Ảnh hưởng nhiễu không dừng đối với hệ thống bù khử nhiễu tạp tích cực

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) nghiên cứu giải pháp xử lý không gian – thời gian thích nghi nhằm nâng cao khả năng chống nhiễu của đài ra đa (Trang 84 - 87)

Sự hiện diện nhiễu trong các kênh thu gây khó khăn rất lớn và trong một số trường hợp, có thể làm cho các nhiệm vụ phát hiện, đo tọa độ và bám sát các đối tượng trên không của ra đa không thể thực hiện được. Do đó, đảm bảo các yêu cầu chống nhiễu là một nhiệm vụ quan trọng, quyết định khả năng hoạt động của hệ thống ra đa [88], [89]. Nhiễu tạp tích cực được sử dụng rộng rãi bởi hiệu quả cao, dễ tạo ra và sự đa dạng các phương pháp nhiễu sử dụng trong tác chiến. Ngoài ra, hoạt động của ra đa trong môi trường (nhiễu) phức tạp không biết trước và biến đổi linh hoạt. Nói chung, không thể thiết kế một hệ thống chống nhiễu với cấu trúc và tham số cố định mà hoạt động hiệu quả trong các điều kiện này. Vì vậy, mối quan tâm chính là hệ thống xử lý cung cấp khả năng thay đổi các tham số và cấu trúc phù hợp với tình huống nhiễu cụ thể.

Một trong những hướng chính được sử dụng rộng rãi trong chống nhiễu tạp tích cực là hình thành các vùng lõm (điểm không) trong giản đồ hướng (GĐH) anten ra đa về hướng máy gây nhiễu được thực hiện bằng cách sử dụng anten mảng pha thích nghi hoặc bộ tự động bù khử các búp sóng bên.

Trong những năm gần đây, một số lượng lớn các bài báo đã được đưa ra về việc sử dụng anten mạng pha thích nghi và các thuật toán thích nghi để bù khử nhiễu tích cực, chủ yếu liên quan đến các hệ thống ra đa. Trong đó, phần lớn sự chú ý được dành cho việc xử lý (chủ yếu là không gian-thời gian thích nghi) tín

hiệu ra đa trên nền nhiễu tương quan, không chỉ bao gồm tích lũy tín hiệu có ích mà còn bù khử nhiễu bằng các thiết bị với các phản hồi.

Hiệu quả bảo vệ ra đa khỏi nhiễu tạp tích cực chủ yếu được xác định bởi mức các búp sóng bên GĐH anten, nơi nhiễu tạp tích cực (NTC) có thể tác động vào.

Thông thường, trong các hệ thống ra đa, một số phương pháp được triển khai để giảm ảnh hưởng NTC theo búp sóng bên giản đồ hướng anten:

- Bổ sung xử lý trọng số;

- Hình thành các điểm "không" thích nghi trong các búp sóng giản đồ hướng anten (GĐHA) theo hướng NTC tác động;

- Đổi tần số thích nghi.

Để giảm mức búp sóng bên trong mặt phẳng phương vị, có thể áp dụng trọng số, ví dụ, với hàm “cos2 trên bệ" cho phép giảm mức búp sóng bên gần xuống âm 25 dB.

Phương pháp chuyển tần thích nghi cho phép khi có nhiễu dải hẹp do trạm nhiễu phát ra chuyển sang điểm tần công tác khác không trùng với tần số trung tâm nhiễu. Điều chỉnh tần số thích nghi hoạt động như sau: Trong thời gian dịch vụ giữa các khoảng thời gian ra đa tích cực tiến hành tuần tự chuyển tần bộ dao động tại chỗ thiết bị thu. Đồng thời, giá trị trung bình bình phương xung nhiễu được xác định tại mỗi tần số và tần số có mức nhiễu tối thiểu được chọn và chuyển tần số công tác của ra đa đến tần số này.

Các hệ thống tự động bù khử (AK) NTC được xây dựng trên cơ sở các bộ tự động bù khử với các phản hồi tương quan hoặc với tính toán trực tiếp ma trận tương quan nhiễu (MTQN) và hình thành véc tơ trọng số (VTS) bằng cách đảo ngược ma trận thu được (gọi là nghịch đảo trực tiếp ma trận nhiễu tương quan (Direct Matrix Inversion – DMI or Sample Matrix Inversion - SMI). Ttrong nhiều tài liệu, việc thực hiện các phương pháp số để hình thành véc tơ trọng số và nghịch đảo MTQN ước tính được xem xét chi tiết đầy đủ [14], [21], [27], [35].

