4. Những đóng góp mới và ý nghĩa của luận văn
3.7.4. Một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triểnkinh tế trang trại tại thành phố
Sông Công tỉnh Thái Nguyên
Phát triển KTTT đã dần khẳng định vị trí rõ nét trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là đã giải quyết được những vấn đề mà kinh tế hộ gia đình trước đây khó có thể làm được. Đó là, áp dụng nhanh tiến bộ KH-KT vào sản xuất hàng hóa lớn; tạo sự liên kết hợp tác dịch vụ sản xuất cũng như thu hút nguồn vốn nhàn rỗi của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, chủ động tiếp cận thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm… Thực tế cho thấy, mô hình KTTT đã góp phần tăng nguồn thu nhập cho nông dân, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo, giúp nông dân vươn lên làm giàu; giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn.
Nhằm khắc phục những bất cập về phát triển KTTT và đảm bảo thực hiện thành công các định hướng về phát triển KTTT của thành phố Sông Công tỉnh Thái Nguyên theo hướng bền vững đến năm 2025 và tầm nhìn 2030. Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp chính và cụ thể như sau:
a. Đổi mới nhận thức về vai trò của kinh tế trang trại trong phát triển nông nghiệp, nông thôn
Phát triển KTTT thành phố Sông Công trong giai đoạn tới có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết lần thứ IX Đảng bộ thành phố Sông Công về Kế hoạch phát triển KT-XH đến năm 2025. Chính vì vậy, chương trình phát triển KTTT cần được các cấp ủy Đảng ban hành nghị quyết chuyên đề, chính quyền, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, MTTQ, các ban ngành đoàn thể từ thành phố đến cơ sở, đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường công tác tuyên truyền một cách đồng bộ để thực hiện thành công, tạo sự đột phá quan trọng trong thực hiện Nghị quyết số 26 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố.
b. Hoàn thiện công tác quy hoạch để lựa chọn loại hình kinh tế trang trại phù hợp với từng vùng sinh thái, tự nhiên của thành phố
Kết quả nghiên cứu ở chương 3 cho thấy KTTT của thành phố Sông Công tỉnh Thái Nguyên đã phát triển theo hướng tự phát là chủ yếu, không dựa vào quy hoạch. Phát triển KTTT trên địa bàn thành phố chưa dựa trên cơ sở quy hoạch một cách bài bản, mang tính chiến lược lâu dài của địa phương, chưa thực sự dựa trên thế mạnh về điều kiện KT-XH của từng vùng sinh thái và chưa gắn kết với định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của thành phố. Vai trò của chính quyền các cấp trong định hướng hình thành trang trại thông qua công tác quy hoạch còn mờ nhạt. Đây cũng là vấn đề phổ biến chung của nhiều địa phương trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường.
Theo khảo sát của đề tài, hầu hết các loại hình trang trại đều do chủ trang trại lựa chọn theo một mẫu hình thực tế mà họ biết qua thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc qua bạn bè người thân giới thiệu. Vì lẽ đó, trong cùng một địa bàn, có cùng một điều kiện tự nhiên, sinh thái và khả năng đầu tư như nhau nhưng đã hình thành các loại hình TT rất khác nhau.
Do phát triển thiếu quy hoạch nên KTTT tại thành phố Sông Công tỉnh Thái Nguyên không hội tụ đủ điều kiện để hình thành các vùng chuyên canh, không thể tạo ra những chuyển biến về KT-XH của từng vùng sinh thái đặc thù của thành phố theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, chưa tạo thành các chuỗi cung ứng trong sản xuất và tiêu thụ nông sản trong tổng thể phát triển KT-XH của địa phương. Vì vậy, luận văn cho rằng để phát triển KTTT trên địa bàn thành phố Sông Công tỉnh Thái Nguyên nhất thiết cần phải có quy hoạch phát triển KTTT một cách bài bản, khoa học. Nếu vẫn tiếp tục phát triển thiếu quy hoạch như vừa qua tất yếu sẽ dẫn tới sự phát triển KTTT không bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Đến nay tại thành phố Sông Công tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều quy hoạch ngành và sản phẩm có liên quan đến nông nghiệp được phê duyệt như: quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản thành phố Sông Công đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi thành phố Sông Công đến năm 2025; Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Sông Công giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2025; quy hoạch phát triển nông thôn mới thành phố Sông Công đến năm 2025. Quy hoạch phát triển chăn nuôi thành phố Sông Công đến năm 2025. Quy hoạch vùng SXNN ứng dụng công nghệ cao… Bên cạnh đó, hầu hết các xã, phường trên địa bàn thành phố đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2025.
