gạo Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế
Trong giai đoạn tới, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn tiếp tục đóng vai trò là một ngành kinh tế chủ lực, góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế đất nước. Để thực hiện tốt vai trò này, ngành lúa gạo Việt Nam không những vừa phải đạt tốc độ tăng trưởng cao, mà còn phải phát triển ổn định, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Để góp phần nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng gạo trong điều kiện hội
nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp sau:
3.3.1. Những giải pháp về phía Nhà nước
3.3.1.1. Quy hoạch vùng sản xuất lúa gạo
Qua phân tích những điểm yếu trong việc sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam chúng ta thấy nổi lên rất nhiều vấn đề như gạo chất lượng chưa cao do sử dụng nhiều loại giống, thêm vào đó là khó khăn trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất,... Chính vì vậy việc quy hoạch vùng sản xuất lúa gạo đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của gạo cũng như khả năng cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam. Trong nền kinh tế, việc thực hiện quy hoạch vùng sản xuất lúa gạo là cần thiết vì:
Trước hết, đó là yêu cầu phải đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới về số lượng, chủng loại gạo, tránh được tình trạng không đủ hoặc dư thừa một loại gạo nào đó so với nhu cầu. Tình trạng tự phát trong bố trí sản xuất, không nắm được tổng thể các thông tin về thị trường nên có loại gạo thì sản xuất thừa, có loại thì thiếu làm giảm hiệu quả kinh tế của sản xuất và xuất khẩu gạo. Việc quy hoạch các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu là căn cứ quan trọng để chủ động tạo nguồn hàng làm cơ sở để ký kết hợp đồng xuất khẩu đáp ứng tốt nhu cầu của từng thị trường cụ thể. Căn cứ vào quy hoạch, Nhà nước có thể kế hoạch hoá được các hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo. Có thể nói quy hoạch vùng sản xuất gạo xuất khẩu là một trong những điều kiện quan trọng để thích ứng tốt nhất với thị trường nước ngoài về số lượng và đặc biệt là chất lượng, công cụ cạnh tranh số một nhằm nâng cao chữ tín với khách hàng quốc tế. Việc quy hoạch vùng sản xuất gạo xuất khẩu phải đảm bảo cho sản phẩm đầu ra tiêu thụ được nhanh chóng với mức giá có lợi. Đó là điều quan trọng có tính quyết định cho việc thực thi các phương án quy hoạch đã được xây dựng. Thực tế chúng ta đã có những bài học không thành công về vùng chuyên canh đã được quy
hoạch trong thời kỳ quy hoạch hoá tập trung. Một trong nhiều nguyên nhân của tình trạng đó là do lợi ích của nông dân trong vùng không được đảm bảo thoả đáng. Trong nền kinh tế thị trường, các phương án quy hoạch dù hay đến mấy cũng không trở thành hiện thực nếu lợi ích người sản xuất không được chú trọng.
Về hướng tiến hành quy hoạch vùng sản xuất gạo xuất khẩu nên đi theo một số hướng cụ thể:
- Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Đây là vùng lúa trọng điểm số một của nước ta. Trong tương lai, đây vẫn là vùng sản xuất gạo xuất khẩu chủ yếu. Vùng này nên quy hoạch phát triển sản xuất các loại lúa có chất lượng tốt, khối lượng xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, dù sản xuất gạo loại nào đều phải phấn đấu về mặt chất lượng. Để nâng cao phẩm chất gạo xuất khẩu cần chú ý quy hoạch đồng bộ cơ sở hạ tầng từ sản xuất đến chế biến lúa gạo. Ngoài ra nên tiến hành việc khu vực hoá một số giống lúa chất lượng cao có thể nhập nội. Từng bước tăng dần tỷ lệ gạo xuất khẩu và một phần lúa gạo đặc sản như Nàng Hương, Chợ Đào,… trong cơ cấu gạo xuất khẩu ở vùng này.
