a. Giao thông:
Thường Tín có hệ thống giao thông khá hợp lý, ngày càng được hoàn thiện nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất và đời sống nhân dân.
* Giao thông đường bộ - Đường quốc lộ và tỉnh lộ
+ Quốc lộ 1A: có chiều dài qua huyện là 17,2 km, chiều rộng mặt đường 8m, kết cấu bê tông nhựa atfan, có chất lượng tốt, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế của huyện.
+ Tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ: có chiều dài qua huyện là 17 km, chiều rộng 32m với 4 làn xe chạy cùng với 2 cầu vượt (1 cầu trên đường 427 địa phận xã Liên Phương và 1 cầu trên đường 429 địa phận Vạn Điểm - Minh Cường), có kết cấu bê tông nhựa atfan, hai đường gom rộng 10m, chất lượng tốt, tạo điều kiện cho giao thông, lưu thông hàng hóa và trong cả nước.
+ Tỉnh lộ 427 chạy từ Bình Đà qua xã Hiền Giang, Thị trấn đến cảng Hồng Vân nối liền huyện Thanh Oai với huyện Thường Tín có tổng chiều dài qua huyện là 12 km, mặt đường rộng 7m, trải bê tông nhựa, chất lượng tốt.
+ Tỉnh lộ 429 từ chợ Tía (xã Tô Hiệu) đi Quán Tròn (huyện Thanh Oai), qua huyện có chiều dài 3,54 km, mặt đường rộng 7m, kết cấu bê tông nhựa, chất lượng tốt.
* Giao thông đường thủy
Huyện Thường Tín có lợi thế về đường sông với hai con sông lớn chảy qua là sông Hồng và sông Nhuệ, 6 bến đò, 2 bến cảng là cảng Hồng Vân và cảng Vạn Điểm.
- Sông Hồng nằm phía đông huyện, có tổng chiều dài qua huyện 15 km, qua các xã Ninh Sở, Hồng Vân, Tự Nhiên, Thư Phú, Lê Lợi, Thống Nhất, Vạn Điểm.
- Sông Nhuệ nằm phía tây huyện, có tổng chiều dài 17,5 km, qua các xã Khánh Hà, Hòa Bình, Hiền Giang, Tiền Phong, Tân Minh, Nguyễn Trãi, Dũng Tiến, Nghiêm Xuyên. Huyện còn có 6 bến đò và 1 bến cảng (Hồng Vân)
* Giao thông đường sắt
Huyện có tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua ga Thường Tín, ga Tía và ga Đỗ Xá, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa với cả nước, đặc biệt là vận chuyển từ các cảng lớn trong cả nước về huyện.
b. Thuỷ lợi
Hiện nay, diện tích đất thủy lợi trên địa bàn huyện là 663,98 ha gồm hệ thống đê, kè, kên mương tưới, tiêu.
- Hệ thống đê, kè Đê sông Hồng có chiều dài 16 km, kè Xâm Thị (chiều dài 1,4 km), kè An Cảnh (chiều dài 3,3 km) thuộc địa phận 8 xã, gồm có 16 điếm canh đê. - Hệ thống kênh tưới, trạm bơm, cống tưới tiêu chính
Huyện Thường Tín được cung cấp chủ yếu bởi nguồn nước của sông Hồng (qua trạm bơm tưới Hồng Vân) và sông Nhuệ (đây cũng là nguồn tiêu thoát nước chủ yếu của huyện).
Đến nay, toàn huyện có 84 trạm tưới, tiêu gồm 275 máy bơm các loại. Xí nghiệp khai thác các công trình thủy lợi Hồng Vân quản lý 30 trạm bơm
tưới (gồm 179 máy từ 1.000 - 8.000m3/h) trong đó có 23 trạm bơm tiêu (với 160 máy), các hợp tác xã nông nghiệp quản lý 54 trạm bơm tưới, tiêu cục bộ với 96 máy bơm các loại, trong đó có 25 trạm bơm tiêu với 48 máy.
Toàn huyện có 280 km kênh tưới, tiêu cấp 1, cấp 2 và 531 km kênh tưới tiêu cấp 3, cấp 4 với gần 1000 cầu, cống các loại.
c. Giáo dục - đào tạo
Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện có 88 trường công lập, với 1.284 nhóm lớp và 39.726 học sinh, trong đó ngành học mầm non có 29 trường, cấp tiểu học có 29 trường, cấp trung học cơ sở có 30 trường, cấp trung học phổ thông có 5 trường.
Chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo đã có tiến bộ. Nội dung dạy học và kiến thức của học sinh phổ thông đã toàn diện hơn. 100% các trường đều thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của Bộ quy định. Tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,84%. 100% số xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở đúng độ tuổi. Tỷ lệ giáo viên có trình độ trên chuẩn ngày càng được nâng cao. Toàn huyện có 27 trường đạt chuẩn Quốc gia (1 trường mầm non, 15 trường tiểu học, 10 trường trung học cơ sở, 1 trường trung học phổ thông), đạt 30,68%.
Mạng lưới trường học trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập. Mỗi xã có 01 trường mầm non, 01 trường tiểu học, 01 trường trung học cơ sở, huyện có 05 trường PTHH, 01 trung tâm giáo dục thường xuyên, 01 trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, 01 trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật.
Ngoài ra, huyện còn có 04 trường chuyên nghiệp: Cao đẳng sư phạm, cao đẳng truyền hình và 02 trường trung cấp chuyên nghiệp.
Toàn huyện cũng thực hiện tốt phong trào xã hội hóa giáo dục. Hội khuyến học huyện đã đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, tăng cường các hoạt động khuyến khích hỗ trợ, phong trào gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học đã phát huy được truyền thống hiếu học của các gia đình, dòng họ, các
thôn, xóm góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển. Nhìn chung, phong trào dạy và học của Thường Tín hoạt động tốt và đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. Tuy nhiên, trong thời gian tới, huyện cần nâng cấp, mở mới một số trường học, tăng cường các thiết bị dạy và học hiện đại để chất lượng giáo dục đạt cao hơn nữa.
d. Văn hoá, thông tin, thể dục - thể thao:
Các hoạt động văn hóa ngày càng phong phú, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về xây dựng, phát triển văn hóa được triển khai thường xuyên, tạo sự chuyển biến trong suy nghĩ, hành động của các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân. Đến nay, toàn huyện có khoảng 45.000 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 80%; 175 làng, thôn, cụm dân cư, cơ quan, đơn vị được công nhận danh hiệu làng, cơ quan, đơn vị văn hóa. Đã xây mới, sửa chữa nâng cấp được 122 nhà văn hóa.
Công tác thông tin tuyên truyền hoạt động tốt, phục vụ các chương trình, mục tiêu, các ngày lễ, kỷ niệm bằng nhiều hình thức phong phú.
Hàng năm, các hoạt động lễ hội trên địa bàn huyện được tổ chức trang trọng, có ý nghĩa giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp, tạo sự gắn bó, đoàn kết cộng đồng.
Phong trào thể dục thể thao có bước phát triển ngày cả về bề rộng và chiều sâu. Quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác xã hội hóa thể dục thể thao; tập trung đầu tư một số môn thể thao mũi nhọn như cầu lông, bóng bàn, bóng đá. Cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập, dụng cụ luyện tập từng bước được quan tâm xây dựng.