7. Kết cấu của luận văn
3.2.1. Giọng điệu nghệ thuật
3.2.1.1.Giọng điệu bi phẫn, rắn rỏi
Trên thi đàn văn học Việt Nam, nhóm Áo bào gốc liễu với giọng điệu không hòa lẫn với nhóm thơ nào khác đã đem đến cho người đọc những điều đặc biệt cho nhóm thơ này. Từ nguồn cảm hứng tráng sĩ, những cảm hứng về lịch sử dân tộc, âm hưởng các bài thơ của nhóm Áo bào gốc liễu được ngân vang trong chất giọng hào hùng, gấp gáp, tráng khí. Tuy vậy, cũng như các nhà thơ trong phong trào Thơ mới, cái buồn là âm hưởng chủ đạo nên các bài thơ của nhóm thơ này thể hiện sự bất bình với hiện thực thông qua chất giọng bi phẫn, rắn rỏi. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã từng nhận xét về Thâm Tâm: “Thơ thất ngôn của ta bây giờ thực có khác thơ thất ngôn cổ phong. Nhưng trong bài dưới đây lại thấy sống lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ. Điệu thơ gấp. Lời thơ gắt. Câu thơ rắn rỏi, gân guốc. Không mềm mại uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ. Nhưng vẫn đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại” [57; tr 273]. Có thể thấy, lời nhận xét ấy không chỉ đúng với thơ Thâm Tâm mà còn đúng và còn phù hợp với nét riêng về giọng điệu thơ của nhóm Áo bào gốc liễu.
Trước thực trạng xã hội đen tối, đầy rẫy những bất công và áp bức bóc lột mà các tác giả không thể làm gì được, họ gần như bất lực và để giả toản tâm trạng họ thường tìm đến rượu để được giải thoát, để quên đi thực tại buồn bã, đen tối hiện tại. Trong thơ Vũ Hoàng Chương có viết: “Say đi em! Say đi em!/ Say cho lơi lả ánh đèn/ Cho cung bậc ngả nghiêng, điên rồ xác thịt/ Rượu, rượu nữa và quên, quên hết!” (Say ca). Nhóm Áo bào gốc liễu cũng thường mượn rượu để quên đi sầu đau, buồn khổ. Đặc biệt nhà thơ Nguyễn Bính sử dụng giọng điệu này một cách
thành công. Nguyễn Bính từng mượn rượu để giải bày sự phẫn uất của mình: “Ta đi nhưng biết về đâu chứ?/ Đã đẩy phong yên lộng bốn trời/ Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ/ Uống say mà gọi thế nhân ơi! (Hành phương Nam). Bất lực trước thực tại cuộc sống các nhà thơ mượn rượu để quên sầu thế nhưng càng tìm đến những chén rượu còn người lại cảm thấy vị đắng của nó, với giọng điệu bi phẫn đã thể hiện đươc sự uất ức của các thi gia còn kéo dài dai dẵng chưa nguôi: “Chén rượu tha hương! Trời! Đắng lắm/ Trăm hờn nghìn giận suốt mùa đông”(Xuân tha hương).
Bằng giọng điệu phẫn uất trước thực tại cuộc sống, Trần Huyền Trân cũng tìm tới rượu để giải tỏa nỗi đau, để nói ra hết nỗi lòng của mình với người bạn tâm giao:
“Cụ hâm rượu nữa đi thôi/ Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu/ Rồi lên ta uống với nhau/ Rót đau lòng ấy vào đau lòng này./ Tôi say? Thưa trẻ chưa đầy/ Cái đau nhân thế thì say nỗi gì” (Với Tản Đà – 1938). Ông hiểu hơn hết nỗi khổ cực, cay đắng của nhân dân khi đất nước bị xâm lược. Trong những vần thơ của mình ông luôn đặt ra những câu hỏi thể hiện sự trăn trở, day dứt của nhà thơ về hiện thực: “Sao chưa dựng lại trụ đời/ Chuyển trong tăm tối ra ngoài hào quang?” (Chiều
mưa xứ Bắc gửi người xứ Nam – 1942). Thơ Trần Huyền Trân vừa mang âm điệu
buồn man mác, vừa cảm khái ngang tàng pha chút mỉa mai. Chính nhờ giai điệu lục bát làm bài thơ có phần mềm đi tạo chút bâng khuâng thổn thức: “Ớ kìa thiên hạ đang say/ Ớ nghìn tay nắm nghìn tay đang cười/ Nhớ nhau nhạt thếch rượu đời/ Tay vo chỏm tóc ta ngồi ta ca”(Độc hành ca).
