Thông minh, năng động, học hỏi nhanh... là những ưu điểm của các ứng viên đi tìm việc hiện nay. Tuy nhiên, họ cũng có nhiều khuyết điểm cần lưu ý đến 30 tuổi là giai đoạn được xem là bước đầu cho việc phát triển sự nghiệp.
Đây cũng là độ tuổi của những ứng viên luôn muốn tìm kiếm cho mình một cơ hội việc làm mới với nhiều thách thức mới. Qua đó họ cũng thể hiện phần nào khả năng của mình trong sự đòi hỏi đa dạng từ phía các nhà tuyển dụng (NTD).
Được trang bị đầy đủ kiến thức
So với trước đây, ngày nay đa phần những bạn trẻ trong độ tuổi tìm việc đều được trang bị khá hoàn chỉnh từ kiến thức chuyên môn đến kiến thức về văn hóa, xã hội, con người. Đó là nhận xét của các công ty tư vấn nhân sự khi nhận định về đội ngũ những người tìm việc hiện nay. Ông Dương Xuân Giao, Giám đốc Công ty Tư vấn NetViet, cho biết: Hầu hết các ứng viên ngày nay được đào tạo bài bản hơn, được tiếp xúc và học tập trong môi trường hiện đại hơn. Rất nhiều bạn trẻ được đi học từ các nước hay những trường đại học hiện đại nên họ có nhiều hoài bão. Và khi đảm đương bất kỳ việc gì, dù mới được phân công, họ cũng có thể hoàn thành. Cùng quan điểm này, ông Lê Hồng Phúc, Giám đốc Công ty American Standard Việt Nam, cho rằng: Các bạn trẻ hiện nay học hỏi rất nhanh các kỹ năng về quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp, nhạy bén trong việc tham gia hoạch định chiến lược, sách lược phát triển công ty.
Có kinh nghiệm và chủ động tìm cơ hội
Một điểm nổi bật khác của ứng viên hiện nay mà các NTD không thể chối bỏ, đó chính là kinh nghiệm làm việc. Theo ông Trần Hữu Đức, chuyên viên tư vấn nhân sự Công ty BCC: 80% bạn trẻ đều có kinh nghiệm làm việc mặc dù những kinh nghiệm đó các bạn có được từ những việc làm thời vụ, hay trong quá trình thực tập. Một số bạn trẻ của các trường thì tận dụng những cơ hội kinh doanh thông qua các dịp lễ, còn sinh viên công nghệ thông tin thì chủ động thành lập nhóm làm các phần mềm cho các công ty, doanh nghiệp.
Chị Đặng Thị Thu Hà, phụ trách đào tạo - tuyển dụng Công ty P&G, cho rằng: Nhiều bạn trẻ có kỹ năng khi tham dự phỏng vấn. Bên cạnh đó, các bạn không còn e dè trong các cơ hội nghề nghiệp mà chủ động tìm đến những học bổng, những chương trình thực tập của các doanh nghiệp.
Kỹ năng trình bày yếu, hay thay đổi chỗ làm
Ngoài những ưu điểm vốn có của các ứng viên thời hiện đại, song song đó họ vẫn tồn tại nhiều khuyết điểm mà điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình làm
việc. Ông Dương Xuân Giao cho biết thêm: “Do các bạn quá tự tin vào khả năng của mình nên họ dễ thay đổi công việc. Có người trong một năm thay đổi công việc 3 - 4 lần. Điều này không chỉ làm bạn không có cơ hội học tập tại doanh nghiệp đó mà còn bị NTD đánh giá là không muốn ổn định công việc và như thế bạn sẽ dễ bị mất điểm trước các NTD khác”.
