Tổng quan về năng lực cạnh tranh của ngành lúa gạo Việt Nam

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng gạo việt nam (Trang 26 - 31)

2.1.1. Lịch sử phát triển và đặc điểm của gạo Việt Nam

Đã có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học về nguồn gốc của cây lúa. Các ý kiến của các nhà khoa học đều có tính chất chung nhất là cho rằng cây lúa trồng có nguồn gốc ở Đông Nam Á. Coopeland E. B, Kirichenko K.S và nhiều tác giả có những ý kiến cụ thể hơn về khả năng là Ấn Độ, Miến Điện và Việt Nam là những nơi đã xuất hiện nghề trồng lúa đầu tiên của loài người. Người ta còn cho rằng chính nền nông nghiệp của vùng phía đông bán đảo Đông Dương, từ thung lũng sông Menam tới thung lũng sông Hồng, bắt đầu cùng với những cây họ đậu, cây lúa trồng đã xuất hiện sớm hơn và cây lúa trồng cũng có thể được biết đến khá sớm, vào khoảng 5000-4000 năm trước công nguyên. Những phát hiện và khai quật khảo cổ học đã khẳng định người nguyên thủy đã sinh sống trong vùng đất ngày nay là đất nước Việt Nam từ đầu thời đá cũ cách đây khoảng vài chục vạn năm. Bằng kinh nghiệm hái lượm và trồng tỉa phong phú của mình, trên cơ sở nắm thành thạo kĩ thuật làm đá và những hiểu biết đầu tiên về kĩ thuật đúc đồng, người xưa thường công sức vào khai thác, tái tạo, mở rộng một loài hoa thảo có ích: cây lúa và từ đó cây lúa đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như người đồng hành của dân tộc này.

Gạo là sản phẩm từ cây lúa và nằm trong một quá trình sản xuất nông nghiệp, thường bao gồm những khâu chính sau: làm đất, chọn thóc giống, gieo hạt, ươm mạ, cấy, chăm bón (bón phân, đổ nước), gặt và xay xát. Gạo là nguồn thu nhập và cuộc sống của hàng triệu nông dân trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam, sản xuất lúa gạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Khoảng 80% trong tổng số 11 triệu hộ nông dân Việt Nam tham gia sản xuất lúa gạo, chủ yếu dựa vào phương thức canh tác thủ công truyền thống. Do sản xuất lúa gạo là nguồn thu nhập và cung cấp lương thực chính của các hộ nông dân, các xí nghiệp, nông trại cũng như cho cả đất nước nên chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn luôn gắn liền với chính sách phát triển ngành hàng lúa gạo. Trong gần ba thập kỷ qua nhờ có đổi mới cơ chế quản lý, Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn trong sản xuất lúa gạo, không những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà hàng năm còn xuất khẩu được 3-4 triệu tấn gạo, năng suất bình quân cao hơn nhiều so với các nước xuất khẩu gạo khác như Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan. Kết quả đạt được này là do sự tăng năng suất đất đai và thâm canh sản xuất.

2.1.2. Những nhân tố ảnh hưởng tớinăng lực cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam

2.1.2.1. Về nguồn lực tự nhiên

Về đất đai: Nước ta có tổng diện tích tự nhiên là trên 33,1 triệu ha, trong

đó có khoảng 4,1 triệu ha đất đang được sử dụng để trồng lúa. Diện tích đất có khả năng làm nông nghiệp ở nước ta có trên 10 triệu ha, trong đó đất có khả năng trồng lúa khoảng 8,5 triệu ha. Như vậy quỹ đất chưa sử dụng vẫn còn rất lớn. Các quốc gia khác như Thái Lan với diện tích có khả năng trồng lúa là hơn 11 triệu ha, trong đó đã sử dụng cho trồng lúa là 9,6 triệu ha; Pakistan với tổng diện tích đất trồng lúa là 5,3 triệu ha, sử dụng khoảng 3,4 triệu ha; quỹ đất dành cho trồng lúa của Ấn Độ còn lại khoảng 2,4 triệu ha. Một số nước khác như Philipine, Indonesia, hay Ấn Độ do tốc độ tăng dân số nhanh, nguồn lực đất khan hiếm, diện tích canh tác lúa phải cạnh tranh với các diện tích đất trồng các cây lương thực thay thế khác và đất sử dụng cho phi nông nghiệp nên diện tích đất lúa khó có thể mở rộng. Như vậy, so với

các quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, khả năng mở rộng diện tích đất canh tác trồng lúa của Việt Nam còn tương đối cao. Không những thế, đất ở Việt Nam rất đa dạng, có độ phì cao, thuận lợi cho phát triển nông. Điển hình là ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vựa lúa lớn nhất Việt Nam: do phù sa thượng nguồn của sông Đồng Nai, Cửu Long và nước biển bồi đắp cho nên đất đai ở đây thấp, bằng phẳng, nhiều sông rạch và rất phì nhiêu. Đây là vùng có điều kiện thuận lợi để chuyên môn hóa sản xuất lúa để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên thị trường thế giới. Như vậy, nguồn tài nguyên đất đai phong phú, màu mỡ mà không phải quốc gia nào cũng có được là một trong những yếu tố quan trọng, mang tính quyết định giúp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về lúa gạo so với các nước khác trên thế giới.

Về khí hậu: Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, khá thuận lợi

cho sản xuất lúa gạo. Nước ta nằm trong khu vực có độ ẩm không khí cao khoảng 80%, nhiệt độ thường xuyên trên 20 độ C, khí hậu ấm áp, số giờ nắng trong năm đạt trung bình 1200h/ năm và tập trung mạnh vào thời kì làm hạt của lúa, góp phần cho năng suất cao. Lượng mưa hàng năm lớn, trung bình 1500 –2000 mm, hệ thống nước ngầm có trữ lượng lớn, hệ thống sông ngòi dày đặc...đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho hàng triệu ha lúa.

Ngoài ra, Việt Nam còn có 7 vùng sinh thái khác nhau, mỗi vùng có đặc thù và thế mạnh riêng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt có nhiều tiểu vùng “sinh thái –khí hậu đặc thù” cho phép phát triển một số cây lúa đặc sản có giá trị xuất khẩu cao mà ít nơi có được. Ví dụ: vùng Tây sông Hậu và tứ giác Long Xuyên cho phép áp dụng các giống lúa thâm canh cao như giống OM2517, OM4498.

2.1.2.2. Về kỹ thuật và công nghệ sản xuất

Sự tiến bộ vượt bậc trong khoa học công nghệ sinh học đã tạo ra được những giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, chất lượng tốt, đồng thời chịu đựng được các điều kiện khắc nghiệt do thiên nhiên tạo ra.

Về giống cây trồng, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - Trần Văn Tùng, Việt Nam đã sản xuất lúa gạo rất nhiều năm, nhưng chưa có một hệ thống lộ trình sản xuất, cơ sở dữ liệu, chưa được xây dựng thành hệ thống, nên trước mắt bản đồ công nghệ sẽ là cơ sở lý thuyết, bước đầu để hoàn thiện dần lộ trình đổi mới công nghệ trong sản xuất lúa gạo là ngành rất quan trọng của Việt Nam. Chương trình “Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020” cũng đã chủ động lựa chọn, giao cho các đơn vị

tiến hành xây dựng một chuỗi các nhiệm vụ liên quan từ việc hoàn thiện quy trình, phương pháp xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ trong lĩnh vực chọn tạo giống lúa và sản xuất lúa gạo; trong đó nhấn mạnh việc tập trung nghiên cứu chọn tạo giống lúa thuần chống chịu mặn, hạn thích nghi với điều kiện canh tác lúa vùng nhiễm mặn. Ngoài ra, công nghệ sau thu hoạch cũng được chú trọng để giảm thiểu thất thoát, từ công nghệ trồng, chăm bón, thu hoạch đến chế biến, bảo quản.

