Các công trình đã khảo sát không liệt kê được toàn bộ nghiên cứu về tội xâm phạm SHTT. Tuy nhiên, kết quả khảo sát đã phần nào phản ánh được trạng thái, xu hướng và quy mô của các nghiên cứu, đặc biệt là những công trình trong nước. Đánh giá những nghiên cứu về các tội xâm phạm SHTT có thể khái quát như sau:
Thứ nhất, hướng tiếp cận của các nghiên cứu về tội phạm SHTT phần lớn thể hiện được tính đa ngành, liên ngành. Điều này xuất phát từ bản thân của đối tượng nghiên cứu là tội xâm phạm SHTT. Xét về mặt ngôn ngữ, khái niệm tội xâm phạm SHTT được tạo thành từ khái niệm tội phạm (là đối tượng nghiên cứu đặc trưng của khoa học luật hình sự và nhiều ngành khoa học khác) và khái niệm SHTT (là đối tượng nghiên cứu đặc trưng của chuyên ngành SHTT thuộc khoa học luật tư (Luật SHTT, Luật dân sự, Luật kinh tế). Các hướng tiếp cận của những công trình lớn, toàn diện về các tội xâm phạm SHTT hiện nay cơ bản chọn hướng tiếp cận chủ đạo là tiếp cận xã hội học pháp luật và chính sách học pháp luật. Các công trình tiếp cận theo hướng truyền thống là tiếp cận luật học thực định không ít nhưng hầu hết là các công trình nghiên cứu cấp độ đơn giản chưa bao quát được tất cả các vấn đề cần nghiên cứu.
Thứ hai, những nghiên cứu về hành vi xâm phạm SHTT thể hiện sự đa dạng các cấp độ, các chuyên ngành khác nhau như chuyên ngành luật hình sự, chuyên ngành tội phạm học, chuyên ngành dân sự, kinh tế. Thực trạng tình hình nghiên cứu đã phân tích ở trên cho thấy rằng các công trình nghiên cứu dưới góc độ luật hình sự về các tội xâm phạm SHTT lại chiếm tỷ lệ thấp nhất trong số các nhóm chuyên ngành khác. Trường hợp các nghiên cứu chuyên ngành khác có đề cập đến góc độ pháp luật hình sự thì nội dung phân tích, trình bày thiếu hệ thống và chiều sâu.
Thứ ba, về nội dung kết quả nghiên cứu của các công trình, tuy khác nhau về cấp độ và cách tiếp cận, song đã cung cấp chất liệu cơ bản cho việc nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực hình sự. Tuy nhiên, tồn tại thực tế đó là nhiều nội dung còn manh mún, thiếu hệ thống, thiếu tính toàn diện của vấn đề; ít các công trình nghiên cứu về thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự Việt Nam truy cứu TNHS tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; đánh giá tính tương thích giữa pháp luật hình sự Việt Nam với pháp luật các quốc gia trên thế giới về các tội xâm phạm SHTT không có nhiều (thường chỉ mang tính khái quát, giới thiệu)2; các kiến nghị hoàn thiện
2 Nghiên cứu pháp luật nước ngoài về các tội xâm phạm SHTT không ít nhưng nghiên cứu so sánh với Việt Nam để đánh giá tính tương thích thì hầu như rất ít. Cũng phải nói thêm rằng, trong khi đó nghiên cứu so sánh vi phạm pháp luật Việt Nam về SHTT nói chung hay các vi phạm trong lĩnh vực dân sự liên quan đến SHTT với pháp luật nước ngoài cũng không phải không có (tất nhiên, nội dung này lại không trực tiếp hoặc không cụ thể cho đối tượng mà luận án nghiên cứu là “tội phạm” về SHTT).
pháp luật hình sự tuy đã được nêu lên nhưng còn khái quát, chưa cụ thể, đặc biệt là kiến nghị về hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự.
Nhìn chung, các công trình đã được khảo sát cho thấy nhiều vấn đề về lý luận, thực tiễn đã cơ bản có sự thống nhất nhưng cũng không ít vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau:
Một là, những vấn đề đã thống nhất:
- Các nghiên cứu về mặt lý luận phần nào làm sáng tỏ nội dung cơ bản của một số khái niệm “SHTT”, “quyền SHTT”, “tội phạm”. Những đặc điểm cơ bản nhất của tội xâm phạm SHTT cũng đã được chỉ ra và phân tích ở những mức độ nhất định. Đây là tiền đề quan trọng cho những nghiên cứu tiếp theo về các tội xâm phạm SHTT.
- Các công trình nghiên cứu đã phần nào khái lược và so sánh về mặt lịch sử lập pháp các tội xâm phạm SHTT ở những giai đoạn trước, thống nhất phân tích một số dấu hiệu CTTP và hình phạt đối với từng tội thuộc nhóm xâm phạm SHTT theo quy định pháp luật hình sự Việt Nam.
- Ở các mức độ khác nhau, một số công trình nghiên cứu đã đưa ra một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn xét xử các tội xâm phạm SHTT để thấy sự bất hợp lý trong quy định của pháp luật và khó khăn khác trong vấn đề áp dụng pháp luật hình sự về các tội xâm phạm SHTT như: các dấu hiệu định tội chưa rõ ràng, khó xác định; hoạt động thực thi thiếu hiệu quả do những nguyên nhân chủ quan từ phía đội ngũ áp dụng pháp luật nhưng cũng bao gồm cả những nguyên nhân khách quan khác từ phía chủ thể quyền, người dân, hợp tác quốc tế…
- Có những công trình nghiên cứu đã đưa ra những kiến nghị góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự hiện hành về các tội xâm phạm SHTT cũng như giải pháp bảo đảm hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự về các tội xâm phạm SHTT như: đề xuất sửa đổi, bổ sung, giải thích quy định pháp luật hình sự và các ngành luật khác có liên quan đến lĩnh vực SHTT …; các giải pháp liên quan đến tăng cường các hoạt động thực thi, áp dụng pháp luật theo hướng nâng cao hiệu quả; giáo dục ý thức pháp luật; tăng cường hợp tác quốc tế…
Hai là, những vấn đề chưa thống nhất:
- Định nghĩa chung, chính thống cho khái niệm SHTT, quyền SHTT. Đối với khái niệm tội phạm, mặc dù BLHS đã đưa ra định nghĩa pháp lý nhưng trong khoa học luật hình sự vẫn có những cách định nghĩa khác nhau. Trong nghiên cứu lý luận cũng như khi nghiên cứu quy định của pháp luật còn có những quan điểm khác nhau về câu hỏi các tội phạm về hàng giả có thuộc nhóm xâm phạm SHTT hay không.
- Quan điểm định tội danh, xác định TNHS trong thực tiễn xét xử vụ án hình sự cụ thể về các tội xâm phạm SHTT còn có những trường hợp chưa thống nhất như định tội danh tội xâm phạm SHCN hay tội phạm về hàng giả; chưa thống nhất cách hiểu về quy mô thương mại...
- Các công trình nghiên cứu hoàn thiện pháp luật và đảm bảo áp dụng pháp luật hình sự về các tội xâm phạm SHTT không ít nhưng quan điểm, yêu cầu và giải pháp hoàn thiện cũng còn nhiều điểm khác nhau. Có công trình nghiên cứu về nội dung này nhưng gắn liền với BLHS 1999, mà trong đó, nhiều giải pháp hoàn thiện đã được thể hiện trong BLHS 2015, do đó, chưa phản ánh được tính mới của pháp luật hình sự hiện hành.