Thứ nhất, Chính phủ cần tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động ngân hàng. Chính phủ cần tích cực hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách nhất là khi các quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh doanh của ngân hàng do nhiều cấp, nhiều cơ quan ban hành. Để phát triển dịch vụ cần có một cơ chế đơn giản, gọn nhẹ, thống nhất, đồng bộ và dễ hiểu đảm bảo lợi ích của khách hàng cũng như của ngân hàng. Xây dựng hệ thống pháp lý hoàn chỉnh cho hoạt động dịch vụ ngân hàng điện tử, thương mại
điện tử phát triển; thành lập hệ thống cổng thông tin tài chính hiện đại, đảm bảo cho hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả, đồng thời xây dựng khung pháp lý cho các mô hình tổ chức có hoạt động mang tính chất hỗ trợ các hoạt động của tổ chức tín dụng.
Thứ hai, Chính phủ cần tạo điều kiện phát triển công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin có yếu tố quan trọng đến lĩnh vực tự động hoá ngân hàng, nhưng so với các nước trên thế giới mặt bằng công nghệ của Việt Nam còn rất thấp. Vì vậy, Chính phủ cần chú trọng phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ. Cùng với đó, tăng cường chuyển giao công nghệ từ các nước tiến tiến trên cơ sở tiếp thu và làm chủ được công nghệ đó. Ngoài ra, có chiến lược đào tạo và chính sách đãi ngộ những chuyên gia kỹ thuật giỏi trong lĩnh vực thông tin.
Sự phát triển của bưu chính viễn thông là tiền đề, là cơ sở để các ngân hàng hương mại mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ ngân hàng hiện đại. Hiện nay, các ngân hàng thương mại phải thuê bao đường truyền dẫn với mức phí khá cao nhưng chất lượng chưa đảm bảo nhu cầu: nhanh chóng, chuẩn xác, an toàn, trong khi để phát triển dịch vụ mới các ngân hàng còn phải dành một nguồn vốn lớn cho đầu tư đổi mới công nghệ. Ngoài ra, cước phí thuê bao và sử dụng Internet của Việt Nam còn cao không khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân sử dụng. Do vậy, phần nào đã làm hạn chế sự phát triển của thương mại điện tử và dịch vụ ngân hàng hiện đại, Chính phủ cần quan tâm phát triển bưu chính viễn thông trong chiến lược phát triển kinh tế.
Thứ ba, Chính phủ cần tăng cường công tác thanh tra giám sát tiến hành kiểm toán theo đúng tiêu chuẩn quốc tế để mang lại những thông tin chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Công tác thanh tra ngân hàng đã đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần làm lành mạnh hệ thống ngân hàng, ngăn ngừa những tiêu cực xảy ra đồng thời hạn chế những rủi ro trong hoạt động của ngân hàng. Công tác thanh tra cần đảm bảo nhanh nhạy trong phát hiện và kiên quyết trong xử lý, nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời những sai phạm trong hoạt động ngân hàng.
Để thực hiện được yêu cầu đó, công tác thanh tra ngân hàng cần phải: (i). Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, quy chế phục vụ quản lý, giám sát và thanh tra, trong đó chú trọng tính đồng bộ, khả thi, tính phù hợp và từng bước hoà nhập với thông lệ quốc tế. (ii). Bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết và ứng dụng công nghệ tin học vào các hoạt động
giám sát, thanh tra để các thông tin có liên quan đến Ngân hàng được nắm bắt thường xuyên, chính xác hơn, để có thể cảnh báo sớm tình hình rủi ro của ngân hàng. (iii). Nâng cao trình độ của cán bộ thanh tra, đảm bảo phải có trình độ ngoại ngữ giỏi, có nghiệp vụ ngân hàng chuyên sâu, am hiểu pháp luật, có phẩm chất đạo đức và bản lĩnh trong công tác. Mặt khác cũng phải có chế độ điều kiện làm việc và đãi ngộ đúng mức đối với cán bộ thanh tra ngân hàng.