trong AEC
Trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được mở ra vào cuối năm 2015 đã khiến cho thị trường lao động trong các khu vực ký kết dần trở nên đồng nhất với nhau.Điều này có nghĩa là, trong tương lai gần, thị trường lao động sẽ không còn phân định biên giới lãnh thổ, các lao động có chuyên môn, được công nhận sẽ có cơ hội di chuyển, tìm kiếm việc làm theo khả năng, nhu cầu bản thân. AEC là một ví dụ. Các thoả thuận công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp… sẽ là những công cụ quan trọng cho việc tự do di chuyển lao động.
Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của gia nhập AEC, cũng như những cơ hội và thách thức đi kèm. Trong điều kiện đó, phát triển nguồn nhân lực được coi là một trong ba khâu đột phá của chiến lược chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời phát triển nguồn nhân lực trở thành nền tảng phát triển bền vững và tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia. Việt Nam nỗ lực để chuẩn bị hội nhập sâu rộng và đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng lợi từ quá trình đó. Trong quá trình thực thi các giải pháp để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho lao động Việt Nam, cần chú trọng thực hiện tốt các giải pháp sau:
3.2.1. Ưu tiên việc nâng cao năng suất lao động và chất lượng việc làm trong ngành nông nghiệp.
Chuyên gia về lĩnh vực lao động khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Yoshiteru Uramoto cho rằng, gần một nửa số lao động Việt Nam đang làm việc trong ngành nông nghiệp, lĩnh vực có năng suất lao động, thu nhập và điều kiện lao động còn ở mức thấp.
Việt nam là một quốc gia với sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 70%. Lao động trong ngành nông nghiệp chiếm hơn 50%.Vì vậy, nâng cao chất lượng việc làm trong ngành nông nghiệp và đa dạng hóa việc làm trong ngành sản xuất chế tạo là giải pháp then chốt để lao động Việt Nam giữ được lợi thế, mở ra nhiều cơ hội việc làm. Nâng cao năng suất lao động trong ngành nông nghiệp bao gồm đầu tư vào hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông nghiệp nhỏ có thể tham gia vào chuỗi cung ứng.
Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp nâng cao năng suất lao động và chất lượng việc làm trong ngành nông nghiệp, chúng ta cần đa dạng hóa công việc trong các ngành chế tạo mới, trong khi vẫn tiếp tục hỗ trợ ngành dệt may.
3.2.2. Đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước về phát triển nhân lực
Trong đó, cần tập trung vào việc hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nhân lực, đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý về phát triển nhân lực.
Trên buổi đối thoại trực tuyến do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào ngày 1/2015, Chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội - Lê Đức Sơn dẫn kết quả một khảo sát của Hội: 80% số DN được hỏi rất thờ ơ, không hề quan tâm đến hội nhập. Chỉ 20% và phần lớn là DN quy mô lớn quan tâm. Có tới 60% DN Việt Nam không biết gì về AEC. Do đó, cần hình thành một cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, xây dựng hệ thống thông tin về cung - cầu nhân lực trong AEC nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội. Cơ quan đó cần tổ chức tốt hơn hệ thống thông tin thị trường lao động để giới thiệu và chắp nối việc làm trong nước, giúp người lao động Việt Nam tiếp cận đến các vị trí làm việc trong nước trong thời gian ngắn nhất; đồng thời phải cung cấp được cả thông tin thị trường lao động ngoài nước để giúp người lao động Việt Nam có cơ hội tiếp cận.
Đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu một cách đầy đủ, chính xác, khách quan và minh bạch, tiến hành cung cấp kịp thời cho người lao động cũng như HSSV thông tin về đào tạo, nhân lực, việc làm và chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, của các bộ ngành, địa phương…
Phải tăng cường và nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu lao động; làm cơ sở cho đổi mới công tác kế hoạch hóa giáo dục và đào tạo, kể cả đào tạo nghề để chuẩn bị nguồn nhân lực được đào tạo, hợp lý cả về số lượng, cơ cấu và kỹ năng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cần nâng cao năng lực của các trung tâm dịch vụ việc làm, ít nhất là ở chỗ đánh giá các yêu cầu của các vị trí cần tuyển, thương lượng với người sử dụng lao động để đảm bảo các yêu cầu đạt ra là thực sự cần thiết, đúng với yêu cầu của vị trí
việc làm, hạn chế tình trạng DN đặt yêu cầu quá cao nhằm tuyển dụng lao động nước ngoài.