- Đối với vùng Đồng bằng sông Hồng: Đây là vùng lúa trọng điểm thứ hai của nước ta. Tuy nhiên, vùng này có những mặt hạn chế về số lượng gạo xuất khẩu do đất chật người đông, đất canh tác lúa không được bổ sung độ phì nhiêu tự nhiên hàng năm. Nhưng vùng này lại có những ưu thế về chất đất, nguồn nước như một số giống lúa Tám thơm, lúa Dự,… đó là những sản phẩm có thể nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường thế giới, trước hết là những nước phát triển như Bắc Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản,… Đồng thời đó cũng là loại gạo có thể thu được lượng ngoại tệ khá cao trên một đơn vị diện tích.
- Đối với những vùng khác: Nhìn chung những vùng này không có nhiều
lương thực. Đối với những vùng này cần cố gắng phấn đấu sản xuất để có thể tự túc được nhu cầu lương thực, góp phần tích cực đảm bảo bền vững yêu cầu an ninh lương thực quốc gia.
3.3.1.2. Hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích sản xuất và xuất khẩu gạo
Qua phân tích kinh nghiệm của Thái Lan trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu nói chung và mặt hàng gạo xuất khẩu nói riêng, Việt Nam cần hoàn thiện các chính sách khuyến khích sản xuất và xuất khẩu gạo. Từ đó nâng cao được năng lực cạnh tranh của mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
* Chính sách khuyến khích sản xuất lúa gạo
- Nhất quán chính sách khuyến khích nhiều thành phần kinh tế trong sản xuất và xuất khẩu gạo: Đây là một trong các chính sách có tác dụng to lớn trong việc khai thác mọi tiềm năng để phát triển kinh tế, đặc biệt là trong sản xuất lúa gạo. Trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, cần có nhiều thành phần kinh tế tham gia nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh thích ứng linh hoạt với thị trường thế giới. Điều quan trọng để công tác xuất khẩu gạo đi vào nền nếp là tăng cường khâu quản lý của Nhà nước theo luật định trong hoạt động này. Dù doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân đều phải kinh doanh theo đúng luật định.
- Hoàn thiện chính sách ruộng đất: Trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, chính sách ruộng đất thời gian qua đã trực tiếp tạo ra động lực mới ở nông thôn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc, nhiều sự thay đổi trong sử dụng đất đai vẫn còn nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà nước.
- Chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp: Cần được cụ thể hoá và vận dụng phù hợp chính sách này nhằm mục tiêu chủ yếu là khuyến khích mọi thành phần kinh tế khai thác tối đa tiềm năng sản xuất thâm canh. Cần nghiên
cứu cụ thể và chặt chẽ về việc chuyển thuế nông nghiệp sang thuế sử dụng đất.
* Chính sách thu mua lương thực
- Về thu mua tạm trữ: Các địa phương cần tiếp tục triển khai xây dựng kho tạm trữ lúa ngay tại địa phương, giúp nông dân không bị ép buộc phải bán ngay sau khi thu hoạch làm nguồn tăng đột biến trên thị trường gây sụt giá, ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân và tiến độ xuất khẩu trong năm. - Về dự trữ lương thực: Nhà nước có quỹ dự trữ quốc gia để giải quyết đề phòng bất trắc lớn về lương thực (thiên tai, chiến tranh,…). Trong hoạt động lưu thông vào các thời kỳ giáp hạt hoặc do tác động của thời tiết, yếu tố tâm lý làm xảy ra những biến động giá cục bộ đòi hỏi phải có lực lượng dự trữ cơ động, kịp thời đưa ra thị trường để bình ổn cung cầu và giá cả.
* Chính sách giá
Nhà nước cần ban hành chính sách bảo trợ giá lương thực (thóc, gạo) làm cơ sở cho việc ổn định cung cấp lương thực. Trong đó “giá sàn”, “giá trần” được tính bình quân cả nước, chỉ đạo cụ thể từng vùng trọng điểm được công bố hàng năm theo hệ thống tài chính – giá cả của Nhà nước. Khi có biến động trên giá trần và giá sàn, Nhà nước nên bình ổn giá bằng nguồn tài chính, nguồn dự trữ lương thực nhằm bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất, tiêu dùng.
Nhà nước cần duy trì Quỹ bình ổn giá (Quỹ hỗ trợ xuất khẩu) để tham gia bình ổn thị trường, bảo vệ lợi ích cho người sản xuất, nhà kinh doanh và người tiêu dùng.
