Hoạt động logistics tại các DNBLST là một hệ thống rất phức tạp, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, được chia thành hai nhóm: các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô và các yếu tố thuộc môi trường vi mô (Dopfer và cộng sự, 2004, Jullien và Smith, 2005). Môi trường vĩ mô đại diện cho các yếu tố, lực lượng nằm bên ngoài DN mà nhà quản trị khó kiểm soát. Các yếu tố thuộc môi trường vi mô đề cập đến động lực của ngành xoay quanh mối quan hệ với các đối tác chính: khách hàng, nhà cung cấp, đối thủ cạnh tranh.
1.2.3.1 Yếu tố thuộc môi trường vĩ mô a) Chính sách - pháp luật
Chính sách, pháp luật về phát triển hoạt động logistics: Các quy định trong chính sách phát triển của mỗi quốc gia ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của mọi lĩnh vực. Chính sách phát triển logistics của quốc gia chi phối mạnh mẽ đến định hướng kinh doanh cũng như khả năng tổ chức thực hiện các hoạt động kinh doanh của các DN trong chuỗi cung ứng và DN logistics. Chính sách phát triển logistics gồm các chủ trương và kế hoạch cụ thể nhằm phát triển hệ thống logistics của quốc gia. Chính sách phát triển logistics quốc gia được xây dựng cụ thể, rõ ràng, phù hợp với chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội, tình hình thực tế và xu hướng phát triển chung của thế giới sẽ thúc đẩy hệ thống logistics phát triển. Các chính sách phát triển hệ thống logistics quốc gia sẽ chi phối định hướng và cách thức kinh doanh của cả DN cung ứng và DN sử dụng dịch vụ logistics.
Chính sách, pháp luật về hoạt động bán lẻ: Đây là lực lượng có tính quyết định đến thị trường ngành kinh doanh bán lẻ và chế định các hành vi thương mại. Các quyết định phát triển thị trường bán lẻ sẽ tác động đến định hướng và điều tiết mức độ phát triển của các loại hình bán lẻ hiện đại ở các khu vực và kéo theo là định hướng và mức độ phát triển hoạt động logistics hỗ trợ cho các loại hình bán lẻ này.
b) Kinh tế
Các nhân tố thuộc môi trường kinh tế vĩ mô liên quan đến các yếu tố kinh tế cốt lõi tác động đến tăng trường và hoạt động của tất cả các lĩnh vực chính. Các yếu tố kinh tế vĩ mô cơ bản bao gồm: tiềm năng tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế hoặc của từng ngành, cơ cấu kinh tế của nền kinh tế quốc dân, xu hướng mở cửa nền kinh tế, mức độ lạm phát và khả năng kiểm soát lạm phát, tỷ giá hối đoái, lãi suất, thuế quan… Các nguyên tắc và nhân tố cốt lõi của kinh tế vĩ mô cho phép các doanh nghiệp hiểu được cách thức tác động của các chỉ số kinh tế chính đến từng lĩnh vực kinh doanh cụ thể.
Đối với lĩnh vực logistics, các yếu tố kinh tế vĩ mô tác động trực tiếp đến sự phát triển logistics của cả nền kinh tế cũng như hoạt động logistics tại mỗi DN. Yếu tố kinh tế quan trọng nhất tác động đến hoạt động logistics của các DNBL chính là hiệu quả hoạt động của lĩnh vực sản xuất, liên quan đến nhu cầu vận hành hoạt động logistics của các DN phân phối bán buôn, bán lẻ trong chuỗi cung ứng. Xét cho cùng, hoạt động
logistics bán lẻ tập trung vào dòng dịch chuyển hàng hóa từ các DN sản xuất cho tới tay người tiêu dùng, do đó, khi hoạt động sản xuất phát triển, nguồn cung hàng hóa dồi dào sẽ dẫn đến sự tăng trưởng trong hoạt động logistics. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng cùng được xem là một chỉ số kinh tế quan trọng khác tác động đến hoạt động logistics. Chỉ số giá tiêu dùng liên quan trực tiếp đến mức độ lạm phát và chi phí sinh hoạt, có thể tác động kép đến hoạt động logistics, vì nó ảnh hưởng đến cả chi phí nguyên nhiên liệu và nhu cầu về sản phẩm trên thị trường.
