TIÊN HOÀNG ĐẾ

Một phần của tài liệu Ngô Thời Sỹ Việt Sử Tiêu ÁnThế Kỷ 18 (1775) docx (Trang 34 - 36)

Vua Đinh, tên Bộ Lĩnh, người làng Đại Hoàng, động Hoa Lư, bình được 12 sứ quân, tự lập làm vua, ở ngôi vua 12 năm, bị người trong nội là Đỗ Thích giết. Vua Đinh quét sạch quần hùng, mở mang thêm đất nước, nhưng vì không định rõ người kế vị, không phòng ngừa khi việc chưa phát, đến nỗi biến loạn khởi ngay ở trong cung cấm mà nước cũng mất theo.

Thân phụ Vua là Công Trứ, nha tướng của Dương Đình Nghệ, cai trị Hoan Châu, mẹ là họ Đàm, nằm mộng thấy có một người lớn tay cầm cái ấn vua đến xin làm con, bèn có mang mà sinh ra Vua, được ít lâu thì thân phụ dắt vào ở trong động, chơi với trẻ chăn trâu, lũ trẻ tôn làm đàn anh. Mỗi khi chơi đùa, giao tay nhau cho Vua ngồi lên, khiêng đi làm xe, lấy bông lao làm cờ, dàn ra hai bên, rước đi làm như nghị vệ nhà vua. Trong nhà nuôi được con lợn, thừa lúc mẹ đi vắng, Vua mổ lợn khao bọn trẻ rồi di cư đến Đào Úc Sách. Bà mẹ sợ, mang chuyện ấy nói với chú Đinh Dự, Dự cầm dao đi tìm, đuổi đến bờ sông, Vua chạy sa vào bùn lầy, thấy có con rồng vàng, đỡ hai bên Vua sang qua sông. Ông chú sợ bỏ về, Vua bèn theo bọn ngư hộ làm nghề đánh cá, bắt được ngọc huê lớn để vào đáy giỏ. Đến đêm vào chùa ngủ trọ, nhà sư thấy trong cái giỏ có tia sáng tròn, hỏi cớ sao, và nói rằng: "Anh này ngày sau cao quý không thể nói được". Sau đến nương nhờ Trần Minh Công, làm chỉ huy của quân Trần đánh đâu được đấy, gọi là Vạn Thắng Vương. Quần thần dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế.

Niên hiệu Thái Bình năm đầu. Vua mới lên ngôi, quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng kinh đô ở Hoa Lư. Vua muốn lấy oai quyền, chế ngự thiên hạ, đặt cái vạc to ở sân, nuôi con mãnh hổ ở trong cũi, ra lệnh rằng, ai trái mệnh lệnh phải chịu tội lửa nấu, hùm nhai.

Vua lập 5 bà Hoàng hậu là: Đan Gia, Trinh Minh, Kiểu Quốc, Cổ Quốc, và Cao Ông.

Một âm và một dương gọi là đạo. Các bà Hoàng hậu dựng nên nhà Hạ giúp đỡ nhà Chu, không nghe có đến hai Hoàng hậu, huống chi lại có 5 Hoàng hậu ư?.

Từ năm Thiên Nguyên nước Chu lập 5 Hoàng hậu, bài sách văn phong Hoàng hậu có câu rằng: "Đức ví với khôn nghi, ngũ hành là số 5", đó là lấy một câu kinh, để che lỗi của mình. Vua Đinh Hoàng không đọc sách, theo ý riêng mà làm càn, đúng như chuyện nước Chu; lỗi đó hai bên cũng như nhau.

Vua định phẩm bậc của các quan văn, võ và tăng đạo: Nguyễn Bặc làm Định Quốc Công, Lưu Cơ làm Đô hộ phủ Sĩ Sư, Lê Hoàn làm Thập Đạo Tướng quân, Ngô Chân Lưu được hiệu là Khuông Việt Thái sư, Trương Ma Ní làm Tăng Lục Đạo Sĩ.

