a. Tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Phát huy lợi thế trong phát triển kinh tế, xã hội, trong những năm qua, huyện Thường Tín đã thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế để hòa nhịp vào sự phát triển chung của thành phố. Kết quả tăng trưởng kinh tế thể hiện qua chỉ tiêu ổtng giá trị sản xuất và tổng giá trị gia tăng toàn huyện trong những năm qua. Tổng giá trị sản xuất cho thấy kết quả chung của các ngành kinh tế trong phạm vi huyện quản lý. Tính theo giá cố định, giá trị sản xuất (GTSX) toàn huyện năm 2020 đạt 6.208,6 tỷ đồng. Trong đó, giá trị gia tăng (GTGT) đóng góp 2.874,9 tỷ đồng.
Tốc độ tăng trưởng GRDP huyện Thường Tín đạt những thành quả nhất định, Tốc độ phát triển hàng năm rất nhanh. Tổng giá trị GRDP năm 2020 đạt 8867,43 tỷ đồng (tính theo giá hiện hành). Cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng Công nghiệp, TTCN - Thương mại, dịch vụ và Nông nghiệp, thủy sản.
b. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế
- Khu vực kinh tế nông nghiệp
Trong những năm qua, đầu tư nông nghiệp nông thôn luôn được đẩy mạnh và nông nghiệp vẫn giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của huyện. Huyện đã triển khai nhiều chương trình, đề án phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh gieo trồng cây màu, tích cực chỉ đạo đổi mới cơ cấu giống lúa, trà lúa, mở rộng nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Người dân trên địa bàn huyện đã thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ cấu giống, mùa vụ, tăng cường đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với thị trường vào sản xuất. Tuy diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hẹp nhưng năng suất và giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích vẫn liên tục tăng.
* Trồng trọt:
Hiện nay, cây lúa vẫn giữ vai trò chủ đạo với diện tích gieo trồng lớn nhất 12.463,2 ha, năng suất bình quân đạt 62,6tạ/ha. Trong giai đoạn 2018- 2020, diện tích gieo trồng lúa giảm 1.321,3 ha sang các mục đích phi nông nghiệp và chuyển đổi trồng rau màu, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, sản lượng lúa năm 2020 cũng giảm 3.427 tấn so với năm 2019.
Cây công nghiệp ngắn ngày trên địa bàn huyện là cây lạc và cây đậu tương với diện tích khoảng 860 ha. Diện tích cây công nghiệp ngắn ngày có xu hướng giảm.
Trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa và đất chuyên màu được chú trọng vì những loại cây này cho giá trị kinh tế cao. Nhiều xã trước đây chưa có truyền thống trồng cây vụ đông, trong những năm qua đã phát triển và trở thành vụ sản xuất chính. Diện tích gieo trồng hiện nay đạt khoảng 4.100 ha.
* Chăn nuôi
Ngành chăn nuôi có nhịp độ tăng trưởng khá. Trong những năm gần đây, xu hướng phát triển ngành nông nghiệp của huyện là tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng và dần từng bước tiến tới là ngành chính trong sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, giá trị từ ngành chăn nuôi đã tăng đáng kể nhờ việc áp dụng các phương pháp chăn nuôi tiên tiến để giảm chi phí lao động, rút ngắn thời gian chăn nuôi, đồng thời tăng cường công tác thú y, tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
Trong giai đoạn 2018-2020, tuy số lượng đàn trâu giảm nhưng tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện có xu hướng tăng. Năm 2020, tổng đàn bò có 4.216 con, đàn trâu 191 con, đàn lợn 103 nghìn con và đàn gia cầm 712 nghìn con.
- Khu vực kinh tế công nghiệp
Trong những năm qua, nhóm ngành công nghiệp - xây dựng của huyện Thường Tín luôn được khuyến khích phát triển và đã đạt được những kết quả
tích cực. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp trên địa bàn huyện có xu hướng tăng nhanh, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, góp phần làm tăng năng lực sản xuất, đẩy nhanh tốc độ phát triển toàn nền kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Hiện nay, huyện có 2 khu công nghiệp, 6 cụm công nghiệp và 26 điểm công nghiệp làng nghề.
Thường Tín là một trong các huyện của thành phố Hà Nội có số lượng làng nghề tương đối nhiều, 120/126 làng có nghề (chiếm 95,24%), 45 làng nghề được công nhận với các loại mặt hàng có tính hàng hoá và mang lại giá trị cao. Trong đó, nhiều làng nghề lâu đời với những sản phẩm nổi tiếng như: tiện gỗ ở Nhị Khê, sơn mài ở Duyên Thái, thêu ở Quất Động, Thắng Lợi, bánh dày ở Quán Gánh, mây tre đan ở Ninh Sở. Một số nghề mới phát triển mấy chục năm trở lại đây như: xương sừng mỹ nghệ ở Thụy Ứng - Hòa Bình, bông len ở Trát Cầu - Tiền Phong, điêu khắc gỗ đá ở Nhân Hiền - Hiền Giang, mộc cao cấp ở Vạn Điểm. Các sản phẩm làng nghề của Thường Tín đã có mặt ở thị trường trong nước và được khách hàng nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, đặc biệt là sản phẩm sơn mài, đồ mộc cao cấp, hàng tranh thêu tinh xảo.
Trong những năm qua, UBND huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Các dự án trên địa bàn huyện đã chấp hành theo đúng trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng và phát huy tác dụng. Các công trình xây dựng cơ bản được chỉ đạo tập trung vào một số chương trình trọng tâm, trọng điểm như: giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, trụ sở làm việc của xã, thị trấn, các công trình văn hóa, hệ thống điện...
- Khu vực kinh tế dịch vụ - thương mại
Những năm gần đây, việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã kéo theo sự phát triển của các hoạt động thương mại, dịch vụ. Địa bàn
huyện xuất hiện nhiều thành phần kinh doanh, chủng loại hàng hóa đa dạng, thị trường sôi động, hình thành hệ thống mạng lưới, kênh lưu thông phân phối hàng hóa theo cơ chế thị trường.
Hiện nay, huyện có 21 chợ trong đó có 01 chợ loại 1 (chợ Vồi), 01 chợ loại 2 (chợ Tía), 01 chợ đầu mối gia súc - gia cầm (chợ Hà Vĩ) và các chợ loại Chợ Vồi là chợ lớn thuộc khu vực trung tâm huyện, là khu giao dịch, mua bán hàng hóa phục vụ không chỉ địa bàn huyện mà cả các khu vực lân cận, là nơi trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh về trung tâm Hà Nội. Tuy nhiên, các khu thương mại trung tâm, khu giao dịch mua bán hàng hóa lớn của huyện chưa phát triển, các siêu thị tổng hợp và chuyên doanh chưa có nên việc phát triển kinh tế - xã hội và thương mại còn gặp nhiều khó khăn. Hệ thống cửa hàng bán lẻ, đại lý chủ yếu là hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn các xã thuộc khu vực trung tâm như Văn Bình, thị trấn Thường Tín, Phố Tía, Đỗ Xá...
Dịch vụ của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các loại hình dịch vụ bưu chính viễn thông, tài chính, các dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp… phát triển mạnh và nhanh hơn giai đoạn trước, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống nhân dân.