Mặc dù CT135 có mục tiêu điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn, nhưng vẫn hướng đến 3 mục tiêu chính: (1) Tạo sự chuyển biến nhanh về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường; (2) cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn một cách bền vững; (3) giảm khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và giữa các vùng trong cả nước.
Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, chính sách đầu tư các nội dung gồm: (1) Hỗ trợ sản xuất thông qua cải thiện kỹ năng, đào tạo các phương pháp sản xuất mới và cung cấp dụng cụ sản xuất cho người nghèo; (2) Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT), cải thiện đời sống văn hóa – xã hội và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng; (3) Tăng cường năng lực bằng việc cung cấp cho các cán bộ địa phương các kỹ năng và kiến thức về quản lý và mở rộng kiến thức về quản lý đấu thầu và quản lý vận hành chính sách.
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc (2012), tổng ngân sách của CT135 trong giai đoạn từ 2006 đến 2010 là khoảng 1,1 tỷ đô la Mỹ. Đây là một trong những chính sách giảm nghèo lớn nhất trong giai đoạn 2006-2010 tập trung vào các vùng đặc biệt khó khăn nơi sinh sống chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (Indochina Research & Consulting, 2010).
Có thể nói sau 5 năm thực hiện (từ 2006-2010) CT135 đã góp phần tích cực tạo ra sự thay đổi của hộ gia đình người DTTS ở những vùng khó khăn nhất của cả nước. Với khoảng hơn 4000 tỷ đồng mỗi năm, thực hiện ở gần 2000 xã, nhiều nội dung hỗ trợ về sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực cộng đồng đã góp phần tạo ra sự thay đổi đáng kể về KT-XH, nâng cao đời sống của hộ nghèo DTTS.