Vua Đinh Tiên Hoàng khởi lên ở Hoa Lư, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Đinh Điền, Trịnh Tú đều là những người cùng làng cùng tuổi với Vua, đã ở sát bên cạnh Vua đến khi xét công ban thưởng, lại bỏ sót Điền và Tú, là nhà làm sử chép nhấm đấy; còn như Tăng Đạo là hạng người nào mà cũng phẩm trật cao, được có mũ vàng, áo đen, lẫn lộn vào hàng mũ vàng đai bạc ở triều đình, chả cũng quá lắm ư!

Vua sai con là Liễn đi sang thăm viếng nhà Tống. Nhà Tống sai sứ sang phong cho Vua. Tờ chế phong cho Vua. Tờ chế phong ấy đại lược nói rằng: "Nối đời là họ to, giữ được địa phương xa, có chí mến chuộng văn hóa Trung Hoa, vẫn muốn phụ thuộc với Tàu, khen người con có ý xưng làm thuộc quốc, vậy cho cha được thụ phong làm Vua một địa phương".

Vua định ra 10 đạo quân: mỗi đạo 10 quân, một quân 10 lữ, một lữ 10 tốt, một tốt 10 ngũ, một ngũ 10 người, đều đội mũ Tứ phương bình đính.

Nam Việt Vương là Liễn giết Thái tử là Hạng Lang.

Liễn là con cả của Vua, thường dự nhiều việc khó nhọc, khi lấy được nước đã được phong làm Nam Việt Vương, lại thường sang sứ nhà Tống, sau mới đẻ Hạng Lang. Vua yêu Hạng Lang mới lập làm Thái tử. Liễn lấy chuyện ấy làm bất bình, sai người ám sát Hạng Lang.

Đỗ Thích giết vua là Liễn, Nguyễn Bặc đánh giết Đỗ Thích.

Khi xưa Thích làm Lại ở đất Đồng Quan, đêm nằm mơ trên cầu, bỗng có ngôi sao sa vào miệng, cho là điềm tốt, thừa lúc vua nằm ở chân cung, đến giết vua; lúc bấy giờ đương cấp bắt kẻ nghịch tặc, Thích chui nằm rạp ở trên mái cung, cung nữ trông thấy, mách bảo Nguyễn Bặc, Bặc bắt Đỗ Thích giết đi.

Từ xưa kẻ loạn thần, dám mưu đồ những việc phi phận, đều do điềm giời, mà tự lấy để dối mình, như việc Linh Bảo cướp ngôi vua của Tấn, Lộc Sơn làm phản Đường, đều thế cả. (Mẹ Ông Huyền nằm mộng, nuốt sao sa, rồi đẻ ra Ông Huyền, Lộc Sơn khi đẻ ra có ánh sáng soi trong nhà, các loài chim muông đều kinh hãi).

Niên hiệu Thái Bình thứ 5, có câu sấm rằng: "Đỗ Thích thí Đinh Đinh, Lê gia xuất thánh minh, cạnh đầu đa hoành nhi, đạo lộ tuyệt nhân hành, thập nhị xưng đại vương, thập ác vô nhất liệt, thập bát tử đăng tiên, kế đô nhập nhị thiên". (Đỗ Thích giết Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn, Lê Hoàn ra làm vua, ganh đầu nhiều trẻ hoạnh, đường xá hết người đi (hai câu này không hiểu ra sao). 12 xưng là đại vương, 10 ác không có một điều lành, (hai câu này chỉ vào Đinh Tiên Hoàng làm vua 12 năm, không có một điều gì lành cũng được), thập bát tử là chữ Lý, chỉ vào Lý Công Uẩn lên ngôi vua, còn câu kế đô nhập nhị thiên, không hiểu nghĩa ra sao); người ta cho là thiên số đã định sẵn rồi.