Thành phố đã có quá nhiều quy hoạch, song các bất cập trong công tác quy hoạch vẫn được bộc lộ như: tính liên kết giữa các quy hoạch còn thấp; quy hoạch chồng lên quy hoạch; nhiều quy hoạch thiếu tính khả thi và điều kiện thực hiện; một số quy hoạch địa phương còn đi trước cả quy hoạch tổng thể. Riêng về quy hoạch phát triển KTTT trên địa bàn thành phố mới đang trong giai đoạn khảo sát để lập đề án quy hoạch. Luận văn cho rằng thành phố Sông Công cần sớm hoàn thành việc công bố quy hoạch KTTT của tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn 2030. Để thực hiện được điều đó các đơn vị có liên quan đến việc lập và công bố quy hoạch cần triển khai các nhiệm vụ cụ thể sau đây:
- Các ngành chức năng trong thành phố cần sớm chủ động rà soát quy hoạch về quỹ đất theo hướng phân bổ quỹ đất dành cho nông nghiệp đến năm 2030. Các nhóm đất có liên quan nhiều đến việc hình thành và phát triển các loại hình TT chủ yếu của thành phốnhư: Quỹ đất trồng cây lâu năm để phát triển cây công nghiệp và cây ăn quả, đây là thông tin đầu vào rất quan trọng đối với các nhà đầu tư vào lĩnh vực TT trồng cây lâu năm vùng chuyên canh tập trung trồng cây ăn quả tại các xã, phường… Việc công bố quỹ đất là căn cứ quan trọng để triển khai các loại hình KTTT phù hợp với từng vùng sinh thái của thành phố.
- Quy hoạch phát triển KTTT phải đảm bảo thời gian đủ dài từ 20 đến 25 năm để các chủ TT có định hướng SXKD lâu dài và ổn định. Sau khi hoàn thành quy hoạch, thành phố cần tổ chức công bố công khai để chính quyền các cấp, người dân và chủ TT biết và thực hiện. Đồng thời, cần thành lập Ban chỉ đạo các cấp trực UBND cùng cấp để theo dõi và chỉ đạo việc thực hiện quy hoạch tránh tình trạng quy hoạch treo.
c. Hoàn thiện công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạo điều kiện tích tụ đất đai để phát triển kinh tế trang trại
Trong quá trình hình thành và phát triển KTTT của thành phố Sông Công tỉnh Thái Nguyên cho thấy, đất đai là yếu tố quan trọng nhất để hình thành nên các loại hình TT, nhất là giai đoạn mới thành lập, khi phát triển KTTT mới thường phát triển theo chiều rộng. Trong những năm gần đây các cấp Ủy Đảng và Chính quyền địa phương đã thực hiện một số biện pháp tạo điều kiện cho các hộ nông dân mở rộng, khai thác đất đai, hình thành nên các TT có quy mô diện tích tương đối lớn. Để tiếp tục khuyến khích những hộ nông dân sản xuất giỏi khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai và thực sự
có đủ điều kiện về đất đai, hình thành nên các TT có quy mô diện tích đủ lớn vượt qua mức bình quân hiện nay cần có các giải pháp cụ thể sau đây:
- Một là, khuyến khích các hộ chuyển đổi ruộng đất trước khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khuyến khích các hộ dân chuyển nhượng, dồn điền, đổi thửa tạo điều kiện tích tụ ruộng đất, chuyển đổi từ đất khác sang TT chuyên canh hoặc kết hợp theo hướng tập trung, quy mô diện tích lớn. Thành phố sớm hoàn thiện việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạo điều kiện để chủ hộ hoặc chủ TT yên tâm đầu tư phát triển SXKD.
- Hai là, khuyến khích những người có vốn đầu tư phát triển KTTT theo hợp đồng sử dụng đất. Hộ gia đình SXNN có nhu cầu và khả năng sử dụng đất vượt hạn điền cần được cấp địa phương có thẩm quyền xét cho thuê đất phát triển KTTT theo luật đất đai hiện hành. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thuê đất, cấp quyền sử dụng đất cho các dự án chế biến, dịch vụ và mở rộng diện tích cho các TT. Thực hiện đầy đủ các chính sách khuyến khích của các ngành về lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra Nhà nước ta phải coi đất là hàng hóa đặc biệt, được mua bán theo luật, tạo điều kiện cho các hộ nông dân có thể dùng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn cổ phần, có thể thế chấp vay vốn ngân hàng, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và có thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp cho các TT.
- Ba là, đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ TT, hộ gia đình được giao đất phát triển theo quy hoạch. Triển khai cấp giấy chứng nhận KTTT đối với số TT đạt tiêu chuẩn theo Thông tư số 27/2011/TT-BNN&PTNT ngày 13/4/2011 của Bộ NN&PTNT về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận KTTT, nhằm tạo điều kiện cho các chủ TT yên tâm đầu tư và vay vốn sản xuất.
- Bốn là, khắc phục tình hình sử dụng đất chưa hiệu quả hiện nay, khi giao đất cho các hộ và các TT cần có sự hướng dẫn cụ thể, gắn liền giữa quy hoạch các vùng phát triển cho từng loại hình TT, quy hoạch cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch.
