Theo Thông cáo báo chí: “Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 của Tổng Cục Thống kê”: Dân số trung bình năm 2016 của cả nước ước tính đạt 92,70 triệu người, tăng 987,8 nghìn người, tương đương tăng 1,08% so với năm 2015, bao gồm dân số thành thị 32,06 triệu người, chiếm 34,6%; dân số nông thôn 60,64 triệu người, chiếm 65,4%; dân số nam 45,75 triệu người, chiếm 49,4%; dân số nữ 46,95 triệu người, chiếm 50,6%.Dân số phân bố không đều và có sự khác biệt lớn theo vùng. Dân cư Việt Nam phần đông vẫn còn là cư dân nông thôn.
Tuy nhiên, cùng với sự nghiệp CNH-HĐH, đô thị hoá, dân số và lao động ở thành thị cũng ngày một tăng. Quá trình đô thị hóa là kênh có tác động mạnh làm chuyển đổi cơ cấu lao động của các ngành kinh tế từ lao động có trình độ thấp sang các ngành sử dụng công nghệ hiện đại, nâng cao NSLĐ. Nhìn chung quá trình đô thị hóa của Việt Nam diễn ra chậm (tỷ lệ dân số thành thị năm 2015 mới đạt 34,3%), đồng nghĩa với lượng cung về lao động cho khu vực công nghiệp và dịch vụ thấp; lao động chủ yếu làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khó có điều kiện để thúc đẩy tăng NSLĐ như khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Trong kết quả bảng tuổi thọ các nước của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) thực hiện năm 2016, người Việt Nam đứng thứ 56 trong tổng số 138 nước, đạt tuổi thọ trung bình 75,6 tuổi. Như vậy, tuổi thọ trung bình của nước ta tăng khá nhanh (năm 2013 đạt 73,1 tuổi).
Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn dân số vàng từ năm 2007 với tỷ lệ người lao động cao gấp đôi so với người phụ thuộc, tuy nhiên, dấu hiệu già hóa dân số xuất hiện ở Việt Nam bắt đầu vào năm 2011. Ngày 28/3/2016, Ngân hàng Thế
giới (WB) đã công bố báo cáo về hiện tượng già hóa dân số Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Theo đó, Việt Nam đang bắt đầu trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Do đó, già hóa dân số đặt ra những thách thức lớn đối với quốc gia có thu nhập trung bình như Việt Nam, nhất là vấn đề bảo vệ lợi ích người lao động.
Còn theo các dự đoán của Liên Hợp quốc, số lượng người Việt Nam trên 65 tuổi sẽ tăng từ 6,3 triệu người hiện nay lên 18 triệu người vào năm 2040, chiếm tới hơn 18% số dân và biến Việt Nam từ một xã hội trẻ thành một xã hội già. Sự biến đổi dân số này mang đến những hậu quả khắc nghiệt, đòi hỏi phải có những hành động chính sách và thay đổi hành vi trong xã hội để giúp giảm nhẹ hậu quả. Lực lượng lao động tương lai của Việt Nam đang có nguy cơ thiếu hụt. Tỷ lệ sinh tại Việt Nam đang ở mức 1,8%. Theo tỷ lệ thường thấy ở các quốc gia khác trong khu vực, tỷ lệ này sẽ rất nhanh chóng giảm xuống còn 1,5; rồi 1,4.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước đến thời điểm 01/7/2016 ước tính là 54,44 triệu người, tăng 122,7 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2015, bao gồm: Lao động nam 28,02 triệu người, chiếm 51,5%; lao động nữ 26,42 triệu người, chiếm 48,5%. Xét theo khu vực, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị là 17,54 triệu người, chiếm 32,2%; khu vực nông thôn là 36,90 triệu người, chiếm 67,8%.
Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tại thời điểm trên ước tính 47,88 triệu người, giảm 233,2 nghìn người so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động nam 25,82 triệu người, chiếm 53,9%; lao động nữ 22,06 triệu người, chiếm 46,1%. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động khu vực thành thị là 16,02 triệu người, chiếm 33,5%; khu vực nông thôn là 31,86 triệu người, chiếm 66,5%.
Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong 6 tháng đầu năm 2016 ước tính 53,27 triệu người, bao gồm 22,32 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 41,9% tổng số lao động của cả nước; khu vực công
nghiệp và xây dựng 13,16 triệu người, chiếm 24,7%; khu vực dịch vụ 17,79 triệu người, chiếm 33,4%.
Theo Báo cáo “Điều tra Lao động việc làm Quý 3 năm 2016” của Tổng cục Thống kê, trong tổng lực lượng lao động cả nước có 53,3 triệu lao động có việc làm, hơn 824,8 nghìn lao động thiếu việc làm và lao động thất nghiệp là 1,16 triệu người. So với quý 2 năm 2016, số lao động thiếu việc làm và số lao động thất nghiệp đều tăng lên (khoảng 38,6 và 40,4 nghìn người, theo tuần tự). Lực lượng lao động lớn là nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, nhưng đồng thời cũng gây sức ép về giải quyết việc làm, thách thức lớn tới tăng NSLĐ, nhất là khi chất lượng nhân lực của nước ta vẫn còn hạn chế.
Số người thiếu việc làm phản ánh tình trạng sử dụng lãng phí năng lực sản xuất và dịch vụ của lực lượng lao động. Thông thường, tình trạng thiếu việc làm luôn là vấn đề phổ biến ở khu vực nông thôn. Theo kết quả quý 3 năm 2016, hiện có tới 84,8% lao động thiếu việc làm sinh sống ở khu vực này. Bên cạnh đó, lao động nữ thiếu việc nhiều hơn so với lao động nam, (53,2% và 46,8% và tổng số lao động thiếu việc cả nước). Trái lại, vấn đề thất nghiệp lại được quan tâm hơn ở khu vực thành thị. Mặc dù, tỷ trọng lao động thất nghiệp thành thị hiện thấp hơn, chỉ chiếm khoảng 46,1% tổng số lao động thất nghiệp cả nước (xem thêm phần 3,2 tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm).
Hiện cả nước vẫn còn trên 50% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là một nước kém phát triển và tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn vẫn trầm trọng (chiếm tỷ trọng gần 97% trong tổng số lao động thiếu việc làm chung).
Mặc dù, sự chuyển dịch cơ cấu lao động đã có tín hiệu tích cực nhưng chưa theo kịp tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và việc phân phối, sử dụng lao động trong các khu vực kinh tế mất cân đối. Cụ thể, ở khu vực ngoài nhà nước sử dụng
(trên 87%) lao động xã hội, nhưng đại bộ phận làm việc ở hộ cá thể, sản xuất nhỏ phân tán, phi chính thức với trình độ công nghệ, phương thức sản xuất lạc hậu, năng suất lao động thấp.
Ngoài ra, số liệu Quý 3 năm 2016 cũng cho thấy lao động thất nghiệp nam cũng đông hơn so với lao động nữ (chiếm 54,9% và 45,1% trong tổng số lao động thất nghiệp cả nước, theo tuần tự).
Theo vị thế việc làm - vị trí hay tình trạng của một người có việc làm trong mối quan hệ với những người khác trong đơn vị/tổ chức người đó làm việc, lao động đang làm việc ở nước ta chủ yếu là lao động tự làm và lao động gia đình có thu nhập thấp, bấp bênh, không ổn định và đang có xu hướng tăng lên (năm 2009 là 61,5%, năm 2013 là 62,7% trong tổng việc làm cả nước). Đây cũng là tỷ lệ cao so với các nước trong khu vực: Năm 2013, tỷ lệ này của Ma-lai-xi-a là 21,3%; Phi-li- pin 39,3%; In-đô-nê-xi-a 36,7%; Thái Lan 56%.
