7. Kết cấu luận văn
3.2.3. Nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch và quản lý nhà nước về sử dụng đất
đất đai thuộc các cơ sở tôn giáo
Nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai thuộc các cơ sở tôn giáo:
Nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch SDĐ của CSTG trên địa bàn tỉnh dựa trên chiến lược tổng thể đất đai, chiến lược phát triển KT-XH bền vững của tỉnh và phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, đồng thời, phối hợp đồng bộ ba loại quy hoạch là quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, quy hoạch SDĐ và quy hoạch xây dựng. Thực hiện quy hoạch tổng thể về SDĐ thuộc CSTG.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát, cập nhật dữ liệu đất đai thuộc CSTG trên địa bàn để nắm sát, đúng biến động về SDĐ và có giải pháp quản lý chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Hạn chế sự phát triển vô kế hoạch trong SDĐ của CSTG.
Đưa việc thống kê, kiểm kê đất đai thuộc CSTĐ vào nền nếp, đảm bảo nghiêm túc tuân thủ theo đúng trình tự, thủ tục, quy trình của Luật Đất đai hiện hành. Kết quả thống kê, kiểm kê đất đai thuộc CSTG là cơ sở quan trọng để thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ của CSTG. Yêu cầu CSTG trên địa bàn tỉnh tiếp tục rà soát, kê khai đăng ký QSDĐ theo quy định của pháp luật để từ đó có hướng quy hoạch SDĐ thuộc CSTG hiệu quả, đúng mục đích và thuận lợi cho công tác QLNN về đất đai thuộc CSTG. Công tác này cần đảm bảo thực hiện nghiêm túc, thống kê được thực hiện hàng năm (trừ năm kiểm kê) và kiểm kê được thực hiện 5 năm 1 lần theo luật định.
Kết quả thống kê, kiểm kê đất đai thuộc CSTG trên địa bàn tỉnh phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác, đảm bảo tin cậy, chất lượng cao nhất từ bộ số liệu cấp xã thành bộ số liệu cấp huyện, tổng hợp bộ số liệu cấp huyện thành bộ số liệu toàn
tỉnh. Để công tác thống kê, kiểm kê đất đai thuộc CSTG có kết quả sát thực tế nhất, tin cậy nhất thì chính quyền tỉnh cần nâng cao hiệu quả các công tác khác như sớm hoàn thiện dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” theo Quyết định số 513/QĐ-TTg, ngày 2/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành cấp giấy chứng nhận QSDĐ, trong đó có đất đai thuộc CSTG.
Đẩy mạnh công tác phối hợp định kỳ, thường xuyên giữa CQĐP và CSTG trong rà soát, kê khai thống kê và kiểm kê đất đai thuộc CSTG trên địa bàn tỉnh. Theo kết quả thống kê đánh giá của đại diện CSTG thì đa phần khâu nhận thông tin phối hợp về rà soát, kê khai thống kê đất đai thuộc CSTG có nhưng ít, đột xuất không theo định kỳ; nhiều đại diện CSTG cho biết chưa nhận thông tin phối hợp này của thông kê đất đai là 23,33% (35/150 đại diện trả lời phiếu khảo sát) và của kiểm kê đất đai là 25% (37/148 đại diện CSTG trả lời phiếu khảo sát).
Tăng cường giám sát tuân thủ quy hoạch, kế hoạch SDĐ thuộc CSTG. Hàng năm, cần tăng cường công tác giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai thuộc CSTG. Cần thực hiện tốt việc tham gia giám sát của Nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ được Chính phủ phê duyệt. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt.
Đẩy mạnh hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao đất, thu hồi đất, chuyển mục đích SDĐ của các cơ sở tôn giáo:
Tập trung thực hiện công tác QLNN về giao đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ, thu hồi đất liên quan tôn giáo một cách dân chủ, công khai, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính bảo đảm đúng pháp luật, tạo điều kiện thuận tiện cho các tổ chức tôn giáo trong việc SDĐ và xây dựng CSTG. Theo kết quả khảo sát đề xuất, kiến nghị của đại diện CSTG về QLNN về đất đai thuộc CSTG, đại diện CSTG mong muốn cao nhất (81,25%) để cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính công về đất đai thuộc CSTG là vấn đề đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; đồng thời, 33,33% đại diện CSTG được khảo sát mong muốn tăng tính công khai, minh
bạch trong thực hiện thủ tục hành chính ; 32,29% đại diện CSTG mong muốn cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ người dân tại nơi làm thủ tục hành chính công và 21,88% đại diện CSTG mong muốn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.
