Khi muốn cải thiện điểm số Z” của doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp cần tiến hành điều chỉnh để tăng các chỉ số thành phần, tức là tăng tử, giảm mẫu của các chỉ số thành phần đó hoặc kết hợp cả hai việc đó. Đối với phần mẫu của các chỉ số thành phần, trong 4 chỉ số cấu thành điểm số Z’’ thì giá trị tổng tài sản của doanh nghiệp đã bao gồm đến trong 3 chỉ số. Nếu doanh nghiệp giảm được giá trị tổng tài sản của mình mà vẫn giữ được tử của những chỉ số đó không đổi thì điểm số Z’’ của doanh nghiệp hiển nhiên sẽ tăng.
Thứ nhất là đối với cấu trúc tài trợ của tài sản của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp cải thiện tài trợ tài sản từ một nguồn vốn ổn định nhiều hơn đồng nghĩa với việc tăng vốn lưu động ròng của doanh nghiệp thì Điểm số Z’’ của doanh nghiệp sẽ được cải thiện hơn. Mặc dù vậy việc sử dụng tăng vốn lưu động ròng để cải thiện điểm số Z” của doanh nghiệp không bắt buộc vì điều này tùy thuộc vào đặc tính riêng cũng như khả năng quản lý vốn của doanh nghiệp, không phải doanh nghiệp nào cũng phải tài trợ tài sản ngắn hạn bằng nguồn vốn dài hạn để vốn lưu động ròng dương. Đối với doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh ngắn, khả năng quản lý vay vốn của doanh nghiệp tốt thì hoàn toàn có thể để giá trị vốn lưu động ròng thấp.
Vấn đề tiếp theo là quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản. Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn có thể tiến hành phân loại và xác định các tài sản cố định sử dụng không hiệu quả để đẩy mạnh khai thác tài sản đó nhằm gia tăng doanh thu lợi nhuận. Hoặc doanh nghiệp có thể tiến hành thành lý tài sản này chuyển hóa nó thành tài sản ngắn hạn nhằm gia tăng chỉ số X1, ngoài ra nếu giảm tài sản cố định hoạt động không hiệu quả còn dẫn đến giảm khấu hao làm cho hiệu quả kinh doanh (X3) tăng. Quản lý tốt và sử dụng hiệu quả tài sản không chỉ đối với tài sản kém hiệu quả mà toàn bộ tài sản của doanh nghiệp là điều nên làm đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Có sử dụng tài sản hiệu quả thì doanh nghiệp mới có thể gia tăng doanh thu từ đó tiến đến gia tăng được lợi nhuận.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất thì tài sản cố định của doanh nghiệp thường có giá trị lớn, chiếm tỷ trọng cao trong cấu trúc tài sản của doanh nghiệp, vì thế việc quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản đối với doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng.