- Bộ ghép nội (Internal Tap Coupler)
f. IN-2B-G5 và OUT-2B-G5:
Hình 4.10 Màn hình hiển thị giá trị công suất kênh đo tại IN-2B-G5 và OUT-2B-G5
Nhận xét: Ta thấy tổng công suất ngõ vào bộ khuếch đại Booster 21 2B là -3.6dBm. Công suất này rõ ràng lớn hơn mức ngưỡng LOS Threshold (-9.0dBm) nên không có cảnh báo. Theo hình 3.5 ta thấy, mức công suất vào này nằm trong vùng tuyến tính của bộ khuếch đại Booster 21 băng-C. Cũng theo hình 3.5 thì với công suất ngõ vào như vậy, công suất ngõ ra sẽ nằm trong khoảng từ 20dBm đến 20.5 dBm. Tuy nhiên từ kết quả trên ta thấy công suất sau khuếch đại chỉ đạt 15.5dBm. Về độ lợi ta thấy, độ lợi tổng cộng là 19.1dB, nếu so sánh với khoảng độ lợi tuyến tính của card khuếch đại Booster 21 (17.5dB) thì kết quả đo được là tương đương. Từ kết quả trên ta cũng thấy, khoảng chênh lệch độ lợi giữa các bước sóng là từ 0.1 dB đến 0.2dB, đạt tiêu chuẩn cho phép nhỏ hơn 1dB.
4.5.4 Kết luận về kết quả khảo sát thu được
Từ kết quả khảo sát thu được kết hợp với những nhận xét ở trên, ta có thể đưa ra một số kết luận chung như sau:
Tuỳ thuộc vào công suất tín hiệu ngõ vào, ta có thể linh hoạt thay đổi cấu hình khuếch đại cho phù hợp. Thường ta luôn điều chỉnh để công suất ngõ vào nằm trong vùng khuếch đại tuyến tính của bộ khuếch đại. Điều này giúp cho bộ khuếch
đại hoạt động ổn định, chính xác và tăng tuổi thọ của linh kiện. Khi công suất ngõ vào quá lớn, ta phải sử dụng các bộ suy hao 5dB, 10dB để giảm mức tín hiệu về vùng khuếch đại tuyến tính. Khi mức tín hiệu vào quá nhỏ, ta phải tăng độ lợi tuyến tính của bộ khuếch đại lên để đảm bảo mức tín hiệu ra nằm trong mức cho phép. Đối với hướng phát, do công suất tín hiệu tại ngõ ra bộ Mux không quá nhỏ nên ta
chỉ sử dụng một tầng khuếch đại. Từ những kết quả khảo sát ở trên ta thấy, mức chênh lệch độ lợi khuếch đại giữa các kênh tại các điểm khuếch đại 1 tầng luôn nhỏ hơn so với tại các điểm khuếch đại 2 tầng (thường chỉ là từ 0.1dB đến 0.2 dB so với từ 0.1dB đến 0.8dB). Đây là một ưu điểm của cấu hình khuếch đại 1 tầng chỉ sử dụng một bộ khuếch đại Booster 21.
Cũng tuỳ thuộc vào công suất tín hiệu ngõ vào mà ta đặt giá trị LOS Threshold và Input Shutoff cho hợp lý để hệ thống không phát cảnh báo hay ngắt tín hiệu; nhưng phải trong chuẩn cho phép: LOS Threshold là từ -35dBm đến 10 dBm , Input Shutoff là từ -40dBm đến 100dBm.
Từ kết quả khảo sát thu được ở trên ta cũng thấy, giá trị thực tế công suất tín hiệu thu được sau khuếch đại luôn nhỏ hơn giá trị thiết kế của thiết bị khoảng 20-30%. Từ đó cho thấy hiệu suất làm việc của các bộ khuếch đại chỉ vào khoảng 70-80%.
