Nguồn gốc hình thành tín ngưỡng phồn thực

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng phồn thực trong đời sống văn hoá của người Chăm pps (Trang 25 - 29)

7. Bố cục đề tài

2.1.2. Nguồn gốc hình thành tín ngưỡng phồn thực

Việt Nam một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á nằm ở nơi giao thoa nhiều nền văn hóa lớn thế giới nên có điều kiện giao lưu, tiếp biến các giá trị văn hóa từ bên ngoài vào. Với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, vì vậy cây lúa nước rất phát triển. Và đây là cái nôi của nền văn minh lúa nước. Chính đặc điểm của điều kiện tự nhiên đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp phát triển cả vùng Đông Nam Á nói chung. Nhiều nhà nghiên cứu đều nhận định “Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đã cung cấp cho con người Đông Nam Á một tài nguyên phong phú, đa dạng rất hào phóng nhưng cũng đầy nghịch lý và thách đố đối với con người khi họ khai thác tự nhiên vào mục đích canh tác. Là một khu vực bán đảo và đảo nên Đông Nam Á có đủ núi rừng đồng bằng biển và được nối bởi hệ thống sông ngòi chằng chịt đầy nước, đặc biệt là nguồn nhiệt ẩm phong phú. Đây là một môi trường lý tưởng cho sự phát triển nông nghiệp với một sức sống mãnh liệt”[18; tr.44]. Bởi vì làm nông nghiệp luôn phụ thuộc vào tự nhiên, mùa vụ nên con người luôn cảm thấy mình nhỏ bé và sợ hãi. Hơn nữa, với nền kinh tế sản xuất như mang tính tự cung tự cấp, con người ở đây luôn sống trong sự lệ thuộc vào tự nhiên. Trước thiên nhiên bao la với những sức mạnh huyền bí, họ luôn run sợ, thần thánh hóa các lực lượng siêu nhiên, chỉ biết cầu khẩn thụ động nhờ trời. Nói theo kiểu Việt Nam “Ơn trời mưa nắng phải thì, trông trời, trông đất trông mây. Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm. Trông cho chân cứng đá mềm, trời êm bể lặng mới yên tấm lòng” [18; tr.44]. Chính điều đó đã tạo cho các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam và Đông Nam Á đều có ý niệm về cuộc sống và sự sinh tồn. Đối với họ là một vấn đề vô cùng quan trọng đặc biệt là cư dân làm ruộng lúa nước. Họ xem sự sống như một nguyên tắc bức thiết được đặt trên hết, một cái gì đó như “đạo sống”, “đạo sinh tồn” và tâm thức đó đã cắm sâu vào đời sống tinh thần là nền móng vững

chắc, là nguyên lý khởi đầu cho tín ngưỡng phồn thực. Do vậy ước vọng về sự sinh sôi nảy nở bao giờ cũng luôn được đề cao.