Đổi mới các chính sách, cơ chế, công cụ phát triển nhân lực (bao gồm các nội dung về môi trường làm việc, chính sách việc làm, thu nhập, bảo hiểm, bảo trợ xã hội, điều kiện nhà ở và các điều kiện sinh sống, định cư, chú ý các chính sách đối với bộ phận nhân lực chất lượng cao, nhân tài). Có thể thấy, AEC sẽ góp phần đẩy mạnh dịch chuyển cơ cấu kinh tế, tạo ra nhu cầu mới cho một số ngành nghề và giảm đối với ngành nghề khác. Vì vậy, mở rộng độ bao phủ của bảo trợ xã hội như chương trình bảo hiểm thất nghiệp quốc gia sẽ giảm thiểu chi phí của quá trình chuyển dịch cơ cấu và tạo điều kiện cho lao động di chuyển sang các ngành nghề có năng suất cao hơn.
Cải tiến và tăng cường sự phối hợp giữa các cấp các ngành, các chủ thể tham gia phát triển nhân lực: Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà trường và người lao động. Những định hướng và chính sách của Nhà nước liên quan đến nguồn nhân lực phải có sự thống nhất, xuyên suốt và người lao động phải nắm rõ những chủ trương, chính sách đó, đồng thời cần có những định hướng sử dụng, đánh giá, phản hồi từ phía các nhà tuyển dụng. Nhà trường cần gắn liền mục tiêu đào tạo với thực tiễn sử dụng lao động của phía doanh nghiệp.
3.2.3. Bảo đảm nguồn lực tài chính cho phát triển nhân lực
Ngân sách nhà nước là nguồn lực chủ yếu để phát triển nhân lực quốc gia đến năm 2020. Việc cần thực hiện trước nhất là tăng cường đầu tư và tám ngành nghề thỏa thuận tự do di chuyển trong AEC. Đồng thời, cần nghiên cứu, dự báo những ngành nghề sẽ được tiếp tục bổ sung trong tương lai để đầu tư mang tính đón đầu ngay từ bây giờ với nguồn nhân lực.
Tăng đầu tư phát triển nhân lực cả về giá trị tuyệt đối và tỷ trọng trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Cần xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước theo hướng tập trung chi để thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án đào tạo theo
mục tiêu ưu tiên và thực hiện công bằng xã hội (hỗ trợ đào tạo, phát triển nhân lực ở các vùng sâu, vùng xa, cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách,…). Nghiên cứu đổi mới cơ chế phân bổ và hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước cho phát triển nhân lực từ hỗ trợ cho các đơn vị cung ứng sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng và bảo đảm công bằng giữa các cơ sở công lập và ngoài công lập.
Đẩy mạnh xã hội hoá để tăng cường huy động các nguồn vốn cho phát triển nhân lực. Nhà nước có cơ chế, chính sách để huy động các nguồn vốn của người dân đầu tư và đóng góp cho phát triển nhân lực bằng các hình thức: Trực tiếp đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo, cơ sở y tế, văn hoá, thể dục thể thao; Góp vốn, mua công trái, hình thành các quỹ hỗ trợ phát triển nhân lực.
Cần quy định trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự phát triển nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế, chính sách mạnh để doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tăng đầu tư phát triển nhân lực nói chung và đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề nói riêng.
Mở rộng các hình thức tín dụng ưu đãi cho các cơ sở giáo dục, đào tạo và cho học sinh, sinh viên để học nghề, học đại học, cao đẳng, hỗ trợ người lao động học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ.
Đẩy mạnh và tạo cơ chế phù hợp để thu hút các nguồn vốn nước ngoài cho phát triển nhân lực Việt Nam; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của nước ngoài hỗ trợ phát triển nhân lực (ODA); thu hút đầu tư trực tiếp (FDI) của nước ngoài cho phát triển nhân lực (đầu tư trực tiếp xây dựng các cơ sở giáo dục, đào tạo, bệnh viện, trung tâm thể thao..).
3.2.4.Đổi mới giáo dục và đào tạo
Đây là nhiệm vụ then chốt, giải pháp chủ yếu để phát triển nhân lực Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến 2020 và những thời kỳ tiếp theo. Cần quán triệt và triển khai quyết liệt Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04-11-2013 của Hội nghị Trung ương 8 khoá XI và Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09-6-2014 của Chính phủ
ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29- NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trước mắt, cần tập trung vào một số nội dung sau đây:
- Hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, hội nhập, thúc đẩy phân tầng, phân luồng, khuyến khích học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Tổ chức lại mạng lưới giáo dục đào tạo, sắp xếp lại hệ thống giáo dục quốc dân cả ở quy mô đào tạo, cơ cấu ngành nghề, cơ sở đào tạo, quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vùng, miền và địa phương. Thực hiện phân tầng giáo dục đại học.