Mục tiêu chính các hệ thống bù nhiễu là đảm bảo hoạt động cho hệ thống ra đa đa chức năng trong môi trường nhiễu phức tạp.

Các phương pháp và kết quả phổ biến trong việc giải quyết vấn đề này cho phép phát triển thành công hệ thống ra đa hoạt động trong điều kiện gây nhiễu dừng. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế ra đa phải hoạt động trong môi trường nhiễu không dừng. Điều này được giải thích bởi một số yếu tố, đó là do sự chuyển động của các đối tượng quan sát liên quan đến động học chuyển động, cũng như sự chuyển động hệ thống ra đa cơ động trên phương tiện mang. Tính không dừng cũng được xuất hiện do hướng nhìn của hệ thống ra đa, vì trong quá trình quan sát mối quan hệ góc giữa búp sóng anten và máy gây nhiễu thay đổi, và do đó, vị trí góc các điểm không trong chùm búp sóng so với cực đại búp sóng chính cũng thay đổi.

Như đã trình bày ở chương 1, trong điều kiện thực tế ra đa phải hoạt động trong môi trường nhiễu không dừng. Điều này có nghĩa là tính không dừng có thể dẫn đến sự không phối hợp giữa các trọng số bộ tự động bù khử với hướng các nguồn gây nhiễu (sự “lỗi thời” trọng số AK) [76]. Trong các ra đa tầm trung và tầm xa, khoảng thời gian giữa hai xung thăm dò cho phép điều chỉnh AK (tính toán các trọng số) trước khi bắt đầu chu kỳ thăm dò tiếp theo. Thiết lập các trọng số AK được thực hiện tại cuối “cự ly” quan sát để loại trừ (hoặc với xác suất không đáng kể) “rơi” vào mẫu luyện tín hiệu phản xạ từ các địa vật cũng như từ các đối tượng trên không.

Trong các ra đa có chu kỳ lặp ngắn (ra đa tầm gần), số lượng phần tử cự ly sau lấy mẫu nhỏ việc tính toán các hệ số trọng số AK phải được thực hiện trong các khoảng dịch vụ đặc biệt khi ra đa không phát xạ mà chỉ hoạt động để thu. Trên thực tế, điều này có nghĩa là mất thông tin có ích, dẫn đến mất khả năng phát hiện và suy giảm chất lượng xử lý giữa các chu kỳ do sự mở rộng dải thông các bộ lọc Doppler và tăng mức búp bên bộ lọc. Tuy nhiên, khoảng thời gian giữa các vùng dịch vụ càng dài thì độ dư trung bình NTC do sự không phối hợp các trọng số AK càng nhỏ. Do đó, đối với các hệ thống ra đa tầm gần, nhiệm vụ chọn tối ưu khoảng thời gian giữa các khoảng dịch vụ theo quan điểm triển khai tích hợp các hệ thống AK NTC và xử lý giữa các chu kỳ là rất cần thiết. Sai số liên quan đến hoạt động ra đa trong khi xe chuyển động cũng liên quan đến độ “lỗi thời” thiết lập hệ số triệt nhiễu, nhưng lỗi này thường không đáng kể, vì với tốc độ cực đại ~ 60 km/h,

xe sẽ vượt qua một khoảng cách nhỏ theo thời gian tỷ lệ thuận với chiều rộng gói phương vị (tức là thời gian thăm dò) và đóng góp chính vào “lỗi thời” hệ số chế áp sẽ do sai số động trong điều chỉnh bộ tự động bù khử liên quan đến chuyển động anten và các chế độ hoạt động ra đa.

Do đó, vấn đề ảnh hưởng nhiễu không dừng đối với hệ thống bù nhiễu tạp tích cực sẽ đặc biệt cấp bách trong các hệ thống ra đa cơ động tầm gần và phát hiện các đối tượng bay thấp.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) nghiên cứu giải pháp xử lý không gian – thời gian thích nghi nhằm nâng cao khả năng chống nhiễu của đài ra đa (Trang 84 - 87)