Siêu thị đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội là siêu thị Minimart Hà Nội vào tháng 4/1994 nằm giữa chợ Hôm với diện tích bán hàng 400m2. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 130 siêu thị thuộc 33 DNBLST chủ quản. Quá trình phát triển của DNBLST tại Hà Nội được thể hiện trong Bảng 2.3, trong đó chia thành bốn giai đoạn, phù hợp với đặc điểm của một thành phố đang phát triển.
Những năm 1994 – 1996 là giai đoạn khởi động của loại hình bán lẻ siêu thị tại Hà Nội. Khi đó xuất hiện những siêu thị mini ở giữa trung tâm thành phố Hà Nội, với mức giá cao hơn khoảng 10 – 20% so với cửa hàng truyền thống, phục vụ chủ yếu là người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại đây. Với diện tích khoảng 200 – 400m2, các mặt hàng kinh doanh phổ biến là thực phẩm công nghệ và hóa mỹ phẩm nhập khẩu, các siêu thị khi đó thực chất chỉ là cửa hàng tự phục vụ, với những tiện nghi và dịch vụ tốt hơn so với cửa hàng truyền thống.
Những năm 1997 – 2002 là giai đoạn cạnh tranh và đào thảo đối với các siêu thị mini. Có tới 2/3 siêu thị nhỏ, kinh doanh không hiệu quả phải đóng cửa. Các đơn vị trụ vững được đã nhạy bén mở rộng quy mô và cơ cấu mặt hàng, nhưng chủ yếu vẫn là hàng nhập khẩu. Khách hàng chủ yến vẫn là người nước ngoài, Việt kiều và một số ít người có thu nhập cao. Siêu thị tồn tại dưới hai dạng là cửa hàng độc lập và dạng chuỗi. Sự chênh lệc về giá cả giữa siêu thị và bán lẻ truyền thống đã thu hẹp lại.
Giai đoạn 2003 - 2012 cho thấy sự phát triển nhanh chóng của các DNBLST cả về doanh thu và số lượng điểm bán. Thị trường Hà Nội bắt đầu chứng kiến sự thâm nhập
mạnh mẽ của các tập đoàn quốc tế. Sự xuất hiện và phát triển của yếu tố quốc tế đã khiến cho bức tranh toàn cảnh về siêu thị tại Hà Nội có nhiều biến đổi sâu sắc. Sự có mặt của những DN này đã kích thích các DNBL trong nước hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời học hỏi được nhiều kinh nghiệm về quản lý và tác nghiệp. Cơ cấu mặt hàng kinh doanh cũng có những thay đổi rất cơ bản. Tỷ trọng nhập khẩu giảm đáng kể, trong khi hàng sản xuất trong nước tăng từ 30-40% năm 1997 lên tới 60% vào năm 2003.
Bảng 2.3 Quá trình phát triển của DNBLST tại Hà Nội
(Nguồn: Phát triển dựa trên Lục Thị Thu Hường và Phạm Thị Huyền, 2012)
Giai đoạn 2012 đến nay chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về khả năng cạnh tranh giữa các DNBLST trong nước và nước ngoài. Các DN nội như Vingroup, Saigon Coop... đang dần nắm giữ thị trường. Điều này khiến nhiều DN nước ngoài liên tiếp rút khỏi thị trường do không đủ khả năng cạnh tranh. Thị trường bán lẻ thời gian qua cũng
chứng kiến nhiều thương vụ chuyển nhượng, mua bán sáp nhập (M&A), chẳng hạn như Vingroup chuyển nhượng cho Masan. Tỷ trọng hàng Việt tiếp tục chiếm lĩnh với trên 80% vào năm 2020, thậm chí, ở nhiều siêu thị, tỷ trọng này còn lên tới trên 90% như Co.opmart đạt 91%, Vinmart (nay là Winmart) 96%. Với xu thế phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử như hiện nay, trình độ và mức sống của con người ngày càng được nâng cao. Bán lẻ trực tuyến cũng vì thế đã phát triển rất mạnh mẽ, trở thành hình thức mua sắm hiện đại được ưa chuộng. Đứng trước bối cảnh đó, nhiều DNBLST triển khai thêm kênh thương mại điện tử dẫn đến mạng lưới và hệ thống logistics có những thay đổi nhất định để vừa phù hợp với hình thức truyền thống vừa phù hợp với môi trường kinh doanh mới.
Song song với quá trình phát triển của các DNBLST, số lượng siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng có sự tăng trưởng rõ rệt qua các năm (Hình 2.4).
Hình 2.4 Tăng trưởng số lượng siêu thị tại Hà Nội từ 2005 đến 2020
(Nguồn: Tổng hợp theo Tổng cục Thống kê & Sở Công Thương Hà Nội)
Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, tính đến hết năm 2020, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 33 DNBL kinh doanh theo hình thức siêu thị với 130 siêu thị đã thực hiện đăng ký và hiện đang hoạt động. Các siêu thị này chủ yếu tập trung tại các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Thành Xuân... Đây là những nơi tập trung đông dân cư, đường giao thông thuận tiện (Bảng 2.4).
Bảng 2.4 Phân bố siêu thị theo quận/huyện trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020
Theo Điều 6 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định tiêu chí xác định DN siêu nhỏ, DN nhỏ, DN vừa và DN lớn, căn cứ theo số lượng lao động tham gia bảo hiểm bình quân năm thì trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, DN có số lao động từ 10 lao động trở xuống là DN siêu nhỏ, từ trên 10-50 lao động là DN nhỏ, từ trên 50-100 lao động là DN vừa và trên 100 lao động là DN lớn. Theo đó, trong số 33 DNBLST hiện đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội, hiện không có DN nào có quy mô siêu nhỏ, 07 DN có quy mô nhỏ (21.2%), 15 DN có quy mô vừa (45.5%) và 11 DN có quy mô lớn (33.3%). Căn cứ theo số lượng siêu thị trong mạng lưới hiện có 14 doanh ngiệp có 01 siêu thị (42.4%), 19 DN có từ 02 siêu thị trở lên (57.6%), cá biệt công ty cổ phần DVTM Vincommerce (nay là Wincommerce) hiện có tới 42 siêu thị Vinmart (nay là Winmart) đang hoạt động tại địa bàn thành phố Hà Nội (xem Bảng 2.5). Ở các DN này, các siêu thị trong mạng lưới có thể cùng phân hạng hoặc có các phân hạng khác nhau (Bảng 2.6).
Bảng 2.5 Đặc điểm DNBLST trên địa TP Hà Nội tính đến năm 2020
(Nguồn: Tổng hợp theo Sở Công Thương Hà Nội & website của các DN
Bảng 2.6 Đặc điểm phân hạng siêu thị của một số DNBL
(Nguồn: Tổng hợp theo Sở Công Thương Hà Nội)
Trong số 130 siêu thị, phân theo tính chất kinh doanh có 108 siêu thị tổng hợp, 22 siêu thị chuyên doanh, chiếm khoảng 13% số siêu thị trên cả nước, bình quân 01 quận/huyện có gần 5 siêu thị. Trong tổng số 124 siêu thị đã phân hạng, có 23 siêu thị hạng 1, 45 siêu thị hạng 2 và 56 siêu thị hạng 3; hiện còn 06 siêu thị chưa được phân hạng (xem Bảng 2.7). Tổng diện tích của mạng lưới siêu thị trên toàn địa bàn Hà Nội là gần 518,929m2, bình quân mỗi siêu thị có diện tích 3.263m2. Trong đó, diện tích kinh doanh đạt 385.878m2 (chiếm khoảng 74,36% diện tích đất), bình quân mỗi siêu thị có khoảng 2.371m2 diện tích kinh doanh. Diện tích kinh doanh siêu thị bình quân đầu người chỉ đạt 0,068m2/người, đây là mức thấp so với yêu cầu phát triển bán lẻ hiện đại
của thành phố Hà Nội, nhất là đối với loại hình siêu thị được đánh giá sẽ có triển vọng phát triển nhanh nhất trong các loại hình bán lẻ hiện đại.
Bảng 2.7 Đặc điểm siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội tính đến năm 2020
(Nguồn: Tổng hợp theo Sở Công Thương Hà Nội)
Mặc dù Hà Nội có số lượng siêu thị nhiều thứ hai cả nước nhưng xét theo tỷ lệ dân cư phân bổ bình quân trên mỗi siêu thị lại khá cao. Theo ước tính của Bộ Công Thương, hiện nay với mật độ độ trung bình 100.000 dân thì cần có 01 đại siêu thị, 01 trung tâm thương mại; cứ 10.000 dân cần 01 siêu thị cỡ trung bình; còn 1.000 dân cần 1 - 3 cửa hàng tiện lợi. Theo tính toán từ số liệu về tổng dân số và tổng số siêu thị tại Hà Nội của Tổng cục Thống kê, năm 2016, tỷ lệ dân cư trên mỗi siêu thị là khoảng 59.000người/ siêu thị và năm 2020 là khoảng 67.000 người/siêu thị. Vì vậy có thể nói, hiện nay tại Hà Nội, số lượng các siêu thị có sự gia tăng nhưng chưa đáp ứng đủ theo nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, đời sống dân cư cũng từng bước được cải thiện, thu nhập của người dân dần ổn định và tăng qua các năm. Điều này dẫn tới chi tiêu hộ gia đình sẽ tăng. Đây chính là dư địa để các DNBL mở rộng thị phần.
Cùng với nhiều lợi thế khác, DNBLST có nhiều cơ hội để phát triển. Các siêu thị bán lẻ với sự đa dạng về mặt hàng kinh doanh, đầu vào sản phẩm được kiểm tra chặt chẽ, không gian mua sắm hiện đại đã mang đến một mô hình mua sắm với những trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ cho khách hàng, đồng thời cũng làm thay đổi cách thức tổ chức và triển khai các hoạt động logistics của DN. Mặc dù nhận được sự quan tâm, đầu tư và hỗ trợ của Chính phủ cũng như chính quyền thành phố Hà Nội nhưng hoạt động tại các DNBLST trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều bất cập, nhất là khâu logistics. Chính vì vậy, hoạt động logistics tại các DNBLST cần được phát triển để hỗ trợ cho hình thức kinh doanh hiện đại này nhằm đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng đồng thời tối ưu hóa chi phí cho các DNBLST.