Một yếu tố cũng ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình làm việc của các bạn trẻ, đó chính là kỹ năng trình bày kém. Điều này thường hay gặp ở người đang làm việc trong các công ty liên doanh, nước ngoài. Chị Đặng Thị Thu Hà cho rằng: So với các nước, người Việt Nam không kém thông minh và làm việc cũng không kém chăm chỉ. Chỉ có một điều là người Việt Nam có thói quen ít nói, ít bộc lộ mình, làm hạn chế phần nào kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày ý tưởng so với nhân viên các nước khác, đặc biệt là bằng tiếng Anh. Không phải là xấu nhưng trong môi trường làm việc hiện nay, điều này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến thành công của mỗi cá nhân trong công việc.
Chưa làm thợ đã muốn thành thầy
Chị Lê Thị Kim Thư, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH TM & DV Thiên Hòa, nhận định: Có một thực tế là hiện nay, Nhà nước ta tạo điều kiện thuận lợi trong việc thành lập doanh nghiệp, những ràng buộc về vốn, về pháp lý... không quá khó khăn nên rất nhiều người muốn “làm chủ”. Và tâm lý sinh viên hiện nay cũng thế. Tuy nhiên, cái gì dễ có thì cũng dễ mất. Nhiều sinh viên chưa có kinh nghiệm gì nhưng khi phỏng vấn đều muốn làm quản lý chứ không muốn làm thợ, không muốn học việc để đi lên. Ông Nguyễn Anh Phú, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Vân Hậu: Dưới tác động của các công ty săn đầu người, thì vấn đề thay đổi chỗ làm ở những người đã có nhiều năm công tác xảy ra nhiều hơn so với những năm trước. Ở những người này, họ thấy rất rõ điểm mạnh của mình và do đó, cơ hội mở ra cho họ cũng nhiều hơn. Còn sinh viên mới ra trường, tâm lý của họ là muốn có công việc ngang với bằng cấp chứ không phải năng lực. Cơ hội việc làm luôn ngang nhau cho những ứng viên biết học hỏi để thích ứng với đòi hỏi của thị trường lao động ngày nay.
Huỳnh Nga - Trà My
---
Ông Phan Huy Phước, TPNS Công ty Mỹ phẩm Thuận Lợi:
Tận dụng thời gian đang học để thực tập
Trong thị trường lao động ngày nay, tuyển được một ứng viên như ý vào làm việc trong công ty xem như là đã “bắt được vàng”. Đối với những ứng viên đã từng đi làm, mặc dù được xem là có kinh nghiệm nhưng họ vẫn không vững lắm về kỹ năng chuyên môn. Tuy nhiên, những người này lại có ưu thế về sự tự tin trong giao
tiếp và dám chấp nhận thử thách để vươn lên trong nghề nghiệp. Ngoài ra, tính tự lập cũng là điểm mạnh của những ứng viên này vì nó bổ trợ cho khả năng làm việc độc lập của họ. Và nếu như những yếu tố trên là điểm vượt trội của những người đã có bề dày trong công tác thì nó lại là những lỗi mà sinh viên mới ra trường hay mắc phải. Cho nên, khi còn đang đi học, các bạn sinh viên nên tận dụng thời gian này để đi làm thêm những công việc bán thời gian. Đó là những kinh nghiệm quý báu cho bạn trên con đường tìm việc sau này.
Bà Nguyễn Thu Giao, Giám đốc Nhân sự Công ty Interfluor ViệtNam:
Coi trọng cơ hội nghề nghiệp hơn là lương bổng
Không hiểu sao thời gian gần đây, một số ứng viên khi đăng ký ứng tuyển vào công ty tôi lại đưa ra một mức lương bao giờ cũng gấp đôi so với mức lương mà họ thực lãnh tại đơn vị vừa công tác. Đa số những người này cho rằng do mức lương trên thị trường trả như thế, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Nếu thật sự họ có năng lực, công ty sẽ có chính sách thỏa đáng để giữ người giỏi. Đây là một sai lầm rất nguy hiểm cho chính ứng viên vì họ rất dễ gặp thất bại khi đi tìm việc. Chính vì thế, trong quá trình phỏng vấn, ứng viên không nên chỉ quan tâm đến mức lương ra sao mà nên chú trọng đến cơ hội nghề nghiệp cũng như cơ hội phát triển trong công ty.
T. My ghi