Ngay từ đầu, duy trì và phát triển sự sống đã là một nhu cầu bức thiết của con người. Đối với văn hóa nông nghiệp, hai việc này lại càng bội phần hệ trọng. Để duy trì cuộc sống, cần cho mùa màng tươi tốt. Để phát triển sự sống, cần cho con người sinh sôi. Ở loại hình văn hóa nông nghiệp, hai hình thức sản xuất lúa gạo và snả xuất con người để kế tục dòng giống này có bản chất giống nhau. Đó là sự kết hợp của hai yếu tố khác loại (đất và trời, mẹ và cha). Từ một thực tiễn chung này, tư duy của cư dân nông nghiệp Đông Nam Á nói chung và Nam Á nói riêng, đã phát triển theo hai hướng: những trí tuệ sắc sảo đi tìm qui luật khoa học để lý giải hiện thực và họ đã xây dựng được triết lý âm dương. Những trí tuệ bình dân nhìn thấy ở thực tiễn đó một sức mạnh siêu nhiên, bởi vậy mà sùng bái nó như thần thánh kết quả là xuất hiện tín ngưỡng phồn thực. Ở Việt Nam, tín ngưỡng phồn thực từng tồn tại suốt chiều dài lịch sử, và có hai dạng biểu hiện: thờ cơ quan sinh dục và bản thân hành vi giao phối [69; tr.234]. Điều này hoàn toàn khác hẳn so với văn hóa phương Tây hay các nền văn hóa gốc du mục khác. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản giữa tín ngưỡng phồn thực ở phương Đông và phương Tây. Ở phương Tây, tín ngưỡng phồn thực không có hành vi giao phối chỉ có thờ sinh thực khí nhưng chỉ sinh thực khí nam mang chất dương tính còn ở phương Đông kết hợp cả hai và thiên về âm tính nhiều hơn so với dương tính. Ở các nền văn hóa khác như Trung Hoa, Ấn Độ việc thờ sinh thực khí nam là tiêu biểu và mang tính vũ trụ luận hay triết học rất cao. Còn ở phương Đông, người ta tìm thấy rất nhiều bức tranh điêu khắc, những tượng người đang trong tư thế giao phối với nhau. Không chỉ tượng người mà tượng thú, động vật cũng giao phối. Điều đó cho thấy việc người xưa coi trọng việc thờ hành vi giao phối nhằm thỏa mãn vấn đề tính dục trong cuộc sống bởi vì đó là cơ sở, là nguồn gốc để sinh ra con người và vạn vật. Việc thờ như vậy trong văn hóa phương Tây và các nền văn hóa du mục khác không có. Trong văn hóa phương Tây yếu tố phồn thực chỉ được thấy trong các bức tranh với hình ảnh nam nữ đang trong tư thế khỏa thân hoặc trong cảnh ôm ấp

hòa quyện với nhau thể hiện vấn đề tính dục mà thôi.

Hơn nữa, tín ngưỡng phồn thực nó có mối quan hệ chặt chẽ với triết lý âm dương, tư duy lưỡng hợp. Đối với người làm nông nghiệp, người ta đều nhận thấy các hình thái sinh sản có cùng một bản chất cùng cầu đến sự hòa hợp của hai yếu tố cha (trời-dương) và mẹ (đất-âm), đực-cái, mặt trời-mặt trăng, vật tổ rồng-chim. Chính sự liên tưởng giữa trời-đất, dương-âm và đực-cái, nguồn gốc sản sinh ra con người và vạn vật luôn tồn tại trong tâm thức người nông dân phương Đông là sự khái quát hóa đầu tiên đưa đến triết lý cơ bản của người phương Đông, triết lý âm dương. Và triết lý này đã chi phối mọi hành vi, ứng xử và hoạt động của người phương Đông, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp. Tư duy lưỡng hợp cũng vậy, kiểu tư duy này luôn có hai mặt đối lập, luôn tồn tại và bổ sung cho nhau. Và khi hai yếu tố đối lập ấy kết hợp lại với nhau hay còn gọi giao hợp sẽ tạo ra sự sinh sôi phát triển cho muôn loài. Điều đó được thể hiện trên các hiện vật khảo cổ tìm thấy ở người Việt rất nhiều. Từ thời sơ sử các hoa văn nam nữ giao hợp trên nắp thạp đồng Đào Thịnh, hình dương vật và âm vật trên mặt trống đồng Đông Sơn [11; tr 162]. Chính vì vậy mà người nông nghiệp sau khi gieo cấy bao giờ cũng thờ cúng và tái hiện việc giao hòa âm dương, đực cái dưới các dạng thức khác nhau đẻ mong rằng cây cối sẽ thấy vậy, bắt chước theo và sẽ sinh sôi nảy nở nhanh chóng. Giữa tín ngưỡng phồn thực và triết lý âm dương có những điểm giống và khác nhau cơ bản. Nó giống nhau ở chỗ cả hai đều đưa ra hai yếu tố âm và dương, đực và cái và các cặp đôi khác. Nhưng điểm khác biệt ở chỗ một bên tín ngưỡng phồn thực thờ cơ quan sinh dục, hành động giao phối và cho rằng khi hai vật này tương tác với nhau sẽ đem lại mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no. Còn triết lý âm dương là một học thuyết triết học giải thích qui luật phát triển của sự vật hiện tượng trong dương có âm, trong âm có dương. Về sau, học thuyết này được phát triển cao khai sinh ra ngũ hành, bát quái và được ứng dụng vào mọi mặt của cuộc sống. Còn tín ngưỡng phồn thực vẫn là hình thức tín ngưỡng dân gian mang tính bình dân rõ rệt mang ý nghĩa tâm linh và có những nghi lễ thờ cúng. Trong khi đó triết lý âm dương là học thuyết mang tính chất khoa học không có những nghi lễ