Có thế thấy, ba nhà thơ nhóm Áo bào gốc liễu có những điểm tương đồng về giọng điệu rất rõ nét. Cái giọng bi phẫn đã bộc bạch được những tâm trạng, những nỗi lòng của các nhà thơ trước hiện thực cuộc sống. Bên cạnh đó, nói về giọng điệu của nhóm Áo bào gốc liễu bên cạnh giọng thơ bi phẫn thì còn là một giọng điệu vô cùng gân guốc và rắn rỏi rất mạnh mẽ, sắc bén. Thâm Tâm với chất giọng chắc nịch, rắn rỏi, sử dụng nhiều vần trắc tạo nên tích cách mạnh mẽ: “Ta biết người buồn chiều hôm trước/ Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,/ Một chị, hai chị cũng như sen,/ Khuyên nốt em trai dòng lệ sót” (Tống biệt hành). Đọc thơ Thâm Tâm, người đọc luôn cảm nhận được một giọng điệu rắn rỏi, cứng cỏi, mạnh mẽ của con người. Trước thực tại đau khổ đang hiện ra trước mắt và họ lại càng rơi vào trạng thái bi phẫn, bất bình, sự cay đắng của con người đang bất mãn trước thời cuộc và đang
tìm mọi cách để thoát khỏi thực tại ấy: “Phiếm du mấy chốc đời như mộng/ Ném chén cười cho đã mắt ta/ Thà với mãng phu ngoài bến nước/ Uống dăm chén rượu quen tay thước/ Cái sống ngang tàng quen bốc men/ Thù với hào hùng chí thiếu niên” (Can trường hành). Sự bi phẫn trong tâm hồn nhà thơ đã bộc lộ ra thành thơ, do đó những câu thơ của Thâm Tâm khiến người đọc cảm thấy gần gũi bởi nó là tình cảm thực của ông xuất phát từ chính trái tim nồng nàn yêu thương của nhà thơ. Thơ Thâm Tâm có những câu thơ đọc lên người đọc cảm nhận được khí phách hiên ngang, quyết liệt: “Nện cho vang tiếng chuông chiều,/ Thù đem sức sớm đánh kêu trống đình;/ Thở phù hơi rượu đua tranh,/ Quăng tay chén khói tan thành trời mưa”
(Tráng ca). Bằng hệ thống ngôn từ và giọng điệu rắn rỏi những câu thơ mang dáng
dấp cổ thi đã bộc lộ một cái tôi với những suy nghĩ, triết lí riêng.
Giọng điệu rắn rỏi, gân guốc ấy còn được thể hiện qua những sáng tác với thể loại hành – một thể loại được các nhà thơ nhóm Áo bào gốc liễu thể hiện rất thành công. Những câu thơ ngang tàn, mạnh mẽ được cất lên từ những con người cũng mạnh mẽ và đầy khí phách như Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính. Với Nguyễn Bính, người đọc thường thấy trong thơ ông là giọng thương cảm tuy nhiên trong bài Hành phương Nam Nguyễn Bính đã có sự khác biệt đó là giọng thơ mạnh mẽ, rắn rỏi thể hiện quyết tâm của người nam nhi: “Ngày mai, có nghĩa gì đâu nhỉ?/ Cốt nhất vui cười trọn tối nay/ Rẫy ruồng châu ngọc thù son phấn/ Mắt đỏ lên rồi, cứ chết ngay!”. Trong thể hành, những câu thơ với giọng điệu rắn rỏi, tràn đầy khí phách được các nhà thơ sử dụng rất thành công tạo nên nét riêng trong sáng tác của họ. Cụ thể trong bài Can trường hành nhà thơ đã viết bằng bằng giọng điệu mạnh mẽ cao độ:“Gió thốc hàng hiên, lười viễn mộng/ Mưa rào mặt cát gợi ly ca/ Phiếm du mấy chốc đời như mộng/ Ném chén cười cho đã mắt ta” (Can trường hành). Trong Vọng nhân hành, giọng thơ ấy như được cất lên của một con người đầy khí phách: “Rau đất cá sông gào chẳng đủ/ Nỗi bùng giữa tiệc trận phong ba/ Rằng: Đương gió bụi thì tơi tả/ Thiên hạ phải dùng thơ chúng ta (Thâm Tâm).
Có thể thấy, trong hầu hết các sáng tác của mình, giọng điệu bi phẫn, rắn rỏi luôn được các nhà thơ thể hiện rất thành công, đó được xem là điều tạo nên nét riêng của nhóm thơ Áo bào gốc liễu. Ba nhà thơ với những nét tính cách khác nhau, nhưng đều là những nhà thơ tài năng với những phong cách độc đáo. Ở ba nhà thơ
đều có những điểm chung là muốn cống hiến cho đất nước với những ý chí mạnh mẽ tất cả điều này đều được các nhà thơ thể hiện thông qua giọng điệu thơ rất đặc trưng, một giọng điệu bi phẫn, rắn rỏi đã tạo nên phong cách riêng.
