Chăn nuôi
Những nhóm nông dân nào có lợi nhiều nhất từ sự tăng trưởng trong chăn nuôi của quốc gia, và phải chăng sự bất công đang gia tăng? Liệu có phải sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi có tác động tiêu cực lớn tới độ che phủ rừng?
Khai thác gỗ tự nhiên quy mô nhỏ
Khai thác gỗ quy mô nhỏ có tầm quan trọng thế nào đối với giảm nghèo khi xét tới các yếu tố thúc đẩy như mở đường, phổ biến cưa xích, v.v… Nếu những đóng góp cho giảm nghèo là đáng kể thi liệu nó có thể trở thành một nguồn thu nhập bền vững hay không hay chỉ là tạm thời trong thời gian chuyển tiếp?
Sản xuất gỗ rừng trồng quy mô nhỏ
Làm thế nào để có thể giải quyết một thực tế là những người nghèo nhất trong số người nghèo thường sống ở các vùng sâu, cách xa bờ biển đông (xem Hình 1) trong khi các cơ sở chế biến gỗ lại nằm gần các đường lớn và một số nhà máy được dự kiến xây lại đóng gần các cảng biển (xem Jaakko Poyry 2001)? Dự báo về sự tăng vọt trong nhu cầu về gỗ rừng trồng trong tương lai chính xác đến đâu? Những khác biệt về địa lý trong cung và cầu gỗ ở Việt Nam là gì? Có thể làm cho người nghèo trở thành những người hưởng lợi chính của sự tăng nhu cầu gỗ (giả sử nhu cầu này sẽ là có thực) bằng cách giải quyết các vấn đề sau đây không: (1) sự tham gia của người nghèo đòi hỏi phải được tiếp cận các nguồn đất đai; (2) người nghèo cần phải có thu nhập ngắn hạn trong khi gỗ cần có thời gian trưởng thành lâu dài; (3) sự tồn tại của quá nhiều các khâu trung gian; và (4) việc khai thác gỗ trái phép? Làm thế nào để có thể bảo vệ những người sản xuất quy mô nhỏ khỏi những biến động về tình hình cung và cầu nguyên liệu thô, khi không thể dự báo trước được? Làm thể nào để người nghèo có thể trở thành những người hưởng lợi chính nếu Việt Nam quyết định chuyển từ loài gỗ chu kỳ ngắn sang dài hạn do tình trạng cung cấp quá mức bột giấy và giấy trong khu vực?
Các lâm sản ngoài gỗ
Lâm sản ngoài gỗ đã hỗ trợ đời sống của người dân theo cách nào và ở mức độ nào? Các lâm sản ngoài gỗ có vai trò gì trong việc thực hiện chức năng lưới an toàn (safety net) và bù đắp thiếu hụt trong thời gian giáp hạt cho các hộ gia đình? Có phải một số loại lâm sản ngoài gỗ đã trở thành một cái bẫy nghèo (poverty trap) và do vậy cần phải được thay thế hoặc bổ sung các sinh kế khác? Các lâm sản ngoài gỗ có thể hỗ trợ giảm nghèo ở mức độ nào nếu sản lượng của chúng tăng thông qua việc cải thiện các cơ chế thị trường? Có phải rừng vẫn tồn tại và không bị chuyển đổi sang các mục đích sử dụng đất khác bởi nó có chức năng kinh tế xã hội sống còn nhưng vô hình?
Khoán Bảo vệ Rừng
Việc tăng các lợi ích thông qua Khoán Bảo vệ Rừng (ví dụ như là phần sản phẩm rừng lớn hơn được giao cho các hộ gia đình và không chỉ các cá nhân, gắn khoán Bảo vệ
William D. Sunderlin và Huỳnh Thu Ba | 59
Rừng với lâm nghiệp cộng đồng và cung cấp tín dụng) có thể tăng lợi ích đời sống cho người dân một cách đáng kể không? Khoán Bảo vệ Rừng có hỗ trợ cho mục tiêu phục hồi rừng hay không?
Các hiệu quả cấp số nhân
Những hiệu quả cấp số nhân của các hoạt động ngành rừng trong cấu phần và chất lượng đời sống tại địa phương là gi? Vấn đề này hiển nhiên liên quan đến kế hoạch đưa vào các hoạt động tăng giá trị cùng với các dây chuyền sản xuất từ trang trại tới nhà máy và từ nhà máy tới người tiêu dùng trong và ngoài Việt Nam.
