Có rất nhiều phương pháp được áp dụng để tạo giống lúa kháng bệnh bạc lá như: Chuyển gen kháng bệnh bạc lá bằng phương pháp chọn lọc truyền thống và chuyển gen kháng bệnh bạc lá bằng ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra các dòng cận đẳng gen (Near Isogenic Line) có mang gen kháng sau đó lai quy tụ (pyramiding) nhiều gen kháng hoặc nhiều QTL từ nhiều nguồn bố mẹ vào trong một giống. Cho đến nay, với những thành tựu đạt được trong việc phát hiện các gen kháng về cả định lượng và định tính đã đặt nền tảng cho những nghiên cứu chọn tạo giống kháng bệnh (Pei & cs., 2011).
Đối với bệnh bạc lá, các gen Xa4, xa5, Xa7 và Xa21 được các chuyên gia lưu tâm nhất vì các gen này khi tổ hợp cùng với nhau có phổ kháng rộng. Tại Ấn Độ, việc quy tụ nhiều gen kháng vào cùng một tổ hợp gen đã được thực hiện và tạo ra được các dòng mang nhiều gen kháng làm nguồn vật liệu tốt để chuyển tổ hợp gen này vào các giống lúa thương mại tăng tính kháng bệnh bạc lá của các giống, dòng NH56 mang 4 gen (Xa4, xa5, Xa7 và Xa21) (Sanchez & cs., 2000). Trong chương trình lúa lai tại Trung Quốc, việc quy tụ các gen kháng bệnh vào các dòng phục hồi để tăng tính kháng của lúa lai cũng được quan tâm đặc biệt các gen Xa7, Xa21 đã được quy tụ vào giống lúa Minhhue 63 (Yan-chang & cs., 2004).
Trong các chương trình chọn giống sử dụng phương pháp lai trở lại, MAS giúp đẩy nhanh việc tích hợp các gen mong muốn. Chen (2000, 2001) đã áp dụng MAS để cải thiện được tính kháng bệnh bạc lá của hai dòng phục hồi ưu việt là “6078” và “Minghui 63” nhờ quy tụ gen kháng Xa21 từ “IRBB21” vào 2 dòng phục hồi này. Các con lai có bố mẹ là các dòng phục hồi đã được cải tiến này có năng suất cải thiện đáng kể trong điều kiện dịch bệnh (Chen & cs., 2000, 2001).
Các nhà chọn tạo giống Philippin cũng đã thành công khi tích hợp tổ hợp gen
Xa4+xa5+Xa21 (có nguồn gốc từ giống NSIC Rc142 và NSIC Rc154) vào giống IR64 nhờ sự hỗ trợ của MAS. Ở Trung Quốc, dòng lúa bất dục đực nhạy cảm với ánh sáng - 3418s, dòng duy trì R8006 và R1176 và dòng Kang 4183 mang gen Xa21, có khả năng kháng bệnh bạc lá cao đã được phát triển. Các gen xa13 và Xa21 đã được tích hợp vào giống Pusa Basmati 1 nhờ sự hỗ trợ của MAS
. Cũng với giống lúa Pusa Basmati 1, ba gen xa5, xa13 và Xa21 đã được tích hợp vào giống này và tạo ra giống Pusa Basmati 1 cải tiến. Đây là giống lúa đầu tiên được chọn tạo nhờ sự hỗ trợ của MAS đã được thương mại ở Ấn Độ vào năm
2007. Hai giống Basmati mẫn cảm với bệnh bạc lá là Taraori Basmati và Basmati 386 cũng đã được cải tiến nhờ tích hợp hai gen xa13 và Xa21 sử dụng kỹ thuật lai trở lại với sự hỗ trợ của chỉ thị phân tử (MABC) kết hợp với lựa chọn kiểu hình. Song song với những nỗ lực này, các nhà chọn tạo giống của Cục Nghiên cứu lúa gạo (DRR) cũng đã tích hợp 3 ba gen kháng bệnh bạc lá này (xa5, xa13 và Xa21) vào giống lúa ưu tú Samba Mahsuri nhờ sự hỗ trợ chỉ thị phân tử.
Với sự phát triển nhanh chóng của các chỉ thị phân tử, nhiều giống lúa cải tiến mang nhiều gen kháng bệnh nói chung và bạc lá nói riêng đã và đang được chọn tạo. Tính đến này, khu vực Châu Á đã có hơn 10 giống lúa kháng bệnh bạc lá đã được phát triển và thương mại hóa. Các giống này đều được chọn tạo nhờ sự hỗ trợ của chỉ thị phân tử (MAS).