thờ cúng. Nhiều nhà khoa học cho rằng triết lý âm dương được phát triển từ tín ngưỡng phồn thực.

Từ khi xuất hiện, tín ngưỡng phồn thực luôn phát triển đặc biệt đối với cư dân nông nghiệp. Tùy theo mỗi vùng đất, theo quan niệm của mỗi dân tộc mà nó được biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Nhiều nhà nghiên cứu bắt gặp rất nhiều dấu tích của nó như những hình vẽ trong hang động, những tượng đá cổ sơ với hình người đàn bà đầu nhỏ, mặt mũi không rõ nét nhưng mông vú, âm vật rất to. Người Chăm cũng là cư dân nông nghiệp lúa nước nên họ rất coi trọng tín ngưỡng phồn thực. Hình thức tín ngưỡng phồn thực của người Chăm cũng như người Việt đều dựa trên quan niệm âm dương lưỡng hợp rất rõ nét. Đối với cư dân Chăm ước vọng về sự sinh sôi nảy nở được phát triển thành một tinh thần phồn thực thể hiện khắp các mặt trong đời sống như phong tục tập quán, lễ hội… Linga và yoni được tôn thờ như hai vị thần, hai nguyên lý khởi nguyên của vũ trụ phân biệt và hòa hợp với nhau để sinh ra vạn vật. Nó được xem như tư tưởng chủ đạo trong văn hóa Chăm. Đồng thời nó cũng là một nét văn hóa độc đáo trong đời sống văn hóa của họ. Ninh Thuận nói riêng và các tỉnh Duyên hải miền Trung nói chung có khí hậu vô cùng khắc nghiệt nên cần có sự sinh sôi nảy nở để tồn tại là yếu tố cần thiết. Và chỉ có vậy mới có thể tồn tại, duy trì trong cuộc sống nên tín ngưỡng phồn thực của người Chăm khá nổi trội. Ngoài biểu tượng chính linga- yoni mang tính đặc trưng còn có các cặp đôi phồn thực được cấu trúc theo âm dương, lưỡng hợp. Nếu như ngọn tháp tượng trưung cho núi (dương) thì phải có một hào rãnh hay một cái gì đó tượng trưng cho biển (âm). Tháp là biểu tượng của linga, rãnh là yoni và hàng loạt các cặp âm dương khác như ngày (harei-dương)- đêm (mưlơm-âm), mặt trời (aditirak-dương)-mặt trăng (channưk-âm), chẵn (yow- âm)-lẻ (cawh-dương); phải (dương)-trái (âm). Trong các tín ngưỡng dân gian của người Chăm, tín ngưỡng phồn thực theo lễ thức nông nghiệp về việc đề cao yếu tố nữ theo chế độ mẫu hệ rất nổi bật với một hệ thống thần linh vô cùng phong phú [30; tr.19]. Từ đó có thể thấy rằng tín ngưỡng phồn thực của người Chăm cơ bản vẫn là tín ngưỡng bản địa ra đời trên cơ sở nông nghiệp lúa nước và được biểu

hiện dưới dạng âm dương. Nó đã chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của người Chăm ở Ninh Thuận đặc biệt người Chăm theo đạo Bàlamôn.

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng phồn thực trong đời sống văn hoá của người Chăm pps (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(71 trang)