ĐẾ TOÀN

Đế Toàn làm vua được tám tháng bị Lê Hoàn cướp ngôi, tự lập làm vua. Nguyễn Bặc, Đinh Điền rước Vệ Vương lên ngôi vua. Vệ Vương mới có 6 tuổi, bọn Đinh Điền là Đại thần phụ chính, duy có Lê Hoàn một mình giữ binh quyền, ra vào cung cấm, Thái hậu là Dương Thị trông thấy tư tình với Lê Hoàn, ra lệnh cho Lê Hoàn nhiếp chính làm việc Chu Công. Hoàn cậy được Thái hậu yêu, tự xưng là Phó Vương. Lũ Đinh Điền mưu bàn với nhau rằng: "Hoàn sắp làm việc bất lợi cho vua nhỏ, bọn ta chịu ân dầy của nước nếu không quét sạch được kẻ nghịch tặc bên vua, thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở dưới suối vàng nữa?", bèn chia ra 2 đạo quân thủy và bộ. Thái hậu sợ, bảo Hoàn rằng: "Vua còn non trẻ, chưa kham nổi được nhiều hoạn nạn, ông mưu toan việc ấy đi thôi". Hoàn bèn đốc chiến, bắt Nguyễn Bặc nhốt vào cũi đưa về kinh kể tội rằng: "Tiên đế mắc nạn, thần, nhân còn phẫn uất và hổ thẹn, nhà ngươi thừa lúc loạn làm đầu việc quân, nghĩa thần tử như thế được ư?". Bèn chém Nguyễn Bặc.

NGÔ NHẬT KHÁNH DẫN NGƯỜI CHIÊM THÀNH VÀO CƯỚP

Nhật Khánh là con cháu Ngô Quyền, cùng 11 sứ quân khác chia nhau chiếm cứ đất đai, tự xưng là An Vương. Tiên Hoàng dẹp được, lấy mẹ Nhật Khánh làm Hoàng hậu. Em gái Nhật Khánh làm phu nhân của Đinh Liễn. Tiên Hoàng sợ Nhật Khánh oán vọng sinh biến, bèn gả công chúa cho Nhật Khánh. Nhật Khánh vẫn không bằng lòng, đưa cả gia quyến chạy sang nước Chiêm Thành. Đi đến cửa biển, rút lấy con dao vẫn đeo rạch vào má công chúa mà kể tội rằng: "Cha mày ức hiếp ta, ta đâu có vì mày mà quên thù được? Cho mày về, ta đi tìm người để cứu ta". Sau đó dẫn người Chiêm vào cướp, khi đi đến cửa biển Đại Nha, gặp gió to thuyền đắm, Nhật Khánh chết đuối, vua Chiêm Thành thu quân về nước.

NHÀ TỐNG HỘI QUÂN Lại ĐẾN XÂM LĂNG NƯỚC TA

Bấy giờ quan Tri Ung Châu là Hầu Nhân bảo dâng sớ nói với vua Tống rằng: "Nước Giao Chỉ nội loạn, nước sắp mất, xin đến bày tỏ tình trạng có thể lấy được Giao Chỉ". Lư Đa Tốn bàn rằng: " Nên xuất kỳ bất ý, đem quân tập kích, thế là sấm loáng không kịp che tai, nếu gọi Nhân Bảo về, sợ mưu tiết lộ, thì họ biết mà phòng bị, không phải là kế vạn toàn". Vua Tống cho làm phải, xuống chiếu sai Tôn Toàn Hưng mang quân bộ, từ đường Ung Châu tiến vào, Lưu Trừng mang quân thủy từ đường Quảng Châu tiến vào, hẹn ngày cùng đến. Lạng Châu được tin, mang tình trạng báo cáo, Thái hậu sai Lê Hoàn kén dũng sĩ ra chống với quân Tàu. Đương bàn cách ra quân, thì có người Nam Sách là Phạm Cự Lạng mặc binh phục đi thẳng vào trong phủ mà nói rằng: "Thưởng người có công mà giết kẻ không vâng mệnh, là minh pháp khi hành quân, nay Chúa thượng còn thơ trẻ, chúng ta dù có hết sức chống ngoại xâm, có ai biết đến, không bằng trước hết tôn Thập Đạo Tướng quân lên làm vua". Quân sĩ đều hô vạn tuế. Thái hậu sai đem đủ lễ bộ đi rước Lê Hoàn vào cung, tiến lên làm Vua. Hoàn bèn lên ngôi Vua, đổi niên hiệu là Thiên Phúc, giáng Đế làm Vệ Vương.