c) Văn hóa - xã hội
Bao gồm các yếu tố liên quan đến thái độ xã hội và các giá trị văn hóa quốc gia. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu về chất lượng cuộc sống càng được nâng cao, kéo theo sự thay đổi trong hành vi mua của người tiêu dùng. Cùng với quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu, người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ đang dần chuyển sang xu hướng mua hàng trực tuyến, dẫn đến sự phát triển của một số hình thức bán lẻ mới như thương mại điện tử. Sự phát triển của thương mại điện tử, bán hàng qua internet, qua truyền hình, điện thoại đi động, máy bán hàng tự động… với tốc độ nhanh chóng đã ảnh hưởng đến hoạt động logistics của các DNBL. Thương mại điện tử đã làm thay đổi cách thức mua hàng của khách hàng dẫn đến các DN phải thay đổi cách thức bán hàng cùng các hoạt động logistics như giao nhận, thanh toán, dự trữ…
d) Công nghệ
Sự phát triển của khoa học công nghệ đã làm thay đổi đáng kể mọi mặt đời sống xã hội, tác động đến các DN thuộc tất cả các lĩnh vực. Tầm quan trọng ngày càng tăng của công nghệ và dữ liệu khách hàng buộc các DNBL cần đầu tư vào đổi mới để vượt ra khỏi các mô hình kinh doanh truyền thống nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng.
Công nghệ phát triển dẫn đến sự đa dạng của các mặt hàng được sản xuất và cung ứng, kéo theo đó là sự phức tạp trong việc triển khai hoạt động logistics trong quá trình phân phối. Sự phát triển của khoa học công nghệ đã tạo ra các giải pháp sáng tạp có thể hỗ trợ các DNBL quản trị và xử lý các dữ liệu logistics phức tạp. Các ứng dụng công nghệ được áp dụng phổ biến như quản lý kho hàng, quản lý vận tải, quản lý đơn hàng, công nghệ định vị bằng sóng radio, trao đổi dữ liệu điện tử… cho phép các DN dễ dàng xử lý một khối lượng lớn dữ liệu được tạo ra hàng ngày. Việc áp dụng công nghệ trong hoạt động logistics đem lại khả năng cải thiện năng suất, giảm thiểu chi phí và loại bỏ sai sót. Để duy trì cạnh tranh và nâng cao hiệu quả, việc áp dụng và cải tiến cộng nghệ là yêu cầu bắt buộc. Lĩnh vực logistics đang được hưởng lợi ích to lớn từ công nghệ và sẽ tiếp tục phát triển khi có nhiều công nghệ mới ra đời. Những đột phá trong công nghệ sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy hoạt động logistics phát triển trong tương lai.
1.2.3.2 Yếu tố thuộc môi trường ngành
Môi trường ngành là môi trường của ngành kinh doanh trong đó DN đang hoạt động. Đó là tập hợp các yếu tố có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến DN và đồng thời cũng chịu ảnh hưởng từ phía DN. Đối với hoạt động logistics tại các DNBLST, các yếu tố tác động thuộc môi trường vi mô có thể kể đến như: khách hàng, đối thủ cạnh tranh, nhà cung cấp hàng hóa và nhà cung cấp dịch vụ logistics.
a) Khách hàng
Dawson và Wallendorf (1985) gợi ý rằng những thay đổi trong tiêu dùng có liên quan đến thay đổi dài hạn về thu nhập, độ co giãn của giá cũng như các chiến dịch quảng cáo ngắn hạn, nhưng cũng có những thay đổi lớn về nhu cầu thể hiện thái độ thay đổi của xã hội (phát triển bền vững, nhận thức về vấn đề môi trường) đối với các sản phẩm dẫn đến việc thay đổi cấu trúc mạng bán lẻ và do đó cũng ảnh hưởng đến việc tổ chức hoạt động logistics của các DN này.
Trong lĩnh vực kinh tế, mô hình tiêu dùng (mô hình tiêu thụ) đề cập đến mô hình chi tiêu của các nhóm thu nhập hoặc các loại sản phẩm khác nhau. Mô hình tiêu dùng không chỉ ảnh hưởng đến các loại sản phẩm được cung cấp tại các điểm bán mà còn ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà cung cấp. Ngày nay khách hàng được xem là yếu tố then chốt trong chuỗi cung ứng, nhu cầu cũng như ý kiến của người tiêu dùng sẽ ảnh hưởng đến quyết định của DN. Các DNBLST sẵn sàng thay đổi cách thức vận hành để phục vụ khách hàng tốt nhất. Dưới áp lực cạnh tranh, các DNBLST phải đảm bảo cung cấp cho khách hàng các dịch vụ phù hợp nhất đồng thời tìm kiếm các vị trí phân bố mạng lưới siêu thị thuận tiện nhất.
Người tiêu dùng hiện có thể mua bất cứ thứ gì họ muốn từ bất kỳ DN nào ở hầu hết mọi nơi trên thế giới vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Người tiêu dùng có ý thức về giá có thể chọn từ tất cả các nhà cung cấp có sẵn và chỉ cần chọn giá thấp nhất. Tuy nhiên, phát triển bền vững và các vấn đề về môi trường là một chủ đề có tầm quan trọng ngày càng tăng đối với nhiều người tiêu dùng ngày nay. Trong khi một người tiêu dùng với ngân sách eo hẹp thường ít chú ý đến các vấn đề bền vững, lại có một bộ phận người tiêu dùng thực sự sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho một sản phẩm mà họ cho là bền vững. Chính vì vậy, thái độ và hành vi của người tiêu dùng có tác động mạnh mẽ đến việc tổ chức và quản lý hoạt động logistics tại các DN trong CCƯ, đặc biệt là các DNBL trong việc lựa chọn nhà cung cấp cũng như các đối tác cung cấp các dịch vụ.
