Bàn luận về anh hưởng do áp lực từ gia đình

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số yếu tố nguy cơ và ảnh hưởng của vô sinh do vòi tử cung đến phụ nữ tại Thanh Hóa (Trang 120 - 121)

Như phần kết quả phỏng vấn cho thấy, tác động tích cực từ phía gia đình chồng hầu như rất ít, chủ yếu là thái độ dè bỉu, kỳ thị do nguyên nhân VS do người vợ. Và ở đây, yếu tố giới cũng là một yếu tố bao trùm lên những tác động có tính chất động viên người phụ nữ khi những tác động tích cực này chủ yếu bắt nguồn từ gia đình người vợ. “Bố mẹ em thì cũng biết nguyên nhân là ở em cho nên cũng thương em lắm chị ạ. Có bao nhiêu tiền là gom góp lại để cho em đi điều trị.” (phụ nữ 41T, buôn bán nhỏ, nông thôn).

Điều này thường xuyên xảy ra đối với những phụ nữ ở nông thôn, sống cùng với gia đình nhà chồng, có trình độ học vấn thấp và là nông dân, thu nhập chủ yếu dựa vào làm ruộng cùng với gia đình nhà chồng. Người phụ nữ luôn luôn phải chịu đựng những lời chỉ trích, điều ra tiếng vào của gia đình chồng hoặc chửi chó mắng mèo bâng quơ mà ai cũng hiểu được nguyên nhân chỉ là do không sinh nở được của người phụ nữ (tâm sự của người phụ nữ 37T, VS I, nông dân, miền núi và người phụ nữ 39T, VS I, giáo viên mầm non, nông thôn).

Khác với phụ nữ phương Tây và một số nước phát triển khác, việc sống chung “tứ đại đồng đường” trong một gia đình, đặc biệt ở nông thôn là chuyện rất bình thường. Do đó, những ảnh hưởng từ phía gia đình chồng cũng gây cho người phụ nữ Việt Nam những áp lực rất lớn đối với người phụ nữ bị VS, đặc biệt là những phụ nữ sống ở nông thôn. “Người ta thấy mình không có con là coi như người dưng nước lã rồi, nông thôn là thế đấy chị ạ.” (phụ nữ 39T, giáo viên mầm non, nông thôn).

Như vậy, có quá nhiều những ảnh hưởng tiêu cực góp phần làm suy sụp tinh thần người phụ nữ bị VS mà nguồn gốc cũng chỉ từ việc không thể sinh đẻ của cô con dâu trong khi con trai mình vẫn có khả năng có con. Áp lực này đối với phụ nữ cũng không kém gì những áp lực khác mà người phụ nữ phải chịu đựng mà hậu quả thường là bị đuổi ra khỏi gia đình nhà chồng vì không có khả năng sinh con.

Chi phí điều trị và thời gian điều trị kéo dài cũng luôn là nỗi bực dọc của các gia đình nhà chồng do nguyên nhân VS từ phía người con dâu. Điều này cũng dễ hiểu chung bởi chi phí điều trị quá cao so với thu nhập của người dân ở những nước nghèo [5], [7], [87].

Đây không phải là một điều nhỏ, vì khi không còn gánh nổi áp lực chi phí điều trị mà chưa thể có con, ly hôn hoặc đa thê là điều khó tránh khỏi [84], [130]. Ngoài ra, quan điểm của gia đình nhà chồng rất rõ rệt về yếu tố giới, tức là nguyên nhân VS do người vợ nên tiền nong chi phí điều trị hiển nhiên phải do bên nhà ngoại lo lắng, góp tiền cho con gái đi điều trị. Yếu tố này đã được nhắc đi nhắc lại tương đối nhiều lần trong phần phân tích này.

Việc kích động con trai mình bỏ vợ do người vợ không sinh được con cũng là điều thường gặp trong các cuộc phỏng vấn, đặc biệt là những phụ nữ sống ở nông thôn và sống cùng với gia đình nhà chồng. Cũng chỉ vì biết rõ nguyên nhân VS là do người con dâu, gia đình nhà chồng tìm cách gây chia rẽ, muốn con trai mình bỏ vợ để lấy người vợ khác có khả năng sinh con để có người nối dõi tông đường, bởi đối với họ, một người con dâu không thể có con là không thể chấp nhận được.

Vẫn là nhóm phụ nữ sống cùng với gia đình nhà chồng, sống ở nông thôn bị áp lực từ gia đình nhà chồng rất nhiều so với nhóm phụ nữ sống ở thành thị, sống độc lập và không phụ thuộc vào kinh tế nhà chồng.

Như vậy, người phụ nữ Việt Nam luôn gánh chịu những thiệt thòi liên quan đến yếu tố giới tương tự như những nghiên cứu liên quan đến phụ nữ Á đông và khác hẳn phụ nữ ở các nước phương Tây [87], [109], [130]. Kết quả này tương tự như những kết quả được rút ra từ những nghiên cứu có liên quan đến các nước châu Á và châu Phi [96], [130].

Trong khi đó, phụ nữ phương Tây hầu như không bị áp lực nhiều về chuyện không có con, nhiều phụ nữ không quan tâm đến chuyện con cái, thậm chí nhiều nước mà điều trị VS vẫn được sự trợ giúp của chính phủ thì tỷ lệ tiếp cận dịch vụ điều trị VS cũng chỉ đạt 42-76,3% [45].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số yếu tố nguy cơ và ảnh hưởng của vô sinh do vòi tử cung đến phụ nữ tại Thanh Hóa (Trang 120 - 121)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(128 trang)
w