Về vấn đề quy cứu trách nhiệm hình sự:

Một phần của tài liệu LÝ LUẬN về CHƯƠNG TRÌNH GIÁO dục QUỐC PHÒNG DÀNH CHO SINH VIÊN đại học (Trang 46 - 48)

Điều 121 BLHS 1999 quy định về tội làm nhục người khác như sau:  "Điều 121. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Phạm tội nhiều lần; b) Đối với nhiều người;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Đối với người thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."

Làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của con người.

Người phạm tội phải là người có hành vi (bằng lời nói hoặc hành động) xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, như: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo giữa đám đông… Để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế, đe dọa, buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình. Tất cả hành vi, thủ đoạn đó chỉ nhằm mục đích là làm nhục chứ không nhằm mục đích khác. Nếu hành vi làm nhục người khác lại cấu thành một tội độc lập thì tùy trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục và tội tương ứng với hành vi đã thực hiện.

Ý thức chủ quan của người phạm tội là mong muốn cho người bị hại bị nhục với nhiều động cơ khác nhau, có thể trả thù chính người bị hại hoặc cũng có thể trả thù người thân của người bị hại.

Người bị hại phải là người bị xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự nhưng thế nào là nhân phẩm, danh dự bị xâm phạm nghiêm trọng là một vấn đề khá phức tạp. Bởi vì cùng bị xâm phạm như nhau nhưng có người bị thấy nhục hoặc rất nhục nhưng có người lại thấy bình thường. Về phía người phạm tội cũng có nhận thức tương tự, họ cho rằng với hành vi như thế thì người bị làm nhục sẽ nhục hoặc rất nhục nhưng người bị hại lại thấy chưa bị nhục. Nếu chỉ căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội hay người bị hại thì cũng chưa

thể xác định một cách chính xác mà phải kết hợp với các yếu tố như trình độ nhận thức, mối quan hệ gia đình và xã hội, địa vị xã hội, quá trình hoạt động của bản thân người bị hại, phong tục tập quán, truyền thống gia đình... Dư luận xã hội trong trường hợp này cũng có ý nghĩa quan trọng để xác định nhân phẩm, danh dự của người bị hại bị xâm phạm tới mức nào. Sự đánh giá của xã hội trong trường hợp này có ý nghĩa rất lớn để xác định hành vi phạm tội của người có hành vi làm nhục.

Một phần của tài liệu LÝ LUẬN về CHƯƠNG TRÌNH GIÁO dục QUỐC PHÒNG DÀNH CHO SINH VIÊN đại học (Trang 46 - 48)