Về tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cả trong và ngoài nước tin tưởng vào khả năng đạt mức tăng trưởng GDP của Việt Nam 6,5% trong năm 2010, đúng như mục tiêu kế hoạch mà Chính phủ đặt ra cho năm cuối cùng của kế hoạch 2006-2010 dù nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều thách thức. Việt Nam cần tăng trưởng để tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; nhưng cũng cần phải ổn định lạm phát để tránh ảnh hưởng đến các mặt của đời sống kinh tế xã hội, do đó mục tiêu của Chính phủ trong năm 2010 là ổn định để tăng trưởng. Theo bộ phận nghiên toàn cầu của standard chartered dự báo, với sự hỗ trợ tích cực của các chính sách tài khóa và nhu cầu trong nước điều chỉnh mạnh, Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu một cách tương đối tốt. Để phản ánh diễn biến tích cực của nền kinh tế, nhóm nghiên cứu đã nâng mức dự báo tăng trưởng từ 4,2% lên 4,9% cho năm 2009; từ 5% lên 6,7% cho năm 2010 và từ 6% lên 7,2% cho năm 2011.
Ông Benedict Bingham, Đại diện thường trú cao cấp Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Hà Nội nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay sẽ được quyết định một phần bởi cán cân thanh toán: “Nếu cải thiện cán cân thanh toán và tăng niềm tin của giới đầu tư vào đồng nội tệ, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế 6% trong năm 2010. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam trong năm nay sẽ được quyết định bởi một phần cán cân thanh toán”
Nhưng nhiều yếu tố có thể đẩy lạm phát gia tăng là thách thức lớn mà các nhà nghiên cứu, các nhà kinh tế dự báo cho nền kinh tế Việt Nam năm 2010. TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng năm 2010, nước ta sẽ đối mặt với những rủi ro. Cụ thể, về mặt vĩ mô sẽ là
nguy cơ thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại, thâm hụt thanh toán, , lạm phát cao quay trở lại.
Theo HSBC (Ngân hàng Hồng Kông – Thượng Hải), lạm phát có thể ở mức 10,1% trong năm nay trước khi giảm còn 7% trong năm 2011. Cụ thể, HSBC dự báo chỉ số giá tiêu dùng tăng cao trong hai quý đầu năm, với con số tương ứng là 12% và 11% trước khi giảm dần trong sáu tháng cuối năm. Chỉ số giá tiêu dùng quý 3, theo HSBC, là 11% và sau đó giảm còn 8,5% vào quý 4. Và nguyên nhân là do sự gia tăng của giá nguyên liệu đầu vào và giá năng lượng, thực phẩm. Báo cáo cho rằng, tốc độ lạm phát của Việt Nam sẽ trở lại mức hai con số vào quý 2 năm nay, thậm chí là sớm hơn. Một nguồn rủi ro lạm phát nữa, theo HSBC, là tốc độ tăng trưởng tín dụng lên tới gần 40% của năm 2009.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo, lạm phát trong năm 2010 của Việt Nam sẽ tăng tốc ở mức trung bình khoảng 10%. Nguyên nhân là do việc phá giá đồng Việt Nam và sự gia tăng dự kiến trong hoạt động kinh tế và giá cả hàng hóa thế giới vào năm 2010.
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến lạm phát ở Việt Nam có thể gia tăng trong năm 2010. Việc kiểm soát lạm phát trở thành trọng tâm trong ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam nhiều năm qua, song gần đây việc duy trì các cân đối lớn của nền kinh tế cũng đang nổi lên không kém phần quan trọng, do các mất cân đối vĩ mô đang ngày càng tích luỹ đến mức độ trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới ổn định kinh tế vĩ mô và hạn chế không gian điều hành chính sách. Nếu tính qui luật của diễn biến thị trường giá cả được duy trì trong năm 2010 kết hợp với những chính sách kinh tế vĩ mô và quản lý thị trường giá cả hợp lý thì CPI cả năm có thể ở mức 1 con số. Tuy nhiên, nếu các điều kiện này không đảm bảo thì CPI có thể lên tới 12-15%. "Việc điều chỉnh giá xăng dầu, điện, than, nước sinh hoạt, cước vận tải,… cần thận trọng trong quyết định mức độ và thời điểm để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2010", Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận định. "Kinh tế vĩ mô ổn định chính là tiền đề vững chắc cho tăng trưởng bền vững. Năm 2009 và 2010 đà tăng trưởng kinh tế được duy trì nhưng có sức ép tăng lạm phát, do đó, việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ sẽ phải linh hoạt và áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp tổng thể", Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu xác nhận, mục tiêu chính sách tiền tệ của NHNN bên cạnh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế còn phải kiểm soát lạ m phát ở mức hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô.