Tăng giữ lại lợi nhuận qua các năm sẽ góp phần bồi đắp thêm cho vốn chủ sở hữu, giúp tăng vốn của doanh nghiệp góp phần tăng tính an toàn doanh nghiệp. Việc tăng lợi nhuận giữ lại sẽ tác động trực tiếp đến chỉ số X2 và tác động đến cấu trúc vốn thông qua tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Như vậy có thể nói giữ lại lợi nhuận nhiều qua các năm khiến cho doanh nghiệp được đánh giá an toàn hơn ở cả chỉ số X4 và X2. Nhưng doanh nghiệp cũng phải có phần chia cổ tức cho cổ đông một cách hợp lý để dung hòa lợi ích cho cổ đông.
Việc giữ lại được lợi nhuận qua các năm phải xuất phát từ việc trong năm doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận. Chính vì thế, trước tiên doanh nghiệp cần phải kinh doanh hiệu quả trong năm thì mới có khả năng giữ lại lợi nhuận.
Tóm lại, để gia tăng Điểm số Z’’ qua đó gia tăng đánh giá an toàn của doanh nghiệp thì có nhiều phương pháp. Doanh nghiệp cần nhìn ra được vấn đề của mình là ở đâu từ đó có phương pháp cải thiện tình hình để nâng cao Điểm số Z’’ hợp lý. Có thể tiến hành một phương pháp hoặc kết hợp nhiều phương pháp để nâng cao tính an toàn cho doanh nghiệp tùy thuộc vào tình hình hiện tại và chính sách của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp đang an toàn tài chính thì dù không cần nâng cao Điểm số Z’’ nhưng vẫn phải biết được vấn đề của chính mình có thể xảy ra như cấu trúc vốn chưa an toàn, tỷ suất tạo ra lợi nhuận thấp, cơ cấu tài chính mất
cân đối, lợi nhuận giữ lại thấp… để có phương pháp cải thiện hoặc chính sách quản lý hợp lý.
Đối với các doanh nghiệp ngành thực phẩm, việc tăng cường giữ lại lợi nhuận sẽ giúp doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư vào cơ sở sản xuất, trang thiết bị kỹ thuật hay các chiến dịch quảng cáo để đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, ngoài ra việc giữ lại lợi nhuận sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo được các nguồn tiền để thanh toán cho các khoản chi phí của doanh nghiệp.