Giá cả trong một chiến lược marketing không đơn giản là số tiền mà khách hàng phải bỏ ra để mua sản phẩm dịch vụ. Giá ở đây còn liên quan đến nhiều khía cạnh như doanh thu, lợi nhuận của cả ngân hàng, quyết định vị thế và sự tồn tại của ngân hàng trên thị trường.
Đặc trưng của giá và định giá: tính tổng hợp, khó xác định chính xác chi phí giá trị; tính nhạy cảm cao; tính rủi ro. Việc định giá sản phẩm dịch vụ ngân hàng phụ
thuộc vào mức độ rủi ro mà ngân hàng sẽ phải gánh chịu đối với từng khách hàng và theo quy định của Ngân hàng nhà nước.
Trong ngân hàng, chính sách giá được xây dựng dựa trên 3 nhóm nghiệp vụ chính: - Giá cả cho các sản phẩm huy động (hay được lãi suất huy động): các ngân hàng đưa ra mức lãi suất huy động được đa dạng theo nhiều loại tiền và nhiều kỳ hạn đầu tư thỏa mãn nhu cầu đầu tư khác nhau của từng khách hàng cá nhân hay khách hàng doanh nghiệp.
- Giá cho sản phẩm vốn - tài trợ (hay lãi suất cho vay): giá vốn của các sản phẩm đầu vào (huy động vốn) sẽ là cơ sở để ngân hàng thiết lập nên giá cho các sản phẩm vốn đầu ra (tài trợ vốn). Lãi suất cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng vay thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng nhà nước về lãi suất cho vay tại thời điểm ký kết hợp đồng vay vốn. Khi vay theo hình thức lãi suất cố định, khoản vay của khách hàng sẽ không chịu tác động của những biến động lãi suất thị trường. Lãi suất cố định thường được áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn và sẽ giữ nguyên trong suốt kỳ hạn vay. Khách hàng có thể biết được số tiền lãi mình cần trả là bao nhiêu trước khi ký hợp đồng vay tiền.
- Giá các sản phẩm dịch vụ: các ngân hàng xây dựng biểu phí dành cho các dịch vụ: giao dịch tiền gửi thanh toán, chuyển tiền, tín dụng chứng từ, nhờ thu, dịch vụ bảo lãnh, điện phí, bao thanh toán trong nước, dịch vụ ngân quỹ và các sản phẩm dịch vụ khác.