Rà soát và hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ thuộc CSTG cho các thửa đất đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (hiện nay vẫn còn 06/246 thửa đất của 06 CSTG chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, chiếm 2,5%). Khẩn trương kiểm tra quy hoạch, kế hoạch SDĐ thuộc CSTG để hướng dẫn CSTG lập thủ tục đăng ký QSDĐ thuộc CSTG theo quy định của Luật Đất đai. Đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho CSTG với quy mô thích hợp với nhu cầu SDĐ của CSTG, với thực tế nhu cầu sinh hoạt của tín đồ và sự đồng thuận của Nhân dân; xem xét kỹ lưỡng việc xin cấp đất bổ sung để mở rộng cơ sở sinh hoạt tôn giáo, không tạo tiền lệ giữa các tôn giáo. Cải cách thủ tục hành chính với mô hình “một cửa” để khuyến khích CSTG đăng ký, làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ thuộc CSTG.
Thực thi chính sách thu hồi đất đai liên quan CSTG đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Hoàn thiện cơ chế thu hồi, bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất. Đảm bảo chính sách bảo vệ quyền lợi của CSTG khi bị thu hồi đất theo quy định khi tiến hành thu hồi đất cho mục đích an ninh, quốc phòng, dịch vụ công cộng…
Quản lý nghiêm việc CSTG, cộng đồng dân cư SDĐ không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho QSDĐ; không được thế chấp, góp vốn bằng QSDĐ đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho QSDĐ. Kịp thời xử lý triệt để những công trình tôn giáo xây dựng không phép, sai phép; SDĐ không đúng mục đích, đúng diện tích, ranh giới đã được giao, cấp QSDĐ; cơi nới, lấn chiếm, mua bán, hiến tặng, chuyển nhượng đất trái quy định của pháp luật.
Tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vấn đề đất đai có nguồn gốc tôn giáo do lịch sử để lại liên quan về giao đất, thu hồi đất, chuyển mục đích SDĐ của CSTG trên địa bàn tỉnh theo đúng pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Đối với đất đai có nguồn gốc tôn giáo cũ, sau khi xem xét CSTG nào có nhu cầu và đủ điều kiện thì chuyển mục đích SDĐ cho CSTG ở những nơi Nhà nước chưa sử
dụng; không xem xét, giải quyết việc xin lại đất có nguồn gốc tôn giáo trước đây khi đã được Nhà nước trưng dụng, sử dụng vào mục đích khác theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ công về đất đai thuộc các cơ sở tôn giáo:
Đây là nhóm giải pháp nhằm nâng cao mức độ hài lòng về chất lượng dịch vụ công, thủ tục hành chính của CSTG.
Theo kết quả đo lường sự phụ thuộc của các nhóm nhân tố ảnh hưởng như thế nào đến sự hài lòng chung của đại diện CSTG thì yếu tố quan trọng nhất là khi thực hiện các thủ tục liên quan đến QLĐĐ tại các cơ sở hành chính công là sự thuận tiện trong tìm hiểu thông tin giải quyết hồ sơ. Do đó, giải pháp trọng tâm trước tiên trong công tác cải thiện mức độ hài lòng của đại diện CSTG khi thủ tục liên quan đến QLĐĐ tại các cơ sở hành chính công là tạo thuận tiện trong tìm hiểu thông tin giải quyết hồ sơ. Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thuận lợi thông tin về đăng ký, hồ sơ đất, giá đất… thông qua đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác QLĐĐ thuộc CSTG: chuẩn hóa và hoàn thiện cơ sở dữ liệu, đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, xây dựng đường truyền và kết nối cơ sở dữ liệu qua hệ thống mạng thông tin điện tử từ tỉnh đến huyện, xã. Xây dựng cổng thông tin điện tử trên cơ sở phát triển và cải tiến Website hiện nay để phục vụ công tác quản lý, điều hành mạng.
Minh bạch thông tin về quy hoạch, kế hoạch SDĐ thuộc CSTG. Thông tin về quy hoạch, kế hoạch SDĐ nói chung, trong đó có đất đai thuộc CSTG cần được công khai, minh bạch để các chủ thể SDĐ, trong đó có CSTG nắm bắt được thông tin để từ đó có kế hoạch SDĐ phù hợp, không bị động. UBND tỉnh Quảng Trị có thể tham khảo và triển khai ứng dụng phần mềm “Thông tin quy hoạch” như thành phố Hồ Chí Minh nhằm cung cấp thông tin quy hoạch SDĐ đến tổ chức, cá nhân một cách trực tuyến thông qua ứng dụng Website và ứng dụng trên thiết bị di động thông minh. Người dùng có thể xác định vị trí của thửa đất thông qua định vị GPS của thiết bị di động thông minh hoặc có thể tải các bản đồ quy hoạch và quyết định phê duyệt quy hoạch để tham khảo cụ thể hơn. Tuy nhiên, phương án này hiện nay
sử dụng sẽ còn hạn chế đối với nhiều đối tượng vì khả năng ứng dụng và cập nhật công nghệ thông tin, trong đó có CSTG nên trước mắt chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục và quan tâm hơn nữa đến việc niêm yết thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên bảng tin ở UBND xã, phường, thị trấn hay bảng tin công cộng, tổ chức họp thôn, tổ dân phố kịp thời, thông tin qua báo, đài, ti vi… để đảm bảo minh bạch và kịp thời thông tin đến với người dân.
