Có nhiều ý kiến rất khác nhau về tiềm năng của các lâm sản ngoài gỗ trong việc hỗ trợ sinh kế nông thôn ở Việt Nam trong tương lai. Một số nguồn thông tin thì cho rằng vẫn còn nhiều tiềm năng cho sinh kế bền vững thông qua việc phát triển các lâm sản ngoài gỗ một cách hệ thống (Phạm Chí Thanh et al, 1999:67; FSIV 2002:5-51). Tuy nhiên Chương trình Phát triển Lâm nghiệp Xã hội nhận định rằng tiềm năng tạo thu nhập từ các lâm sản ngoài gỗ đã được các nhà nghiên cứu đánh giá quá cao (Lecup và Biện Quang Tú: 2000). Jamieson và đồng nghiệp của ông tranh luận rằng săn bắn, thu lượm và bắt cá cung cấp những nguồn dinh dưỡng bổ sung quan trọng tuy nhiên các nguồn này không còn đủ để đáp ứng các nhu cầu ngày càng lớn do việc gia tăng dân số (Jamieson et al. 1998). Các nhà nghiên cứu khác khẳng định rằng tầm quan trọng của các lâm sản ngoài gỗ trong việc tạo thu nhập đang bị giảm sút do sự cạn kiệt của các nguồn này, hoặc là do luật bảo vệ rừng ngày càng nghiêm (Hoàng Thế Khang 2000:34; Phan Thu Huyền 1998:23-30, Nguyễn Quang Đức et al. 1996:34). Theo Rambo (1997:44), ở hầu hết các vùng miền núi phía bắc, nơi mà một thời đã rất giàu động vật hoang dã nhưng nay đã bị tàn sát bởi săn bắn quá mức và phá hủy môi trường sống, nguồn kinh tế đáng kể này sẽ không còn tồn tại lâu hơn nữa. Những nhận xét khác nhau của các chuyên gia và nhà nghiên cứu về tiềm năng của các lâm sản ngoài gỗ trong việc hỗ trợ sinh kế cho người dân, đã nhấn mạnh sự cần thiết có thêm những nghiên cứu trong tương lai.
38 | Nội dung nghiên cứu