2.1.2.3. Về công nghệ chế biến và bảo quản

Trình độ công nghệ chế biến càng cao, quy mô công nghệ chế biến càng mở rộng thì khối lượng hàng nông sản qua chế biến càng nhiều. Trong chế biến lúa gạo, nhờ có trình độ kỹ thuật ngày càng cao mà quy trình công nghệ càng hiện đại: áp dụng máy làm sạch lúa gạo, sử dụng sơ đồ công nghệ làm sạch , sử dụng các loại máy phân ly, máy từ tính từ đó khiến cho năng suất và chất lượng gạo Việt Nam tăng nhanh. Trình độ công nghệ và quy mô của khu vực công nghệ chế biến phụ thuộc lớn vào các chính sách kinh tế của đất nước. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không bị ràng buộc về điều kiện năng lực vốn, bảo đảm vùng nguyên liệu, quy mô kho bãi tồn trữ, quy mô trang thiết bị xay xát chế biến. Về mặt kỹ thuật, quy trình chế biến gạo dựa trên dự trữ gạo nguyên liệu, sau đó phối trộn, lau bóng, sấy và phân cấp theo hợp đồng của hệ thống thu mua - chế biến - thương mại nay đã chuyển sang quy trình chế biến dựa trên khoa học kĩ thuật và nguồn lực tự nhiên, bên cạnh quy trình chế biến cổ truyền.

So với Thái Lan và Nhật Bản, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lúa của chúng ta thuộc loại cao, chiếm 13-16% (của Thái Lan khoảng 7-10%, của Nhật Bản là 3,9-5,6%), trong đó 3 khâu tổn thất lớn nhất là phơi sấy, bảo quản và xay xát chiếm tới 68-70% tổng số hao hụt. Do không đủ thiết bị phơi sấy, tình trạng lúa bị nảy mầm, bốc nóng, mốc khá phổ biến . Có tới trên 80% lượng thóc được xay xát bởi những nhà máy nhỏ của tư nhân không được trang bị đồng bộ về sân phơi, lò sấy và kho chứa. Hoạt động của các nhà máy loại này chủ yếu dưới dạng gia công chế biến cho các doanh nghiệp Nhà nước, phục vụ nhu cầu trong nước.

2.1.2.4. Về phong tục, tập quán của người tiêu dùng

Đối với việc tiêu dùng mặt hàng gạo, ngoài việc thoả mãn nhu cầu tiêu dùng về mặt chất, còn chịu ảnh hưởng lớn của yếu tố phong tục, tập quán của người tiêu dùng. Châu Á là nơi sản xuất và cũng là nơi tiêu thụ khoảng 90% lượng gạo toàn thế giới. Các nước coi gạo là lương thực chính gồm : Trung Quốc, Ấn Độ, Philipine, Indonesia, Malaysia, Iraq, Iran, Nigeria,..

Hơn nữa, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tiêu dùng gạo ít hơn nhưng đòi hỏi chất lượng cao hơn, có nguồn gốc xuất xứ, được đóng gói và đảm bảo an toàn thực phẩm. Họ cũng ngày càng có nhiều sự lựa chọn hơn, bên cạnh các sản phẩm gạo trong nước thì gần đây, người tiêu dùng đã tiêu thụ nhiều hơn các loại gạo chất lượng cao nhập khẩu từ Thái Lan, Đài Loan, Lào, Campuchia. Do đó Việt Nam đã xây dựng các kênh phân phối hiện đại, hiệu quả để tạo chỗ đứng vững chắc cho thị trường gạo Việt Nam trước nguy cơ thâm nhập ngày càng cao của các loại gạo nhập khẩu; hình thành các trung tâm, chợ bán buôn tại vùng chuyên canh, đô thị lớn, có phương tiện để phân loại gạo đưa vào các phân khúc thị trường khác nhau.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng gạo việt nam (Trang 26 - 31)