Đối với thị trường lúa gạo, Nhà nước có thể sử dụng quỹ này để hỗ trợ trong các trường hợp sau:
- Khi thóc hàng hoá bị chậm tiêu thụ làm giá thấp hơn giá sàn, Nhà nước cho trích quỹ hỗ trợ một phần lãi suất cho một số vốn vay để mua lúa hàng hoá chậm tiêu thụ cho xuất khẩu và điều hoà trong nước.
- Khi có yêu cầu khẩn trương vận chuyển điều hoà gạo từ Nam ra Bắc và trong trường hợp chênh lệch giá giữa hai miền không đủ bù đắp chi phí, Nhà nước cho trích quỹ bình ổn giá để hỗ trợ cước phí vận chuyển cho số gạo đưa ra theo kế hoạch.
- Trong trường hợp cần thiết Nhà nước cũng cho trích quỹ bình ổn giá hỗ trợ cước vận chuyển cho kế hoạch đưa gạo ở các tỉnh miền xuôi lên miền núi, các vùng sâu vùng xa.
Tất cả các trường hợp hỗ trợ từ quỹ bình ổn nói trên đều được thực hiện thông qua hệ thống quốc doanh lương thực, không giao cho các thành phần kinh tế khác và tư thương.
* Chính sách thuế
- Đổi mới chính sách tài chính tín dụng theo hướng ưu đãi nhiều hơn cho nông dân và các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo. Có biện pháp tránh đánh thuế trùng lặp nhiều lần, vì như vậy sẽ làm tăng giá thành gạo từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng.
- Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong kinh doanh lương thực để doanh nghiệp có điều kiện bù đắp những rủi ro thua lỗ và bảo toàn vốn.
- Miễn thuế doanh thu cho các hoạt động kinh doanh lương thực phục vụ các địa bàn miền núi, các vùng xa xôi hẻo lánh.
3.3.1.3. Hoàn thiện hệ thống thông tin và biện pháp thích ứng với sự thay đổi của thị trường thế giới
* Hoàn thiện hệ thống thông tin về thị trường thế giới
Đây cũng là một yếu tố hết sức quan trọng, quyết định sự thành công của các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu. Việc nắm bắt kịp thời các thông tin về nhu cầu, giá cả trên thị trường giúp cho doanh nghiệp có các biện pháp, kế hoạch thu mua, găm hàng hay tung hàng ra thị trường một cách hợp lý.
Hiện nay việc tiếp cận thông tin của các tổ chức và các doanh nghiệp về thị trường gạo thế giới còn rất hạn chế, thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác, mất tính thời sự. Để khắc phục điều đó cần thực hiện các giải pháp sau: - Tổ chức một số điểm thu thập tin tức ở nước ngoài và trao đổi thông tin về diễn biến của cung cầu, giá cả và quan hệ giao dịch đáng chú ý của thị trường gạo thế giới.
- Khi có thông tin cần cập nhật nhanh cho các doanh nghiệp những thông tin cần thiết, đồng thời các cơ quan điều hành cũng cần ra các quyết định vĩ mô kịp thời nhằm điều chỉnh quan hệ cung cầu, giá cả nhanh chóng phù hợp với yêu cầu thị trường, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho đất nước. - Cần thiết lập một hệ thống thông tin thường xuyên với các doanh nghiệp kinh doanh gạo trong nước nhằm nắm vững hệ thống thông tin về sản lượng sản xuất, tồn kho gạo, biến động giá cả, tình hình lưu thông tiêu thụ gạo nội địa và xuất khẩu để từ đó có chính sách lưu thông và xuất khẩu gạo một cách hợp lý.
* Thực hiện các biện pháp thích ứng với thị trường trong xuất khẩu gạo Thị trường tiêu thụ gạo hiện nay nhìn chung chưa ổn định về khách hàng và lượng hàng. Thực tế một số nước nhập khẩu gạo cũng là những nước sản xuất nhưng chưa tự túc được lương thực. Để đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội của sản xuất và xuất khẩu gạo cần nâng cao khả năng thích ứng với những biến động của thị trường thế giới. Để làm được như vậy cần phải: - Kết hợp chuyên môn hoá và đa dạng hoá các doanh nghiệp xuất khẩu về loại hình, về quy mô doanh nghiệp.