Tình trạng việc làm khu vực phi chính thức (chiếm tỷ lệ 70% trong tổng số việc làm) nhưng không được hưởng chính sách an sinh xã hội, luôn đối mặt với việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, ít được bảo vệ. Đó là cái vòng luẩn quẩn trong bức tranh chung của thị trường lao động Việt Nam: chất lượng lao động thấp dẫn đến lương thấp, năng suất lao động thấp và cuối cùng cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Nhờ phát triển mạnh mẽ hệ thống giáo dục đào tạo ở mọi miền vùng, khu vực và trong cơ sở sản xuất kinh doanh nên số người không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật ( những người không được đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học trở lên) trong số người hoạt động kinh tế thường xuyên từ 15 tuổi trở lên ngày càng giảm. Tuy nhiên, việc khai thác và sử dụng nguồn nhân lực đã qua đào tạo ở nước ta cũng chưa hiệu quả. Nếu xem xét tình trạng thất nghiệp theo trình độ chuyên môn kỹ thuật đạt được, trong Quý 3 năm 2016, có tới hơn 38,7% số lao động thất nghiệp cả nước là lao động đã qua đào tạo chuyên nghiệp hoặc nghề từ 3
tháng trở lên. Trong đó, nhóm lao động có trình độ từ đại học trở lên chiếm thị phần lớn nhất, khoảng 45,5% tổng số lao động thất nghiệp nhóm này.
Hình 1: Phân bổ phần trăm lao động thất nghiệp 15+ và thanh niên thất nghiệp đã qua đào tạo CMKT từ 3 tháng trở lên chia theo trình độ đào tạo, Quý 3 năm 2016
Đơn vị: %
Nguồn: Báo cáo LDVL Q3-2016 của Tổng Cục Thống kê
Thực trạng sức khỏe thể chất Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam hiện chỉ đạt 164,4cm, thấp hơn 13cm so với chuẩn và chiều cao trung bình của nữ Việt Nam là 153,4cm, thấp hơn 10cm so với chuẩn.
Thể lực và tầm vóc của nguồn nhân lực đã được cải thiện và từng bước được nâng cao, tuy nhiên so với các nước trong khu vực (Nhật Bản, Thái Lan, Xinh-ga- po, Trung Quốc,..) nói chung thấp hơn cả về chiều cao trung bình, sức bền, sức dẻo
dai, ví dụ so với Nhật Bản, Hàn Quốc, chiều cao trung bình của người Việt Nam kém 8cm. Người Việt Nam kém người Trung Quốc 7cm, kém Thái Lan và Singapore là khoảng 5 - 6cm.
Biểu đồ 2: Chiều cao trung bình của người Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực.
Nguồn: Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam lần thứ nhất, 2015.
Biểu đồ 2 mô tả chiều cao trung bình của nam và nữ thanh niên Việt Nam so với một số nước. Theo đó, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam là 164,4cm và nữ là 153,4cm. Trong khi đó, Hàn Quốc nam là 175,3cm và nữ là 162,6cm; Singapore nam là 170,6cm và nữ là 160,0cm; Philippin nam là 163,5cm và nữ là 151,8cm; Malaysia nam là 164,7cm và nữ là 153,3cm; Nhật Bản nam là 171,2cm và nữ là 158,8cm; Indonesia nam là 158,0cm và nữ là 147,0cm; Ấn Độ nam là 165,3cm và nữ là 155,3cm; Trung Quốc nam là 169,4cm và nữ là 158,6cm.
Báo cáo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2009 - 2010 của Bộ Y tế cho thấy, tình trạng thiếu năng lượng của thanh niên trong độ tuổi 20 - 24 là 22,9%; trong đó nam thanh niên là 17,2% và nữ thanh niên là 27,7%. Về sức bền chung và chỉ số công năng tim trong vận động, thanh thiếu niên của Việt Nam xếp loại rất kém so với thanh thiếu niên Nhật. Như vậy, tố chất thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn quốc tế. Đây là vấn đề ảnh hưởng tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Mục tiêu của đề án phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 đã đưa ra tiêu chí: Đối với nam 18 tuổi: Năm 2020 có chiều cao trung bình 167,0cm, năm 2030 là 168,5cm. Đối với nữ 18 tuổi: Năm 2020 có chiều cao trung bình là 156,0cm, đến năm 2030 là 157,5cm.