Chủ nghĩa lãng mạn
Chủ nghĩa lãng mạn là trào lưu tư tưởng và nghệ thuật của văn hóa châu Âu, bao
trùm mọi loại hình nghệ thuật và khoa học; thời kì phồn thịnh của phong trào này là cuối
thế kỉ XVIII, nửa đầu thế kỉ XIX.
Chủ nghĩa lãng mạn nảy sinh do hàng loạt nguyên nhân, cả những nguyên nhân xã hội-lịch sử lẫn nguyên nhân nội tại của nghệ thuật. Quan trọng nhất trong số những
nguyên nhân ấy là tác động của kinh nghiệm lịch sử mới mà Cách mạng Pháp 1789 -1794
đưa lại. kinh nghiệm ấy đòi hỏi sự lí giải, kể cả lí giải bằng nghệ thuật, và bắt buộc phải
xem xét lại các nguyên tắc sáng tác. Nhiều tư tưởng của chủ nghĩa lãng mạn trong suốt
nửa thế kỉ tồn tại của nó đã bị biến đổi ở mức đáng kể, nhưng những tâm thế chung, có
tính chất thế giới quan, vẫn được phát triển trong một định hướng thẩm mĩ thống nhất, và
được sự hậu thuẫn của những đại diện của các trường phái lãng mạn khác nhau.
Trung tâm của phong trào lãng mạn là nước Đức: các nhà lãng mạn Anh, Pháp, Ba Lan, Nga đều tìm kiếm các ý tưởng của họ từ các tác phẩm của các nhà thơ và triết gia Đức. Thời đại chủ nghĩa lãng mạn – thay thế thời đại Ánh sáng – là thời đại đối lập với tư tưởng ánh sáng về nhiều mặt. Tuy vậy văn hóa Ánh sáng cũng đã sản sinh trong lòng nó cái hiện tượng được gọi là “chủ nghĩa tiền lãng mạn”. Tiền bối của nó là các nhà thơ của
“chủ nghĩa cổ điển Weima” (Goeth, Shiller), là các nhà tư tưởng như Lessing, Hecze. Dù không đoạn tuyệt với truyền thống mỹ học Ánh sáng, những nhà tiền bối này của chủ
nghĩa lãng mạn đã có thể nhận ra những mặt yếu của truyền thống ấy và đánh giá nó một
cách có phê phán, chống lại việc tuyệt đối hóa các nhân tố hình thức của hoạt động nghệ
thuật, chống lại việc lí giải một chiều duy lí đối với hoạt động ấy. Các nhà lãng mạn tiếp
tục phê phán các nguyên tắc sáng tác của các nhà Ánh sáng; họ xem nghệ thuật như lĩnh
vực giải phóng các năng lực đa dạng của cá nhân, như lĩnh vực mà cá nhân tự thực hiện
mình một cách tự do và tự nguyện. Chính vì vậy, cả triết học, ngữ văn học, thậm chí cả
những quan tâm đến khoa học tự nhiên , ở thời đại chủ nghĩa lãng mạn, đều mang sắc thái
mỹ học, và đều gắn bó mật thiết với các vấn đề mỹ học và lý luận nghệ thuật.
Nhiều nhà lãng mạn cảm thấy những ảo tưởng nảy sinh bởi Cách mạng Pháp đã hoá thân thành thực tại xã hội tư sản mà lối sống tầm thường, dung tục của nó, tính chất
ích kỉ, không có chỗ đứng cho tâm hồn trong các quan hệ xã hội của nó, v.v…họ thấy
không thể chấp nhận. Họ đau đớn trải nghiệm sự đổ vỡ của những ảo tưởng ấy. Tính chất
hai mặt của cảm quan lãng mạn chủ nghĩa tương ứng với bức tranh của các sự kiện khách
quan: “Cái thể chế xã hội và chính trị được thiết lập bởi “thắng lợi của lý trí” hóa ra lại là ác, là bức biếm họa đối với những lời hứa xán lạn của các nhà Ánh sáng, gây nên sự thất
vọng cay đắng” (Ănghen). Thực tại lịch sử hóa ra không tuân phục “lý trí”, nó hóa ra là một thực tại siêu lý trí, đầy những bí ẩn không thể thấy trước, còn thể chế hiện thời thì
thù địch với bản chất người, với tự do của cá nhân. Thái độ không tin vào tiến bộ xã hội,
công nghệ, chính trị, khoa học - cái tiến bộ đã đưa tới sự tương phản và đối kháng mới;
sự thất vọng sâu sắc trước cái xã hội từng được tiên đoán, luận chứng và rao giảng bởi
những khối óc ưu tú nhất châu Âu - dần dà được triển khai thành một chủ nghĩa bi quan
có tầm “vũ trụ”. Sự thất vọng, bi quan ở chủ nghĩa lãng mạn mang tính phổ quát toàn nhân loại, đi kèm với một “nỗi đau toàn thế giới”. Đề tài về nỗi đau này (“căn bệnh thời đại”), đề tài về “người nằm trong cái ác”, về “thế gian khủng khiếp”(với quyền lực mù quáng của các quan hệ vật chất, với tính vô lý của số phận, với nỗi buồn về sự đơn điệu