Xét Cư Lạng người huyện Chí Linh, anh là Phạm Hạp làm chức Vệ úy, cùng với Nguyễn Bặc mưu tính giết Lê Hoàn nay lại bội nghĩa đến thế. Truyện chép Cự Lạng sau khi đã chết, Thượng đế cho làm chức Nam Đài, chuyên xét các án ngờ, đến nay hãy còn thờ làm ngục chủ, xưng là Hồng Thánh Đại Vương. Người như thế, sao lại được hưởng phúc như thế?.

Vua nhà Tống xuống chiếu ra quân, sai Lư Đa Tốn mang thư đến dụ Lê Hoàn trong thư đại lược nói: "Châu Viêm đương có khói nung, mây nấu, ta làm mây lành, làm mưa ngọt; đương lúc chướng khí mịt mù, đà phải tan mây phải cháy, ta gẩy khúc đàn, ta làm cơn gió mát, những vì tinh tú thuộc về nước ngươi, người ta bảo là không biết, nay ta xoay sao tử vi, để cho ngươi phải chầu về, những ma quỉ ở đất ngươi, người ta thì sợ, ta nay đúc cái vạc lớn để khiến cho ngươi không bị hại". Vua Lê Hoàn được thư, liền ra quân chống cự nhà Tống. Trước hết sai Giang Cự Vọng giả làm thư của Đế Toàn cầu xin nối ngôi Vua. Thời bấy giờ nhà Tống có ý muốn lấy hẳn nước ta, sai Trương Tôn Quyền trả lời rằng: "Họ Đinh ở ngôi vua đã ba đời, Trẫm muốn Toàn làm Thống quân mà ngươi làm phó, nếu Toàn không có tài, không điều gì khả tú, còn có tính trẻ con thì nên đưa mẹ con Toàn về với ta, ta tất ưu đãi, sẽ cho ngươi được làm vua; hai đường ấy, ngươi chọn lấy một". Vua Lê Hoàn đều bỏ không trả lời.

Trên đây là nhà Đinh có hai vua, khởi từ năm Mậu Thìn, hết là năm Canh Thìn cộn 13 năm. Sách Thông luận bàn rằng: Vua Thiên Sách không giữ được quyền cương, các sứ quân ngó nhòm vạc báu, trời sinh ra buổi tối tăm, Đinh Tiên Hoàng đứng lên mà dẹp yên được, nổi tiếng anh hùng Vạn Thắng, gồm được cảđất đai của 12 sứ quân. Nước bị chia xẻ đã lâu, nay thành thống nhất đối với nhà Tống, thì Bắc Nam thông hiếu, cha con làm Chân Vương, không phải xin ai, nước Cồ Việt được 13 năm thái bình, cũng đã thịnh lắm, sao lại mất chóng như thế? Là vì Tiên Hoàng vũ lược có thừa, mà học vấn không đủ, muốn đem cái thuật trị quân ra mà trị nước; lập 5 bà Hoàng hậu là phi lễ, bỏ con trưởng là phi pháp, đặt thày tu làm chức quan, đặt vạc dầu làm hình phạt, là phi chính. Chỉ ham vui chơi, không biết phòng bị, cho nên ở trong nhà thì con trưởng ly tâm, bỏ vợ thất tiết, ở ngoài thì không đặt quân phòng bị, người cạnh nách thành ra kẻ cửu thù, vậy là Hạng Lang giết Tiên Hoàng, chứ không phải Đỗ

Thích. Người dẫn Chiêm Thành vào cướp ngôi vua của Vệ Vương là Dương Hậu, chứ không phải Thập

Đạo Tướng quân. Gốc cây đã đổ, cành là tự nhiên tồi tàn, nhà Đinh ít đức, không có gì để cho con cháu về sau, đáng thương thay!.

N H À L Ê

Một phần của tài liệu Ngô Thời Sỹ Việt Sử Tiêu ÁnThế Kỷ 18 (1775) docx (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)