Theo Huỳnh & Sen (2011) biện pháp canh tác giữ vai trò rất quan trọng. Vệ sinh đồng ruộng trước khi bố trí trồng vụ mùa mới để giảm bớt mật số sâu, lá già và gốc có thể dùng ủ phân. Luân canh với cây không phải kí chủ như lúa, bắp,... làm giảm mật độ và tổn thất cho mùa vụ sau.
Xen canh với cà chua, cải lấy dầu,... nhằm hạn chế mật số sâu tơ, đồng thời làm tăng số lượng thiên địch trên đất canh tác. Sử dụng bẫy màu vàng để thu hút và diệt thành trùng sâu tơ trước khi đẻ trứng (Huỳnh & Sen, 2011).
Áp dụng thuốc hóa học nhóm lân hữu cơ, carbamates hoặc nhóm vi sinh vật như chế phẩm gốc vi khuẩn Bacillus thuringiensis để diệt thành trùng sâu tơ khi cần thiết, luân phiên các loại thuốc khác nhau để tránh gây hiện tượng kháng thuốc (Khiêm, 2005). Tuy nhiên, sâu tơ, P. xylostella có khả năng quen thuốc và kháng thuốc rất cao. Những nghiên cứu trong 40 năm qua tại Hà Nội cũng như trên thế giới đã cho thấy rằng nếu dùng thuốc hóa học để trừ sâu tơ không hợp lý như dùng thường xuyên một loại thuốc, tăng số lần sử dụng và tăng liều lượng thuốc đều dẫn đến sâu quen thuốc. Khi đã quen và kháng một loại thuốc thì thời gian để quen và kháng một loại thuốc khác cũng rất ngắn. Sâu tơ, P. xylostella đã được ghi nhận kháng trên 46 loài thuốc trừ sâu, tại 14 nước, bao gồm các loài thuốc thuộc gốc chlor hữu cơ, gốc lân hữu cơ, gốc carbamate và cả gốc cúc tổng hợp (Noppun et al., 1986 trích Cúc, 2009). Theo cơ sở dữ liệu về sự kháng thuốc của động vật chân khớp P. xylostella đã được ghi nhận kháng với 95 nhóm thuốc trừ sâu hóa học (APRD, 2016). Theo Cheng (1988) sâu tơ, P. xylostella đã phát triển tính kháng đối với nhiều loại thuốc trừ sâu, đặc biệt là ở Châu Á. Sâu tơ kháng đối với hầu hết các thuốc trừ sâu như carbamates, lân hữu cơ, cúc tổng hợp (Kao & Edward, 2001). Theo Trịnh (2007) cũng ghi nhận rằng quần thể sâu tơ ở Việt Nam có khả năng phát triển tính kháng thuốc rất nhanh. Vì vậy, cần sử dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp mới có khả năng mang lại hiệu quả phòng trừ cao.