Sau khi soạn thảo cam kết bảo lãnh, thông thường trước khi thực hiện phát hành thư bảo lãnh chính thức, ngân hàng phát hành cần thực hiện các bước sau:
+ Thu phí phát hành bảo lãnh: trong đó phí bảo lãnh là phí dịch vụ của ngân hàng bảo lãnh thu từ người được bảo lãnh, thường được tính với một tỷ lệ % nhất định. Tỷ lệ phí cao hay thấp tùy thuộc vào mức độ rủi ro của phương án phát hành và tỷ lệ tham gia ký quỹ của người được bảo lãnh
+ Thực hiện ký quỹ bảo lãnh: thông thường mức kỹ quỹ thường tính bằng % trên giá trị của bảo lãnh. Tuỳ theo uy tín của khách hàng và tiêu chuẩn của các tổ chức tín dụng, mức ký quỹ có thể áp dụng từ 5% đến 100%. Đối với một số các khách hàng lớn như các tổng công ty nhà nước, các tập đoàn tư nhân lớn với xếp hạng tín nhiệm cao ở một số tổ chức xếp hạng uy tín như VNR500 thông thường mức kỹ quỹ sẽ được áp dụng ở mức 0%.
+ Hoàn thiện các thủ tục nhận thế chấp tài sản đảm bảo trong trường hợp phương án được phê duyệt có tài sản đảm bảo. Quy trình của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam thông thường sẽ đảm bảo tối thiểu rủi ro cho ngân hàng nên việc hoàn thiện thế chấp tài sản đảm bảo là bắt buộc thực hiện trước khi phát hành thư bảo lãnh.
+ Hạch toán ngoại bảng giá trị bảo lãnh trên các hệ thống phần mềm số liệu của ngân hàng.
Sau khi hoàn thiện các bước trên, thư bảo lãnh được phát hành dưới hình thức một bản gốc (có chữ ký tươi theo quy định của cấp có thẩm quyền theo quy định của từng tổ chức tín dụng và đóng dấu của tổ chức tín dụng đó). Bản gốc này phải được đảm bảo chuyển giao trực tiếp/ chuyển phát nhanh cho người đại diện nhận bảo lãnh (có thể là bên nhận bảo lãnh hoặc bên được bảo lãnh) và có giá trị thực hiện nghĩa vụ của tổ chức tín dụng phát hành. Cam kết bảo lãnh gốc này là cơ sở để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của tổ chức tín dụng với bên nhận bảo lãnh.