3.2.2.1. Tự rèn luyện, nỗ lực trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác
Xã hội luôn vận động và phát triển không ngừng nên mỗi một chúng ta nếu không muốn bị lạc lỏng, tụt hậu trong vòng quay vận động ấy thì chúng ta cần phải rèn luyện, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác là điều tất yếu. Viên chức có thể nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp thông qua đào tạo - bồi dưỡng, tự bản thân viên chức phải vận động và thông qua học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp để tích lũy, bổ sung thêm những gì mà bản thân mình đang thiếu và yếu...
Nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác là hoạt động thường xuyên, liên tục để đáp ứng cho yêu cầu công việc, vị trí việc làm. Cần nhận thức rõ việc học tập là quyền lợi và nhiệm vụ để lấy đó làm mục tiêu phấn đấu và phải học tập, rèn luyện suốt đời như V.I. Lênin đã từng nói: “Học, học nữa, học mãi”.
3.2.2.2. Nâng cao phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Lời nói của Bác đặt ra cho bao thế hệ chúng ta một vấn đề rất cụ thể và cần thiết đó là: Phải luôn tu dưỡng, rèn luyện để có đức và tài. Do vậy, bên cạnh việc học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn thì viên chức còn phải luôn tự rèn luyện, tu dưỡng để nâng cao phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp
và lối sống.
Đặc biệt, với viên chức công tác tại một Trường Chính trị tỉnh - môi trường ĐVSN công lập trực thuộc Tỉnh ủy, vừa chịu ảnh hưởng của môi trường giáo dục vừa môi trường hành chính. Vì thế, viên chức của Trường cần có ý thức nâng cao đạo đức nghề nghiệp của mình. Ngoài đạo đức nghề nghiệp của một viên chức, cần thực hiện tốt đạo đức nghề nghiệp của người thầy giáo để làm gương cho học viên và đồng nghiệp khác, cụ thể là:
Thứ nhất, luôn học tập, rèn luyện và làm theo lời Bác dạy, triển khai việc đăng ký và rèn luyện theo chủ đề hằng năm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí minh trong công tác cũng như sinh hoạt.
Thứ hai, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như luôn tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè, đồng nghiệp thực hiện đúng nội dung với quan điểm, đường lối.
Thứ ba, công bằng, công tâm và khách quan trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học, chống bệnh thành tích, hình thức mà không có chất lượng.
Thứ tư, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện suy thoái về đạo đức, tư tưởng.
Thứ năm, tâm huyết với nghề, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hòa nhã, thân thiện với học viên, đồng nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng.
Thứ sáu, tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của Trường, của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Thứ bảy, trung thực, khách quan, có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc được giao; thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của viên chức
trong hoạt động nghề nghiệp.
Thứ tám, nêu cao tính sáng tạo, tự giác, tự rèn luyện, tu dưỡng nâng cao trình độ, sẵn sàng tiếp thu, học hỏi kiến thức mới; tích cực tham gia nghiên cứu đề tài khoa học, sáng kiến kinh nghiệm để phát triển nghề nghiệp.