Một số nghiên cứu trong nước về đánh giá ô nhiễm KLN trong trầm tích

Một phần của tài liệu Đánh giá rủi ro sinh thái của Chì và Asen trong trầm tích mặt tại hồ Xanh phường Hòa Thọ Tây quận Cẩm Lệ TP. Đà Nẵng. (Trang 29 - 32)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1.4. MỘT SỐ NGHIÊN CỨU TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ

1.4.2. Một số nghiên cứu trong nước về đánh giá ô nhiễm KLN trong trầm tích

Tại Việt Nam, các nghiên cứu về KLN trong trầm tích có thể kể đến:

Theo kết quả nghiên cứu của Phùng Thái Dương và cộng sự (2015) về đánh giá hàm lượng các KLN trong trầm tích đáy vùng cửa sông Mê Kông, hàm lượng trung bình KLN trong 20 điểm lấy mẫu được thể hiện theo thứ tự: Hg (0,1mg/kg) < As (5,9mg/kg) < Cd (1,1mg/kg) < Pb (3,8mg/kg) < Cu (33,4mg/kg) < Zn (96,6mg/kg). Ngoại trừ Pb thì hàm lượng các KLN còn lại tại hầu hết các điểm nghiên cứu gần bằng QCQG Việt Nam (dùng để đánh giá mức độ ảnh hưởng bất lợi đến các động vật thủy sinh và hệ sinh thái ven sông). Theo nhóm tác giả, các nhánh sông nhỏ đổ vào sông chính có hàm lượng tương đối cao, điều này chứng tỏ bên cạnh nguồn gây ô nhiễm từ phía thượng nguồn thì hoạt động kinh tế - xã hội của người dân nơi đây cũng có vai trò to lớn đối với việc tích tụ các KLN trong trầm tích đáy sông [8].

Nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Tuấn và cộng sự năm 2008 về đánh giá hàm lượng một số KLN trong trầm tích tại vùng Đầm Nha Phu, Khánh Hòa. Nghiên cứu tiến hành tại 15 vị trí lấy mẫu với 5 KLN: Cu, Hg, Pb, Cd, As. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng hàm lượng Cu (4.2-9.8 µg/g), Pb (6.4-18.3 µg/g), Cd (0.59-0.85 µg/g), Hg (0.12-0.53 µg/g) và As (0.94-2.88 µg/g), nhìn chung ngoài Cd ra thì tất cả các KLN trong các mẫu nghiên cứu đều nằm trong TCCP [17].

Năm 2006, Hoàng Thị Thanh Thủy và cộng sự đánh giá hàm lượng của KLN trong trầm tích và các dạng hóa học của chúng tại sông Rạch. Nghiên cứu tiến hành trên 33 vị trí lấy mẫu, phân tích 5 KLN: As, Cd, Pb, Hg và Zn. Kết quả phân tích cho thấy có sự tích lũy khá lớn của các KLN, ở một số vị trí hàm lượng KLN đã vượt quá giới hạn cho phép như kênh Tân Hóa-Lò Gốm và Tàu Hũ-Bến Nghé [16].

Nghiên cứu của Võ Văn Minh và cộng sự (2014) về đánh giá hàm lượng các KLN trong trầm tích ở một số cửa sông khu vực miền trung Việt Nam bao gồm cửa Thuận An (sông Hương, Thừa Thiên - Huế), cửa Đại (sông Thu Bồn, Quảng Nam), cửa Sa Cần (sông Trà Bồng, Quãng Ngãi) cho thấy, hàm lượng các KLN trong trầm tích ở phần lớn các điểm nghiên cứu đều thấp hơn quy chuẩn cho phép [9].

Tại Đà Nẵng, nghiên cứu của Phạm Thị Nga và cộng sự (2008) về đánh giá ô nhiễm KLN trong trầm tích vùng vịnh Đà Nẵng tiến hành trên 58 mẫu với 7 KLN: Cu, Pb, Zn. Cd, As, Hg, Sb. Kết quả nghiên cứu cho thấy trầm tích mặt tại vùng biển vịnh Đà Nẵng đã bị ô nhiễm KLN. Nguy cơ ô nhiễm As xảy ra trên toàn bộ vùng nghiên cứu với 51/58 mẫu có hàm lượng 0.32-0.63 ppm [11].

Nghiên cứu của Phan Thị Kim Ngà và cộng sự (2012) về đánh giá mức độ ô nhiễm KLN trong hồ công viên 29/3 – TP. Đà Nẵng cho thấy rằng, trong 6 KLN được nghiên cứu (Pb, As, Zn, Cu, Cd, Hg), hàm lượng Hg ở tất cả các điểm lấy mẫu đều vượt TCCP từ 3,5 đến 5,2 lần, hàm lượng Pb tại các điểm TT1, TT3, TT4 và TT6 vượt TCCP từ 1,04 đến 1,1 lần, những vị trí còn lại, hàm lượng các KLN đều nằm trong TCCP. Theo kết quả nghiên cứu, hồ công viên 29/3 bị ô nhiễm bởi Hg và có nguy cơ ô nhiễm Pb [10].

Theo nghiên cứu của Phan Thị Dung (2009) về đánh giá mức độ tích lũy KLN trong trầm tích sông Nhuệ, trong tất cả các mẫu trầm tích, hàm lượng Pb dao động trong khoảng 375,2 – 490,2mg/kg, vượt TCCP từ 4 – 5 lần; hàm lượng Cd dao động trong khoảng 7,4 – 14,8mg/kg, vượt TCCP từ 2,1 – 4,2 lần; hàm lượng Hg dao động từ 0,64 – 0,94mg/kg, vượt TCCP từ 1,28 – 1,68 lần và hàm lượng As dao động từ 2,4 – 6,4mg/kg, nằm trong TCCP. Nhóm tác giả nhận định rằng, các vị trí có hàm lượng KLN tăng cao đều có sự liên quan trực tiếp đến hoạt động của con người. do đó có

thể đánh giá rằng trầm tích sông Nhuệ đã có dấu hiệu bị ô nhiễm KLN Pb, Cd, Hg và có nguy cơ ô nhiễm As do các hoạt động sản xuất và chất thải đô thị [7].

Như vậy, việc đánh giá mức độ ô nhiễm KLN trong trầm tích ở nước ta hiện nay đã được quan tâm nghiên cứu nhiều, tuy nhiên việc đánh giá rủi ro sinh thái của các KLN trong trầm tích vẫn còn khá mới mẻ và chủ yếu các nghiên cứu tập trung vào đánh giá rủi ro sinh thái của KLN trong trầm tích sông, cửa sông, ven biển, trong khi các hồ đô thị đóng vai trò rất lớn trong điều tiết nước thải đô thị và vấn đề ô nhiễm KLN trong các hồ đô thị ngày càng đáng quan tâm, trong đó có hồ Xanh, Hòa Thọ Tây, Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng. Vì vậy, việc đánh giá mức độ ô nhiễm và rủi ro sinh thái do KLN tại khu vực này cần được quan tâm nghiên cứu.

CHƯƠNG 2

ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Đánh giá rủi ro sinh thái của Chì và Asen trong trầm tích mặt tại hồ Xanh phường Hòa Thọ Tây quận Cẩm Lệ TP. Đà Nẵng. (Trang 29 - 32)