KẾT LUẬN
Nội dung quyển đồ án được thực hiện từ chương 1 đến chương 4. Trong chương 1, ta có cái nhìn tổng quát về kỹ thuật khuếch đại quang, đồng thời cũng nắm được các loại khuếch đại quang được sử dụng phổ biến hiện nay. Trong đó khuếch đại EDFA với những ưu điểm vượt trội của nó nên được sử dụng chủ yếu trong các hệ thống truyền dẫn quang ngày nay. Qua chương 1, ta cũng khái quát được những ứng dụng của các bộ khuếch đại quang trong hệ thống ghép kênh theo bước sóng WDM. Từ đó ta thấy, kỹ thuật khuếch đại quang đóng vai trò hết sức quan trọng trong một hệ thống WDM. Chương 2 cho ta một cái nhìn tổng thể về thiết bị ghép kênh theo bước sóng DWDM của Nortel Networks LH- 1600G. Qua chương này, ta có thể hình dung được một cách khái quát về mạng lưới truyền dẫn quang của VTN2 với việc sử dụng thiết bị DWDM OPTera LH-1600G làm nòng cốt. Ta cũng thấy được vai trò của từng thiết bị trong hệ thống LH-1600G và các đặc tính kỹ thuật cơ bản của nó. Chương 3 đi sâu vào các bộ khuếch đại quang được sử dụng trong thiết bị LH-1600G. Ta thấy được vai trò, đặc tính kỹ thuật, ứng dụng của 2 bộ khuếch đại chính trong hệ thống là bộ khuếch đại kép DAC và khuếch đại Booster 18/21. Ngoài ra ta cũng thấy được sự hỗ trợ trong một số trường hợp của các bộ khuếch đại Raman DRA-A/DRA-B. Chương 3 cũng cung cấp các cấu hình khuếch đại thường được sử dụng trong thực tế với việc sử dụng linh hoạt 3 bộ khuếch đại DAC, Booster18/21, DRA-A/DRA-B. Chương 4 là kết quả của quá trình tìm hiểu về hệ thống mạng với cấu hình khuếch đại quang thực tế tại Đài VTHCM (VTN2) và kết quả khảo sát công suất tín hiệu vào ra tại các bộ khuếch đại đang được sử dụng trên mạng lưới. Qua chương 4 cho ta thấy được ứng dụng thực tế của các bộ khuếch đại quang, hiệu suất làm việc của chúng, sử dụng linh hoạt các bộ khuếch đại quang này (có sử dụng, không sử dụng hoặc sử dụng kết hợp với các linh kiện khác).
Đối với kết quả khảo sát, chỉ là kết quả đo công suất quang tại ngõ vào và ngõ ra của các bộ khuếch đại thông qua phần mềm quản trị mạng LH-1600G Nortel. Tuy nhiên, với kết quả khảo sát được, ta cũng rút ra được những kết luận bổ ích cho việc hiểu rõ hơn về các bộ khuếch đại quang trong hệ thống từ những đặc tính trên lý thuyết đến những thể hiện thực tế khi lắp đặt, vận hành. Đặc biệt, qua kết quả khảo sát này, ta đã thấy được sự cân bằng hệ số khuếch đại giữa các kênh bước sóng (một đặc điểm rất quan trọng của các bộ khuếch đại
quang sử dụng trong hệ thống WDM), đặc điểm của khuếch đại tuyến tính, khuếch đại bão hoà, sự khác biệt giữa đặc tuyến độ lợi trên lý thuyết so với thực tế.
Tuy nhiên, do giới hạn về thời gian thực hiện đồ án nên bên cạnh những kết quả đạt được thì quá trình khảo sát vẫn còn một số hạn chế sau:
• Do sử dụng kết quả đo từ phần mềm giám sát nên kết quả thu được không hoàn toàn chính xác. Nếu điều kiện cho phép, ta có thể hoàn thiện được hạn chế này bằng cách sử dụng máy đo tại các điểm Tap Coupler, khi đó kết quả đo sẽ chính xác hơn.
• Kết quả khảo sát chỉ mới thể hiện được mức công suất trước và sau khuếch đại chứ chưa thấy được phổ tín hiệu của từng kênh riêng lẻ. Hạn chế này có thể khắc phục được nếu ta có máy đo quang phổ Anritsu hoặc sử dụng card OSA trên hệ thống.
• Trong hệ thống tiêu chuẩn của ITU-T, có rất nhiều tiêu chuẩn cho các bộ khuếch đại quang. Tuy nhiên, trong giới hạn của bài đồ án này, vẫn chưa có được sự so sánh giữa kết quả thực tế với các tiêu chuẩn đó mà chỉ có sự so sánh giữa kết quả thu được với các thông số tiêu chuẩn do nhà sản xuất đưa ra (tất nhiên, các tiêu chuẩn này cũng phải dựa theo các tiêu chuẩn ITU-T).