- Các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo cần xác định cụ thể hình thức, phương thức xuất khẩu gạo như thế nào? bao nhiêu? ở đâu? loại gì? dự tính những rủi ro gặp phải và cách thức phòng ngừa.
Có thể xây dựng chiến lược thâm nhập và phát triển thị trường dựa trên việc phân loại những mức nhập khẩu gạo thường xuyên theo các nhóm nước, chia làm 3 loại:
- Nhóm các nước sử dụng gạo là lương thực chính, song do điều kiện sản xuất khó khăn, chi phí cao, hiệu quả thấp họ sản xuất ở mức nhất định còn lại phải nhập khẩu lúa gạo như Hồng Kông, Malaisia, Singapore,… nhu cầu khá ổn định song chủ yếu nhập khẩu gạo có chất lượng cao trong tổng lượng cần nhập.
- Nhóm các nước mà lúa gạo không phải lương thực chính song ở những nước này có lượng người nhập cư khá đông và có nguồn gốc từ các nước sử dụng lúa gạo là lương thực chính như: Châu Âu, Canada, Nga,… nhu cầu nhập khẩu khá ổn định, mỗi nước khoảng vài trăm ngàn tấn và chủ yếu là gạo cao cấp.
- Nhóm các nước do kinh tế suy thoái, chính trị bất ổn định, thời tiết bất thuận kéo dài có nhu cầu nhập khẩu gạo thường xuyên, nhu cầu lớn, khả năng thanh toán hạn chế, nên thực tế nhập khẩu thấp hơn nhu cầu, gồm các nước: Irắc, Afganistan, Châu Phi,… Gạo xuất khẩu vào khu vực này thường là loại gạo có chất lượng trung bình và thấp, chủ yếu qua con đường viện trợ và cứu tế nhân đạo hoặc phải thông qua cấp tín dụng, trả chậm trong thời hạn nhất định.
Trong thời gian tới, cần tăng tỷ trọng gạo đặc sản chất lượng cao trong xuất khẩu. Nên coi đó là một phương sách để mở rộng thị trường tiêu thụ các loại gạo thường, đồng thời giữ vững một số thị trường như Malaisia, Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc. Theo dõi chặt chẽ nguồn cung của các nước Châu Á, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bổ sung của khu vực này, nhất là vào thị trường Inđônesia và Philipine. Nắm vững đặc điểm của từng loại thị trường, có biện pháp tiếp thị thâm nhập thị trường cụ thể về chủng loại, chất lượng bao bì, hợp tác với các nước Tây Âu và các tổ chức quốc tế để tranh
thủ bán gạo theo các chương trình viện trợ cho Châu Phi. Giải pháp này cần được coi như một trong các phương sách để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo. Cần xây dựng một nền văn hoá kinh doanh trên cơ sở hiểu biết, tin cậy và cùng có lợi. Cần làm tốt các khâu dịch vụ trước và sau khi xuất khẩu, tạo ra uy tín trong thương mại quốc tế, từng bước tạo ra thói quen ưa chuộng mua hàng Việt Nam, do đó đẩy mạnh được xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường.
3.3.2. Nhóm giải pháp đối với doanh nghiệp
3.3.2.1. Hoàn thiện tổ chức quản lý sản xuất trong các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo
Các doanh nghiệp cần phải tổ chức tốt mạng lưới thu mua nông sản chuẩn bị chu đáo cho xuất khẩu. Khác với những sản phẩm công nghiệp, việc sản xuất lúa gạo diễn ra trên diện tích rộng lớn. Vì vậy đòi hỏi các doanh nghiệp phải có mạng lưới thu mua gạo rộng khắp, kịp thời. Các doanh nghiệp cần phải mở rộng tổ chức việc thu mua lúa gạo tại cơ sở (trực tiếp hoặc qua đại lý) và chế biến thành gạo xuất khẩu, chấm dứt việc khoán cho các tư thương. Phải thực hiện tốt việc mua lúa gạo của nông dân lúc thời vụ