- Năm là, các TT cần được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai khi thuê đất hoang hóa, đất đồi… để trồng rừng, trồng cây lâu năm và khi thuê diện tích các vùng nước tự nhiên chưa có đầu tư cải tạo vào mục đích nuôi trồng thủy sản.
d. Giải pháp về thị trường, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế trang trại
- Nâng cao năng lực của các tác nhân trong việc tiếp cận thị trường thông qua đào tạo và phổ biến kiến thức. Xác định các thị trường tiềm năng và thị trường mục tiêu trên cơ sở phân tích đầy đủ thực trạng về thị trường và ngành hàng.
- Mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm, điểm bán hàng cố định tại các thị trường trên để người tiêu dùng dễ tiếp cận. Trong thời gian tới, tiếp tục nghiên cứu khả năng đưa sản phẩm của TT tới các thị trường Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng... Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu của một số mặt hàng mũi nhọn trên nhiều phương tiện đại chúng để khẳng định chất lượng cũng như giới thiệu tiêu chuẩn sản phẩm đến với người tiêu dùng. Đẩy mạnh việc ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm vào các siêu thị lớn, nhằm tạo lập đầu ra và mạng lưới phân phối ổn định và có uy tín.
- Đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản để thu hút sản phẩm của KTTT. Khuyến khích các doanh nghiệp mua bán tiêu thụ sản phẩm cho các TT. Đồng thời hướng dẫn các chủ TT áp dụng công nghệ mới trong sản xuất và chế biến nông sản.
- Cung cấp thông tin thị trường chính xác và kịp thời để các TT tiêu thụ sản phẩm. Mở rộng mạng lưới tiêu thụ nông - lâm- thủy sản chế biến để tạo động lực cho các chủ TT phát triển sản xuất.
- Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; trong đó, ưu tiên thủy lợi để mở rộng sản xuất, thâm canh. Trước mắt hỗ trợ một phần kinh phí để nâng cấp, sửa chữa công trình đầu mối, hệ thống kênh dẫn; các TT bỏ vốn đầu tư phần còn lại.
- Nâng cao khả năng tiếp cận thị trường cho các TT như:
+ Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao những hiểu biết của chủ TT về kỹ thuật nông lâm ngư nghiệp, về thị trường và marketing trong sản phẩm của mình.
+ Hình thành liên hiệp hoặc câu lạc bộ TT để tăng cường sức mạnh kinh tế tiến tới liên kết hợp tác SXKD và bảo vệ quyền lợi lẫn nhau nhằm chống lại các rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
e. Giải pháp về khoa học kỹ thuật và công nghệ để phát triển kinh tế trang trại
Triển khai xây dựng các đề án, dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên cơ sở kết quả nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ, bao gồm các đề án, dự án có hoạt động triển khai thực nghiệm nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng mô hình và đầu tư sản xuất sản phẩm để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có thể thay thế sản phẩm nhập khẩu, cụ thể cho từng lĩnh vực như sau:
- Đối với các trang trại thuộc lĩnh vực trồng trọt: Sản xuất giống và ứng dụng rộng rãi các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chống chịu cao, tập trung vào các đối tượng cây trồng chủ lực phục vụ cho an ninh lương thực, xuất khẩu và thay thế nhập khẩu; từng bước áp dụng trong sản xuất giống cây trồng biến đổi gen; sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, an toàn và hiệu quả cao áp dụng quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), VietGAP, tập trung vào các loại cây lương thực, cây thực phẩm, cây ăn quả và cây công nghiệp chủ lực; sản xuất rau an toàn, hoa cao cấp trong nhà lưới, nhà kính…
- Đối với các trang trại thuộc lĩnh vực chăn nuôi: Để có thêm cơ hội đưa các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi của các TT cần định hướng để các chủ trang TT phát triển tại các vùng chăn nuôi tập trung như: vùng đầu tư TT chăn nuôi lợn tập trung quy mô lớn tại xã Bình Sơn, phường Lương Sơn, xã Bá Xuyên. Chủ động sản xuất, cung ứng cơ bản các giống bố, mẹ chủ lực chất lượng cao tại các địa phương trong thành phố; hình thành 03 - 04 cơ sở khai thác tinh lợn chất lượng cao.
- Tiếp tục đầu tư thỏa đáng cho công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công để chuyển giao tiến bộ KH-CN cho TT, đưa các giống cây trồng và vật nuôi có chất lượng tốt đưa vào sản xuất; áp dụng công nghệ mới trong công nghiệp chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; rút kinh nghiệm và nhân rộng các hình thành KTTT điển hình.
- Khuyến khích các hình thức liên kết và hợp tác trong nghiên cứu và ứng dụng KH-CN nông nghiệp, trong đó coi trọng sự liên kết giữa các trung tâm, viện nghiên cứu ở trong và ngoài tỉnh với các TT hạt nhân trên từng vùng để nghiên cứu tạo ra những giống vật nuôi cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng và chịu được điều kiện khí hậu ở địa phương cũng như chuyển giao tiến bộ KH-CN cho các TT.
f. Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển kinh tế trang trại
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của TT trong đó đặc biệt là trình độ quản lý SXKD và trình độ KH-KT của chủ TT cần thực hiện các nội dung cụ thể sau: