Như đã phân tích tại phần chương 2, SLV HAN không sở hữu đội xe riêng, dẫn đến việc bị động trong quy trình cung cấp thông tin xe cho khách hàng. Việc đầu tư vào xe tải và đầu kéo sẽ giúp công ty có thể chủ động hơn trong việc điều phối xe. Tuy nhiên, việc mua mới cũng sẽ phát sinh thêm nhiều loại chi phí: chi phí mua hàng; chi phí vận hành, duy trì, bảo dưỡng; chi phí thuê lái xe; chi phí tăng ca cho lái xe và nhân viên điều phối (nếu có),… Chính vì thế, SLV HAN có thể cân nhắc đến việc thuê lại xe của công ty logistics khác theo tháng để vận hành, vừa giảm được chi phí tài sản cố định, vừa chủ động được trong quy trình làm hàng.
Khi sử dụng dịch vụ vận tải của bên thứ ba, CN cần xây dựng khung giá mua tối thiểu với công ty logistics bên ngoài.
Logistics vốn là một ngành phức tạp, đi kèm với nó là nhiều chi phí phát sinh không lường trước được. Bên cạnh các chi phí trong báo giá sử dung dịch vụ mà các công ty logistics bên thứ ba cung cấp cho SLV HAN (chi phí vận chuyển các loại xe tải, đầu kéo, chi phí thông quan, chi phí giám sát…), thực tế làm hàng sẽ phát sinh những chi phí ngoài dự kiến mà báo giá không đề cập đến (chi phí thông quan hoặc giám sát ngoài giờ, chi phí dán tem hàng, chi phí chằng buộc…). Việc phát sinh chi phí ngoài giá trên hợp đồng sử dụng dịch vụ đã ký dẫn đến hai vấn đề: một là nhân viên của công ty logistics bên thứ ba tiến hành làm mà không báo lại cho SLV HAN, dẫn đến tranh luận khi làm thanh toán; hai là khi các công ty logistics đó báo giá phát sinh trước khi tiến hành làm hàng, SLV HAN phải mất thêm thời gian để kiểm tra, so sánh
giá và báo lại cho khách hàng để xác nhận chi phí. Chính vì vậy, việc xây dựng khung giá mua tối thiểu (Net Buying Rate) đối với các công ty logistics bên ngoài là điều cần thiết để rút ngắn thời gian hoàn thiện lô hàng, đồng thời giúp quy trình xác nhận thanh toán diễn ra suôn sẻ hơn.