Cùng với sự phát triển của công nghệ và mạng internet, hành vi của người tiêu dùng đang có sự thay đổi rõ rệt. Các báo cáo thị trường cho thấy người tiêu dùng đang có xu hướng hình thành thói quen mua hàng trực tuyến. Với sự trợ giúp của các công cụ tìm kiếm và truyền thông xã hội mới, người tiêu dùng có thể dễ dàng kết nối với nhà cung cấp, tìm kiếm thông tin về sản phẩm. Công nghệ kỹ thuật số cũng cho phép người tiêu dùng cùng tham gia vào quá trình sáng tạo ra giá trị bằng cách thiết kế và tùy chỉnh sản phẩm, thực hiện các hoạt động phân phối sản phẩm cuối cùng và giúp đỡ những
khách hàng khác thông qua việc chia sẻ đánh giá sản phẩm. Sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng kéo theo sự phát triển của hoạt động bán hàng trực tuyến, tạo ra một kênh bán hàng mới cho các nhà bán lẻ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhiều DN triển khai thêm kênh bán lẻ trực tuyến dẫn đến mạng lưới và hệ thống logistics có những thay đổi nhất định để vừa phù hợp với hình thức truyền thống vừa phù hợp với môi trường kinh doanh mới.
b) Đối thủ cạnh tranh
Thị trường bán lẻ có rào cản xâm nhập thấp nên số lượng người kinh doanh bán lẻ lớn. Ngoài số lượng những cá nhân tổ chức hoạt động theo quy định pháp luật thì còn có một lượng lớn các nhà bán lẻ hoạt động mà không đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ thế giới liên tục chứng kiến sự tăng trưởng ở mức cao, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Cơ cấu dân số trẻ, nhu cầu mua sắm lớn đã thúc đẩy thị trường bán lẻ phát triển nhanh và tăng trưởng ở mức độ cao. Thị trường bán lẻ phát triển nhanh, sôi động kéo theo các hoạt động logistics như vận chuyển, giao nhận hàng hóa, dịch vụ khách hàng… cũng phải đổi mới, phát triển để theo kịp xu thế chung toàn ngành cũng như đảm bảo khả năng cạnh tranh. Các DNBLST ngày càng nhận thức rõ vai trò của hoạt động logistics trong lĩnh vực bán lẻ, đã bắt đầu chú trọng đầu tư trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực cho lĩnh vực này nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
c) Nhà cung cấp
Nhà cung cấp hàng hóa là các tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh, cung cấp hàng hóa đầu vào cho các DNBLST. Nhà cung cấp tốt sẽ có các tiêu chuẩn phù hợp với DN đảm bảo cung cấp hàng hóa với số lượng đầy đủ, chất lượng ổn định, chính xác,…đáp ứng yêu cầu kinh doanh của DN với chi phí thấp. Nhà cung cấp tốt sẽ nỗ lực phát triển tạo nên các mối quan hệ chiến lược, lâu dài, điều này giúp kinh doanh ổn định và đúng hướng. Nhà cung cấp tốt giúp gia tăng sức mạnh vật chất và giá trị thương hiệu cho DN, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của DN. Vì vậy có thể thấy các nhà cung cấp có tầm quan trọng lớn trong hoạt động logistics cũng như hoạt động kinh doanh nói chung của các DNBLST. Số lượng, quy mô, cơ cấu, vị trí phân bố của nhà cung cấp cả về địa điểm và khoảng cách đều ảnh hưởng đến hoạt động tổ chức và quản lý logistics tại các DNBLST, đặc biệt là các quyết định liên quan đến việc xác định số lượng, quy mô và địa điểm phân bố mạng lưới nhà kho, trung tâm phân phối của các DN.
DN logistics hay các nhà cung cấp dịch vụ logistics là các tổ chức kinh doanh dịch vụ logistics, có khả năng cung cấp các dịch vụ logistics chuyên nghiệp cho các DNBLST thông qua hoạt động thuê ngoài logistics. Các DN logistics đứng ở vị trí kết nối các giao dịch về hàng hóa giữa các nhà cung cấp và DNBLST. Với vị trí này, các DN logistics cung cấp những lợi thế rất lớn cho các DN cũng như toàn bộ nền kinh tế của một quốc gia, đặc biệt là những nền kinh tế có độ mở lớn. Các DN logistics tạo ra