3.2.1.2. Giọng điệu trữ tình, sâu lắng
Bên cạnh giọng điệu bi phẫn, rắn rỏi thì trong sáng tác của nhóm thơ Áo bào gốc liễu còn mang giọng điệu nhẹ nhàng, trữ tình, sâu lắng. Có thể nhìn thấy những yếu tố của thơ Thơ mới lãng mạn được các nhà thơ khai khác rất rõ với giọng điệu sâu lắng đi sâu vào lòng người, đặc biệt lại kết hợp với thể thơ lục bát làm cho câu thơ thêm nhẹ nhàng, thiết tha. Trần Huyền Trân có nhiều câu thơ hay, mang giọng điệu vô cùng sâu lắng: “Mờ mờ mưa luống rau xanh/ Nắng còn thoi thóp như tình tiễn đưa/ Trông mưa chạnh nhớ đời thơ/ Với người hôm ấy cũng mưa âm thầm”
(Nhớ nhau – Trần Huyền Trân). Trần Huyền Trân còn có một giọng thơ vô cùng
lãng mạn, sâu lắng đầy trữ tình. Đây được xem là một giọng điệu rất đặc biệt trong Thơ mới:“Đâu biết anh là gió bốn phương/ Mà em là cát bụi bên đường/ Tình đời xe ngựa muôn ngàn lối/ Còn cả tình ta gửi tiếng đàn” (Lạc loài – 1938). Thơ ông có những bức tranh thiên nhiên hết sức tươi đẹp, có sức cuốn hút:“Đôi chim tình tự trong cành vắng/ Dóng dả gà lên tiếng gọi đôi/ Líu díu bướm vàng ôm bướm trắng/ Vườn trưa bóng nắng tựa môi cười” (Trưa ấy qua rồi – 1939). Với giọng điệu trữ tình, sâu lắng, bức tranh làng quê hiện lên trong thơ đầy sức sống, nhẹ nhàng và gần gũi dễ đi vào lòng người đọc.
Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân có những bài thơ miêu tả sự vật, cuộc sống với những hình ảnh và giọng điệu nhẹ nhàng, sâu lắng ẩn chứa được tình cảm sâu sắc của các tác giả. Đặc biệt, trong bài Tống biệt hànhnhà thơ đã sử dụng giọng thơ rất đặc biệt: “Đưa người ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng/ Bóng chiều không thắm không vàng vọt/ Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”. Với khổ thơ đầu tiên Thâm Tâm đã mang đến cho người đọc một âm hưởng thơ vô cùng nhẹ nhàng, da diết và đây cũng chính là tiếng lòng, là tâm tình của nhà thơ. Giọng điệu trữ tình sâu sắc ấy còn được ông thể hiện rõ trong những câu thơ
bài Chiều mưa đường số 5 ẩn chứa tình cảm, tâm trạng nhớ về những người đồng
đội đã sát cánh bên nhau trong những năm tháng khó khăn, một tình đồng đội gắn bó sâu đậm, nặng tình nặng nghĩa: “Chiều mưa đường số 5/ Đôi mắt sao đăm đăm/
Chứa cả trời mây nặng/ Miền Việt Bắc xa xăm/ Ôi núi rừng thương nhớ/ Rét mướt đã hai năm!”.
Là những nhà thơ có tâm hồn nhạy cảm mới có thể quan sát và cảm nhận cuộc sống một cách sâu sắc đến như vậy. Giọng điệu trữ tình sâu lắng ấy còn được thể hiện trong những vần thơ về làng quê của Nguyễn Bính. Trong những bài thơ viết về nỗi niềm của con người tha hương, khi nghĩ về quê hương giọng thơ lại sâu lắng, nhẹ nhàng. Chính giọng điệu ấy đã thể hiện rõ được tình yêu quê hương tha thiết đồng thời khắc sâu hơn sự cô đơn lòng sầu xứ của con người: “Rượu uống kỳ say bữa thất thường/ Buồn như tên lính ở biên cương./ Đêm ba mươi tết, trời mưa bụi,/ Sực nhớ quê nhà uống rượu suông” (Mùa đông nhớ cố nhân). Ngay cả khi Nguyễn Bính rơi vào trạng thái cô đơn, thất vọng thì giọng thơ vẫn nhẹ nhàng và trong trẻo: “Hồn tôi giếng ngọt trong veo/ Trăng thu trong vắt biển chiều trong xanh/ Hồn cô cát bụi kinh thành/ Đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe”(Tình tôi).
Như vậy, có thể thấy thơ của nhóm Áo bào gốc liễu khá đa dạng về giọng điệu. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa giọng điệu bi phẫn, rẵn rỏi, gân guốc cùng với giọng trữ tình sâu lắng. Tất cả những giọng điệu thơ này đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên dấu ấn cho nhóm thơ Áo bào gốc liễu.