Các hiệu quả gián tiếp
Các hoạt động lâm nghiệp đóng góp cho ngân khố quốc gia thông qua các khoản thuế và do đó đã hỗ trợ cho các nỗ lực phát triển ở mức độ nào? Những câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này có thể sẽ rất có lợi không chỉ cho việc lường trước các tác động của sự gia tăng nhanh chóng của ngành trồng rừng và chế biến gỗ mà còn phục vụ cho mục đích quản lý và hướng ngân khố quốc gia tới các khoản chi tiêu có mục đích hữu ích nhất.
Lâm nghiệp cộng đồng và chia sẻ lợi nhuận
Trong điều kiện các tổ chức cấp thôn bản không chỉ phải đối mặt với sự suy yếu của chính các tổ chức này do các tác động của các chính sách trước đây, mà còn bởi thách thức trong việc thực hiện những mô hình quản lý rừng mới, họ được chuẩn bị để thực hiện lâm nghiệp cộng đồng và chia sẻ lợi nhuận như thế nào. Sẽ có hay không một sân chơi công bằng mà ở đó các cộng đồng sẽ không bị thua thiệt trong cuộc cạnh tranh với những lợi ích thương mại bên ngoài trong việc tiếp cận các nguồn rừng? Nói chung, sự hiểu biết về mối quan hệ giữa lâm nghiệp cộng đồng và tiềm năng giảm nghèo ở Việt Nam vẫn còn nghèo nàn và hạn chế (Nguyễn Hải Nam 2002:2).
60
Tài liệu nghiên cứu tổng hợp này cố gắng tìm hiểu các vấn đề của cả hai công tác được ưu tiên cấp quốc gia ở Việt Nam: nỗ lực giảm nghèo ở một đất nước nghèo song đang dần dần thịnh vượng này; và những nỗ lực ngăn chặn mất, suy thoái rừng và trồng rừng quy mô lớn trên cả nước. Giảm nghèo và quản lý rừng là hai phạm vi tách biệt về công tác kiểm tra, ghi chép tư liệu, nghiên cứu, phân tích, lập kế hoạch, xây dựng và thực hiện chính sách. Nhưng vì những lý do đầy thuyết phục, hai lĩnh vực này phải được xích lại gần nhau hơn. Các vùng có tỷ lệ nghèo cao thường chính là những vùng vẫn còn rừng tự nhiên. Căn cứ vào thực tế này, sẽ không thể lên kế hoạch xoá nghèo thành công mà không có những quan tâm đúng đắn tới các vấn đề thuộc về lâm nghiệp. Nhiều người dân nghèo đã từ lâu sống phụ thuộc vào nguồn tài nguyên rừng và họ vẫn sẽ tiếp tục sống như vậy. Và ngược lại, cũng cần thiết phải dành nhiều quan tâm hơn nữa tới các cơ chế rõ ràng nhằm cải thiện đời sống nông thôn để đạt được mục tiêu của Chương trình 5 triệu ha rừng.
Chúng tôi đã nghiên cứu tổng hợp các tài liệu chung cuả cả hai lĩnh vực kiến thức này để trả lời các câu hỏi liên quan đến: (1) tính hữu ích của tài nguyên rừng ở Việt Nam trong giảm nghèo trong quá khứ; (2) Khả năng đóng góp của tài nguyên rừng vào công tác giảm nghèo trong tương lai; (3) Mức độ tương thích giữa giảm nghèo và kế hoạch trồng rừng quy mô lớn. Chúng tôi đã trình bày các câu trả lời có ý nghĩa rộng cho cả ba vấn đề này. Những câu trả lời mang nghĩa rộng này sẽ có ích như một điểm khởi đầu cho những suy ngẫm và phân tích trong tương lai. Nhưng tính chất không chuyên sâu và sự thiếu tính cụ thể của nó đã phản ánh việc thiếu thông tin từ các tài liệu mà chúng tôi có trong tay để có thể trả lời các câu hỏi này một cách thoả đáng.
Ba kết luận chính của chúng tôi dựa trên những phát hiện này là: Thứ nhất cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn bởi các nguồn dữ liệu và tài liệu hiện có còn thiếu thông tin. Thứ hai, nghiên cứu so sánh chú trọng vào sự tương phản giữa những thành công và thất bại của các chương trình lâm nghiệp và về sự khác nhau trong các phương pháp tiếp cận chính sách giữa các tỉnh và huyện sẽ mang lại những câu trả lời hữu ích. Thứ ba, sự cộng tác chặt chẽ hơn giữa các ban ngành và cơ quan liên quan tới giảm nghèo và quản lý rừng sẽ giúp đưa ra những bài học về chính sách hữu ích. Những