vĩnh cửu của đời sống thường ngày…) là những đề tài xuyên suốt lịch sử của văn học
lãng mạn và được thể hiện rõ rệt nhất trong loại “kịch số mệnh”, “bi kịch số mệnh” Kleist
(1777-1811) cũng như trong các tác phẩm của Byron, Brentano, Hoffmann, Poe,
Hothornor…
Kinh nghiệm phức tạp của Cách mạng Pháp củng cố trong ý thức các nhà lãng mạn cái ý tưởng về tính chất nhiều chiều kích của thực tại khách quan (cả tự nhiên lẫn xã hội) ý tưởng về sự phong phú không thể khai thác hết của những khả năng vẫn tiềm ẩn
trong thực tại. Đây là đề tài mà những nỗ lực chủ yếu của mỹ học và thực tiễn nghệ thuật
lãng mạn chủ nghĩa tập trung khám phá. Quan niệm về chất mỉa mai (tiếng Pháp: ironie)
có vị trí quan trọng ở mỹ học lãng mạn. Với tư cách một lập trường triết học và một biện
pháp nghệ thuật đặc thù, chất mỉa mai lãng mạn chủ nghĩa là phương thức miêu tả thế
giới xung quanh một cách hàm súc. Thoạt đầu, nó có nghĩa là thừa nhận tính hạn hẹp của
bất kì điểm nhìn nào (kể cả điểm nhìn lãng mạn, nếu chỉ hướng tới cái “vô tận”), thừa
nhận tính tương đối của mọi thực tại lịch sử, thừa nhận tính không trùng nhau giữa những
khả năng vô hạn của tồn tại và cái thực tại kinh nghiệm được cảm nhận bởi con người.
Về sau, mỉa mai còn phản ánh việc ý thức được tính phi thực tại của các lý tưởng lãng mạn chủ nghĩa, ý thức được tính đối địch vĩnh viễn giữa ước mơ và cuộc đời thực. Được
nhìn qua lăng kính lãng mạn, những hoài nghi, bất tín nhiệm, thế giới bên trong của cá
nhân con người và kịch tính của các quá trình lịch sử khách quan bỗng lộ ra sự phong
phú của những khả năng còn tiềm ẩn., và được cảm nhận một cách đa diện. Tuy nhiên, ý
đồ vươn lên trên chất “văn xuôi” dung tục của tồn tại ở các nhà lãng mạn đã không biến
thành sự “mỹ hóa” đời sống một cách trừu tượng, vì vậy ý đồ đó vẫn gắn liền với hoạt động phê phán tỉnh táo của ý thức.
Các nhà lãng mạn đã phát hiện ra tính phức tạp, chiều sâu và tính đối kháng của
thế giới tinh thần con người, tính vô tận nội tại của cá nhân con người. Đối với họ, con người là cả một tiểu vũ trụ. Chú ý đến những tình cảm mạnh mẽ, chói rực; đến những vận động bí ẩn của tâm hồn; đến những mặt “đen tối” của tâm hồn; đến trực giác và vô thức – là những nét cốt yếu của cảm quan lãng mạn chủ nghĩa. Bảo vệ tự do, chủ quyền và giá trị tự thân của cá nhân; chú ý đến cái đơn nhất không lặp lại ở con người; sùng bái cái cá nhân – cũng là những nét đặc trưng cho chủ nghĩa lãng mạn. Biện hộ cá nhân gần như là
cách tự bảo vệ trước tiến trình tàn nhẫn của lịch sử.
Phản ứng mang tính hai mặt của các nhà lãng mạn đối với các sự kiện Cách mạng Pháp đã khiến họ “nhìn mọi thứ dưới ánh sáng trung đại, lãng mạn”; chính phản ứng này
đã khiến họ quan tâm đến những hiện tượng dân gian mang tinh thần dân chủ của văn hóa
thời trung đại và thời Phục hưng. Họ kế thừa cả chất giả tưởng huyền hoặc của văn hóa trung đại; nhưng cái mà họ thú vị hơn ở văn hóa ấy là các truyện kể, các niềm tin dị đoan,
tinh thần tự do suồng sã của hội cacnavan, lối phóng đại nghịch dị và tính thoải mái giản
dị của văn hoá Arap. Họ chú ý đến các truyền thuyết, các sáng tác dân gian, các phong
tục tập quán của các dân tộc xa lạ, các phong cảnh xứ lạ. Thực tế vật chất thấp hèn bị họ đem đối lập với những dục vọng cao cả (đây là quan niệm của chủ nghĩa lãng mạn về tình
yêu) và đời sống tinh thần mà những biểu hiện cao nhất, theo họ, là nghệ thuật, tôn giáo,
triết học.
