số linh kiện, phụ kiện phù hợp với điều kiện của Việt Nam để đầu tư sản xuất. Những ngành công nghiệp hỗ trợ có thể gây ảnh hưởng lớn đến môi trường như công nghiệp dệt nên có sự kiểm duyệt và ưu tiên khi triển khai. Phát triển công nghiệp hỗ trợ không phải là việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, cung cấp các đầu vào cho các ngành trong nước mà việc này nên hướng đến cả thị trường nước ngoài để khai thác tính lợi thế theo quy mô, từ đó giảm giá thành, và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của cả công nghiệp hỗ trợ, và các ngành công nghiệp thượng nguồn của Việt nam (Từ Thúy Anh, 2013)
Câu chuyện thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam sẽ bước sang một trang khác khi dệt may giải quyết được bài toán về ngành công nghiệp phụ trợ. Nếu Việt Nam muốn hưởng lợi tối đa từ các FTA kí kết thì những yêu cầu về quy tắc xuất xứ cũng như yêu cầu chất lượng phải được đáp ứng. Hơn 10 tỷ USD nhập khẩu nguyên phụ liệu như vải, khóa kéo, phụ kiện thời trang…đều có thể khắc phục bằng việc phát triển ngành phụ trợ cho dệt may.
Những nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên như bông, tơ tằm, gai, đay, lanh… và xơ sợi tổng hợp Việt Nam hoàn toàn có khả năng cung ứng trực tiếp. Vì vậy, nhà nước nên thành lập khu liên hợp sợi – dệt nhuộm – may với quy mô hợp lý và đồng bộ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tập trung các cụm công nghiệp để giải quyết nước thải của khâu nhuộm hoặc nước thải trong quá trình xi mạ khuy, nút kim loại… đồng thời quy hoạch vùng trồng bông và các cây nguyên vật liệu theo trang trại quy mô lớn để dễ chế biến và xử lý tạo sự liên kết giữa nhà sản xuất và các doanh nghiệp trong ngành, chủ động đáp ứng được nhu cầu lâu dài của các đơn hàng xuất khẩu.
Việc phát triển công nghiệp dệt sợi cần phải thực hiện theo chiều sâu, cải tạo và nâng cấp có hiệu quả các nhà máy kéo sợi và dệt vải hiện có, đồng thời đầu tư xây dựng một số nhà máy dệt vải nặng và nhẹ cho các sản phẩm áo sơ mi, quần âu và veston chủ đạo của Việt Nam, khi áp dụng thành công những giải pháp này vấn đề về tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm dệt may Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể.
Công nghiệp hỗ trợ, liên quan là yếu tố quan trọng hàng đầu của ngành dệt may, do vậy việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, liên quan sẽ dẫn đến sự phát triển ngành dệt may. Chính phủ cần có sự quan tâm mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của khối ngành này. Cụ thể, cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa như: ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu, thuế đất, hỗ trợ tối đa kinh phí các hoạt động nghiên cứu và phát triển, hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất. Khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp hỗ trợ ngành dệt thông qua biện pháp hoàn thuế đầu tư cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc hỗ trợ vốn kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước là cần thiết cho phát triển ngành phụ trợ. Các dự án để phát triển ngành này
thường có thời gian hoàn vốn tương đối dài (từ 10 – 15 năm) nên việc ưu tiên cho vay nguồn vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi sẽ thúc đẩy động lực đầu tư của các doanh nghiệp, hạn chế sự lép vế của doanh nghiệp Việt Nam so với các doanh nghiệp có vốn FDI.
3.3.1.5. Tận dụng các lợi thế từ các hiệp định FTA
Việt Nam là một trong những quốc gia rất tích cực tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định FTA, tuy nhiên ảnh hưởng từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương cũng như liên kết khu vực chưa có ảnh hưởng tích cực đáng kể đến thương mại dệt may của Việt Nam. Vì vậy, trong thời gian gian tới, Việt Nam cần tiếp tục tận dụng và tăng cường khai thác các lợi ích từ các hiệp định FTA vào hoạt động thương mại dệt may với nước ngoài.
Để hỗ trợ doanh nghiệp hàng Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, Nhà nước cần tổ chức các hội thảo, chuyên đề về khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch.
Đồng thời, Nhà nước cần có các định hướng cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường, qua đó rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.
Chính phủ, Bộ Công Thương cần tăng cường truyền thông về Hiệp định FTA cùng với cơ hội xuất nhập khẩu dệt may trong khu vực để doanh nghiệp hiểu và tận dụng ưu đãi trong lĩnh vực dệt may.
Bên cạnh đó, trong thời đại cạnh tranh gay gắt hiện nay và bối cảnh đại dịch Covid lan rộng trên toàn thế giới, ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động dệt may, việ hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp là vô cùng cần thiết. Nếu các doanh nghiệp không có sự hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng thì cơ hội kinh doanh sẽ không còn nữa.
Vì vậy để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành dệt may hoạt động tốt, Chính phủ và các tổ chức tín dụng cần đảm bảo nguồn vốn cho các doanh nghiệp vay khi cần thiết nhằm đáp ứng tiến độ cho các hợp đồng xuất khẩu. Mặt khác, lãi suất vay cũng là một vấn đề các doanh nghiệp ngành dệt may quan tâm, vì nó ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Lãi suất duy trì ở mức hợp lý là động lực để các doanh nghiệp yên tâm hoạt động.