Thông qua cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn và các thông báo niêm yết tại Trụ sở UBND, tại phòng “một cửa” để thông tin tốt nhất đến người dân, nhất là nông dân về trình tự, thủ tục đăng ký, về hồ sơ, giá đất… để thuận lợi trong công tác đăng ký, lập hồ sơ. Tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận tốt hơn với hệ thống tư pháp, như: tạo quỹ hỗ trợ tư vấn pháp lý cho nông dân; phổ biến các quy định của tòa liên quan đến tranh chấp đất đai; tăng cường thông tin qua các phương tiện truyền thông các quyết định của tòa án tới Nhân dân…
Nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ đất đai thuộc CSTG thông qua khắc phục các nhược điểm mà CSTG đã từng tham gia dịch vụ hành chính công về đất đai chỉ ra trong phiếu khảo sát là: cán bộ tiếp nhận hồ sơ cần nhiệt tình, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn; giảm thiểu rườm rà của thủ tục hành chính có một số quy định, các khâu không cần thiết; tránh việc trễ hẹn trả hồ sơ, nếu có lý do khách quan thì phải có thông báo trước để CSTG chủ động; tuyệt đối không đòi các khoản phí nào khác ngoài mức phí đã quy định phải đóng; cơ chế tiếp nhận thông tin và phản hồi phải minh bạch, kịp thời, không qua loa, đại khái...
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và chống lợi dụng tôn giáo liên quan đến QLNN về đất đai thuộc các cơ sở tôn giáo ở tỉnh Quảng Trị:
Nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát tuân thủ thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ của CSTG; thực hiện các quy định của chính sách, pháp luật về đất đai thuộc CSTG. Tăng cường kiểm tra tuân thủ quy hoạch, kế hoạch SDĐ; việc quản lý, SDĐ của CSTG; kiên quyết thu hồi đất giao không đúng đối tượng, không sử dụng, sử dụng không hiệu quả, sử dụng sai mục đích; xử lý kịp thời,
nghiêm minh những vụ việc tiêu cực, tham nhũng về đất đai của cán bộ, công chức. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các điểm nóng, các vấn đề bức xúc để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm (từ 2013 đến nay tỉnh Quảng Trị chưa thực hiện cuộc thanh tra, kiểm tra nào đối với đất đai thuộc CSTG mà chỉ thực hiện nghiệp vụ giám sát). Thanh tra, kiểm tra phải đi liền với xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức và người đứng đầu CSTG để xảy ra sai phạm trong quản lý SDĐ thuộc CSTG. Phát huy vai trò chính quyền, nhất là cán bộ địa chính trong việc kiểm tra, giám sát không để vi phạm xảy ra.
Quyết liệt, triệt để giải quyết tranh chấp đối với đất đai thuộc CSTG, khiếu nại, tố cáo các vi phạm trong việc quản lý và SDĐ của CSTG trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật; đối với các trường hợp còn vướng mắc thì tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm, kịp thời, không tạo thành “điểm nóng”, nhất là với các xung đột về đất đai liên quan đến quyền sở hữu do lịch sử để lại. Tăng cường công tác hòa giải tranh chấp đất đai, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai đảm bảo công bằng, khách quan và minh bạch. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39/2012/QH13 của Quốc hội khóa XIII về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với đối với các quyết định hành chính về đất đai, Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân theo Quyết định số 858/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo kết quả khảo sát, 48,96% đại diện CSTG mong muốn cải thiện việc tiếp nhận, giải quyết tốt các phản ánh, kiến nghị của người dân và ngay trong nghiên cứu của Ngân hàng thế giới [19] đã đưa ra các lý do mà nhà nước phải can thiệp vào lĩnh vực đất đai là trách nhiệm giải quyết các xung đột về đất đai liên quan đến quyền sở hữu do lịch sử để lại, do đó, cần tập trung giải pháp quan trọng này để nâng cao hiệu quả QLNN đối với đất đai thuộc CSTG.
Tập trung xử lý dứt điểm các tranh chấp đất đai phức tạp, kéo dài, đặc biệt là các vụ việc tranh chấp liên quan đến đất đai thuộc CSTG nếu có phát sinh. Quá trình giải quyết phải tổ chức đối thoại công khai, dân chủ, giải quyết có lý, có tình, có tính khả thi cao.
Đào tạo cán bộ có khả năng hòa giải. Thiết lập và quản lý hiệu quả đường dây nóng nhận thông tin khiếu kiện, tố cáo của người dân. Nâng cao chất lượng quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo; cần chủ động chỉ đạo, tổ chức phối hợp giữa cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới; phát huy tối đa hiệu quả việc đối thoại, gặp gỡ, trao đổi với người khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo để nâng cao hiểu biết pháp luật về khiếu nại, tố cáo của cán bộ, Nhân dân.