Chỉ thị số 10-CT/T.Ư ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ: “Đến năm 2020 phấn đấu có ít nhất 30% số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề”. Nhưng thực tế hiện nay, chỉ có khoảng 3,5% số học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề, rất thấp so với mục tiêu đề ra.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Dương Đức Lân, một năm có khoảng 1,5 triệu học sinh tốt nghiệp THCS, nếu chúng ta thực hiện tốt Chỉ thị số 10 thì có khoảng 450 nghìn học sinh tham gia học nghề; chưa kể số học sinh THPT sau này cũng vào các trường nghề; với khoảng 700 đến 800 nghìn lao động có tay nghề, sẽ dần cải thiện và tạo ra một cơ cấu lao động hợp lý. Bởi xét về cơ cấu, thị trường lao động ở Việt Nam chỉ cần khoảng 15% số người tốt nghiệp ĐH; 40% số người có kỹ năng nghề trình độ trung cấp và CĐ; 40 đến 45% số lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Để làm được điều này, vấn đề phân luồng không phải chỉ theo mệnh lệnh hành chính. Chúng ta cần tạo ra các “rào cản kỹ thuật”, định hướng những học sinh có năng lực thì học tiếp THPT và ĐH, còn lại nên hướng vào giáo dục nghề nghiệp. Điều này cho thấy đã đến lúc cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong quyết tâm thực hiện Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư.
Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề phân luồng, cần làm tốt hướng nghiệp cho học sinh, cân nhắc, lựa chọn nghề học phù hợp với khả năng và sở thích của mình. Mặt khác, cùng với những chính sách ưu tiên của Chính phủ, tùy theo điều kiện cụ thể của mình, các địa phương cần có cơ chế khuyến khích học sinh theo học nghề. Quan trọng hơn, là việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các trường dạy nghề, nhất là sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp, để học sinh ra trường có việc làm ngay…
- Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, khung chương trình đào tạo ở bậc đại học và giáo dục nghề nghiệp theo hướng phát huy tư duy sáng tạo, năng lực tự học, tự nghiên cứu, đảm bảo liên thông giữa các bậc học, cấp học, giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Nội dung đào tạo nhân lực cần được xây dựng theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, nhất là kỹ năng thực hành và làm việc theo nhóm. Tăng cường giáo dục tác phong làm việc chuyên nghiệp, phẩm chất đạo đức để hình thành năng lực nghề nghiệp, nhân cách cho người học. Đa dạng hoá các phương thức đào tạo. Có cơ chế để tổ chức, cá nhân người sử dụng lao động tham gia xây dựng, điều chỉnh, thực hiện chương trình đào tạo và đánh giá năng lực người học.
- Đổi mới phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp học, bậc học. Cải cách mục tiêu, nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Từng bước áp dụng kiểm định, đánh giá theo kết quả đầu ra của giáo dục và đào tạo.
- Đặc biệt chú trọng việc tổ chức sắp xếp lại và hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với các trường sư phạm trên phạm vi cả nước.
- Đổi mới chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ vào giáo dục và đào tạo. Có chế độ ưu đãi và hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với giáo viên và cán
bộ quản lý đào tạo nhân lực có tay nghề cao tùy theo tính chất công việc, năng lực, theo vùng.
- Đồng thời, có chế độ và chính sách phù hợp để thu hút sinh viên học và sau khi tốt nghiệp yên tâm làm việc trong các ngành kinh tế, xã hội tại các vùng miền nhà nước đang có nhu cầu.
- Chú trọng những nghề trọng điểm cấp độ khu vực, quốc tế; có chính sách khuyến khích nghệ nhân ở các làng nghề tích cực tham gia đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực có tay nghề cao.
- Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội, kêu gọi đầu tư nước ngoài nhằm xây dựng một số trường đại học, cao đẳng và dạy nghề đạt chuẩn quốc tế. Thu hút các trường đại học, dạy nghề có đẳng cấp quốc tế vào Việt Nam hoạt động.
- Tăng cường dạy và bồi dưỡng ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh), văn hoá thế giới, kỹ năng thích ứng trong môi trường cạnh tranh quốc tế cho người Việt Nam.
- Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà giáo, nhà khoa học có tài năng và kinh nghiệm của nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực đại học và nghiên cứu khoa học, công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
- Tiến hành phát hiện, bồi dưỡng, tuyển dụng, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài, phải vừa khai thác được chất xám của họ trong nghiên cứu, chế tạo, ứng dụng thành quả nghiên cứu, vừa khuyến khích họ tranh thủ học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng; từ đó, xây dựng đội ngũ cán bộ đầu ngành, chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực, tổ chức, doanh nghiệp.
3.2.5. Nâng cao thể trạng và sức khỏe đối với nguồn nhân lực Việt Nam
Thể trạng và sức khỏe tốt là một trong những thế mạnh của nguồn nhân lực và là yếu tố không thể thiếu để hoàn thành công việc. Việt Nam là một quốc gia có