Yêu cầu về chủ nghĩa lịch sử và tính nhân dân (chủ yếu theo ý nghĩa là sự tái tạo
trung thành màu sắc của địa điểm và thời gian)- là một trong những thành tựu vĩnh cửu
của mỹ học lãng mạn. Chủ nghĩa lịch sử của tư duy ở các nhà lãng mạn bộc lộ rõ nhất
thời đại, dân tộc, lịch sử, cá nhân – trong cách nhìn của các nhà lãng mạn – có ý nghĩa
triết học: nó là sự bộc lộ tính phong phú của một chỉnh thể, của thế giới phổ quát thống
nhất.
Đối lập với nguyên tắc “bắt chước tự nhiên” của chủ nghĩa cổ điển, các nhà lãng mạn đề cao tính tích cực sáng tạo, quyền cải biến thực tại của nghệ sĩ: anh ta tạo ra một
thế giới đặc biệt, của mình, đẹp hơn, chân thực hơn cái thực tại kinh nghiệm; bởi vì nghệ
thuật, sáng tạo là thực chất thầm kín, là ý nghĩa sâu kín và là giá trị cao nhất của thế giới,
cũng có nghĩa nó là thực tại cao nhất. Tác phẩm nghệ thuật được so sánh với cơ thể sống
; hình thức nghệ thuật được xem không phải như cái vỏ của nội dung mà như một cái gì mọc lên từ đáy sâu và gắn liền với cái mà nó biểu đạt. Các nhà lãng mạn nhiệt liệt bảo vệ
tự do sáng tác của người nghệ sĩ, bảo vệ quyền tưởng tượng của nghệ sĩ (“thiên tài không lệ thuộc các quy tắc mà là kẻ sáng tạo ra các quy tắc”), bác bỏ tính quy phạm.
Thời đại chủ nghĩa lãng mạn được đánh dấu bằng những cách tân về nghệ thuật:
sáng tạo ra các thể tài tiểu thuyết lịch sử, truyện giả tưởng, trường ca sử thi - trữ tình, cải
cách sân khấu. Thơ trữ tình đạt đến độ cực kỳ phồn thịnh; các khả năng của ngôn từ thi ca được mở rộng nhờ tính đa nghĩa, tính liên tưởng, tính ẩn dụ đậm đặc, nhờ các phát
hiện trong lĩnh vực câu thơ. Tiểu thuyết được coi là hình thức phù hợp nhất của sự tổng
hợp thi ca: đó là thể loại thống nhất thi ca với triết học, đẩy lùi giới hạn giữa thực tiễn
nghệ thuật và lý luận, trở thành sự phản ánh như trong bức tiểu họa cả một thời đại văn
học, kết hợp được sự lí giải bằng nghệ thuật và sự lí giải bằng lịch sử về thời đại. Các lý
thuyết gia lãng mạn truyền bá tư tưởng về sự xói mòn của các loại thể văn học; về sự
thâm nhập lẫn nhau của các ngành nghệ thuật; về sự tổng hợp nghệ thuật, triết học và tôn giáo; nhấn mạnh nhân tố âm nhạc trong thi ca. Về các nguyên tắc miêu tả, các nhà lãng mạn hướng tới giả tưởng, nghịch dị trào lộng, tính ước lệ lộ liễu của hình thức, mạnh dạn
pha trộn chất đời thường và chất dị thường, chất bi và chất hài.
Di sản văn hóa của chủ nghĩa lãng mạn, phản ứng tiêu cực của nó đối với thời đại
sản sinh ra nó - thời đại phát triển công nghiệp và đô thị hóa - trở thành một trong số
những căn cứ cho các nhà Tương lai học ở cuối thế kỉ XX nêu lên nhận định về tính giới
hạn của tri thức khoa học công nghệ, tính huỷ hoại toàn cầu của việc phá hoại môi sinh
và phá hoại các giá trị nhân văn trong quá trình phát triển nền sản xuất công nghiệp tự động hóa; từ đó đề xuất nhu cầu bảo vệ cân bằng sinh thái tự nhiên và tính ổn định nhân văn như một trong những nhu cầu cốt thiết của sinh tồn nhân loại.