Trong chăn nuôi gia cầm, khả năng sinh trưởng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thức ăn, chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, thời tiết khí hậu, khả năng thích nghi của từng giống với môi trường. Tốc độ sinh trưởng càng cao thì càng rút ngắn được thời gian nuôi, giảm được chi phí thức ăn, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Dựa trên kết quả theo dõi khối lượng của đàn gà thí nghiệm từ 1 đến 15 tuần tuổi, chúng tôi đã tính được tốc độ sinh trưởng tuyệt đối và sinh trưởng tương đối của gà J-DABACO. Kết quả được trình bày ở bảng 4.3 và đồ thị 2, đồ thị 3.
Bảng 4.3. Tốc độ sinh trưởng của gà J-DABACO từ 1 đến 15 tuần tuổi
Tuần tuổi
Khối lượng trung bình (g)
Sinh trưởng tuyệt đối (gam/con/ngày)
Sinh trưởng tương đối
(%) Theo tuần Theo giai đoạn
0+ 38,46 - - - 1 77,51 5,58 5,58 67,35 2 137,73 8,60 7,09 55,95 3 223,05 12,19 8,79 47,30 4 334,00 15,85 10,55 39,83 5 462,82 18,40 12,12 32,33 6 613,12 21,47 13,68 27,94 7 783,65 24,36 15,21 24,42 8 967,29 26,23 16,59 20,98 9 1164,57 28,18 17,87 18,51 10 1371,40 29,55 19,04 16,31 11 1585,50 30,59 20,09 14,48 12 1793,60 29,73 20,89 12,32 13 1980,90 26,76 21,35 9,92 14 2148,20 23,90 21,53 8,10 15 2282,30 19,16 21,37 6,05 1-15 2282,30 21,37 21,37 26,79
Đồ thị 2. Tốc độ sinh trưởng tuyệt đối của gà J-DABACO từ 1 - 15 tuần tuổi
Kết quả ở bảng 4.3 và đồ thị 2 cho thấy, tốc độ sinh trưởng tuyệt đối của gà J-DABACO tăng dần từ 1 đến 12 tuần tuổi, sau đó có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, tốc độ sinh trưởng tuyệt đối ở 1 tuần tuổi là 5,58g/con/ngày, sau đó tăng dần đến 4 tuần tuổi là 15,85g/con/ngày. Tốc độ sinh trưởng tuyệt đối khác nhau qua các giai đoạn nuôi. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật sinh trưởng phát dục theo giai đoạn của gia cầm. Ở giai đoạn đầu tuy số lượng tế bào tăng nhanh, nhưng kích thước và khối lượng tế bào còn nhỏ nên tốc độ tăng trọng còn chậm. Đến các tuần tiếp sau cơ thể gà phát triển nằm trong giai đoạn sinh trưởng nhanh, các tế bào tăng sinh cả về số lượng, kích thước và khối lượng nên tốc độ sinh trưởng tuyệt đối cao hơn. Đến 11 tuần tuổi tốc độ sinh trưởng tuyệt đối đạt đỉnh cao 30,59g/con/ngày. Sau đó, số lượng và kích thước các tế bào trong cơ thể đã dần ổn định nên khả năng sinh trưởng chậm lại, vì thế tốc độ sinh trưởng tuyệt đối có giảm đi. Kết thúc giai đoạn nuôi ở
15 tuần tuổi, tốc độ sinh trưởng tuyệt đối giảm xuống còn 19,16g/con/ngày. Trung bình từ 1 đến 15 tuần tuổi, sinh trưởng tuyệt đối của gà J-Dabaco là 21,37g/con/ngày.
Theo nghiên cứu của Nguyễn Đức Hưng và cs (2017)[4] ở 1, 4 và 12 tuần tuổi, sinh trưởng tuyệt đối của gà J-DABACO tương ứng là 5,67; 12,67; 28,58gam/con/ngày. Tác giả còn cho biết trung bình từ 1 đến 12 tuần tuổi, sinh trưởng tuyệt đối của gà J-DABACO là 20,20g/con/ngày. Như vậy, nếu so sánh với tốc độ sinh trưởng tuyệt đối trung bình ở giai đoạn từ 1 đến 12 tuần tuổi, tốc độ sinh trưởng tuyệt đối của gà J-DABACO trong thí nghiệm của chúng tôi (20,89 g/con/ ngày) là cao hơn.
Để đánh giá tốc độ sinh trưởng của đàn gà J-DABACO thí nghiệm, ngoài tốc độ sinh trưởng tuyệt đối chúng tôi còn tiến hành xác định tốc độ sinh trưởng tương đối. Kết quả được trình bày ở bảng 4.3 và đồ thị 3.
Kết quả ở bảng 4.3 và đồ thị 3 cho thấy, tốc độ sinh trưởng tương đối của gà thí nghiệm đạt cao nhất ở tuần tuổi đầu tiên, sau đó giảm dần ở các tuần tiếp theo. Cụ thể, ở 1 tuần tuổi gà thí nghiệm có tốc độ sinh trưởng tương đối là 67,35% đến 5 tuần tuổi tốc độ sinh trưởng tương đối giảm xuống 32,33%. Kết thúc ở 15 tuần tuổi tốc độ sinh trưởng tương đối giảm còn 6,05%. Kết quả này của chúng tôi cũng phù hợp với kết quả của Nguyễn Đức Hưng và cs (2017)[4] khi nghiên cứu trên gà J-DABACO tại Thừa Thiên Huế. Tác giả cho biết tốc độ sinh trưởng tương đối ở 1, 5 và 12 tuần tuổi của gà J-DABACO. tương ứng là 65,07%; 38,87% và 10,6%.
Từ kết quả nghiên cứu này cho thấy, gà thí nghiệm có mức độ sinh trưởng tương đối giảm dần trong quá trình chăn nuôi, thời gian nuôi càng kéo dài thì chỉ số này càng giảm, do đó hiệu quả chăn nuôi sẽ giảm dần theo thời gian. Hiệu quả chăn nuôi sẽ càng cao nếu càng rút ngắn thời gian chăn nuôi, vì vậy cần cân đối đủ khẩu phần ăn cho gà phù hợp với từng giai đoạn chăn nuôi đồng thời cho thấy thời điểm kết thúc quá trình chăn nuôi đúng lúc sẽ giảm chi phí, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Qua kết quả theo dõi, đánh giá khả năng sinh trưởng của gà J - DABACO tại tỉnh Điện Biên, chúng tôi nhận thấy, giống gà này có khả năng thích nghi cao với điều kiện địa hình và tiểu khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh. Quy trình chăn nuôi được áp dụng trong thí nghiệm là phù hợp với đặc điểm sinh học của giống gà này nên khả năng sinh trưởng không có sự thay đổi nhiều so với gà được nuôi tại các cơ sở tập trung khác. Đây là cơ sở quan trọng để khuyến cáo cho người chăn nuôi tại tỉnh Điện Biên trong việc lựa chọn 1 giống gà thương phẩm mới, phù hợp với điều kiện địa phương.