Việc bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của nhà nước luôn được quan tâm hàng đầu thể hiện qua số liệu thống kê các vụ án mà Tòa án đã thụ lý, giải quyết qua các năm ngày càng gia tăng. Điều này cho thấy việc quyền lợi của người dân đã ngày càng được bảo đảm hơn. Trong những năm qua, Tòa án vẫn luôn nỗ lực thụ lý giải quyết các tranh chấp dân sự một cách nhanh chóng, kịp thời, tạo điều kiện cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình, bảo đảm cho các đương sự bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng để đảm bảo quyền khởi kiện, tiếp cận được với công lý của các chủ thể tham gia tố tụng. Trải qua hơn 5 năm áp dụng BLTTDS năm 2015, ngành Tòa án đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực dân sự như sau:
Trong năm 2015, TAND các cấp giải quyết được 308.585 vụ việc (đạt 92,6%) trong tổng số 333.159 vụ việc thụ lý (so với cùng kì năm trước số thụ lý tăng 12.172 vụ, giải quyết tăng 14.123 vụ). Năm 2016, thụ lý 359.748 vụ, giải quyết 332.896 vụ (đạt 92,5%) so với cùng kì năm ngoái thụ lý tăng 26.598 vụ, giải quyết tăng 24.311 vụ. Năm 2017, giải quyết 338.756 vụ (đạt 87,5%) trong tổng số 387.051 vụ (so với cùng kì năm ngoái thụ lý tăng 27.303 vụ, giải quyết tăng 32.033 vụ).
Năm 2018, thụ lý 439.546 vụ, giải quyết 386.923 vụ (đạt 88,03%), thụ lý tăng 4829 vụ, giải quyết tăng 48.912 vụ so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy là 0,64% giảm 0,09% so với cùng kì năm 2017; tỷ lệ bản án, quyết định bị sửa là 1,2% tăng 0,1% so với cùng kì năm 2017. Chiếm tỷ lệ cao là các tranh chấp về hợp đồng vay tài sản (38.917 vụ), tranh chấp về quyền sử dụng đất (15.192 vụ), tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (9.469 vụ), tranh chấp đòi đất cho mượn, cho sử dụng nhờ, lấn chiếm (5.625 vụ). Các vụ án hôn nhân và gia đình mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là 262.906 vụ (tăng 2.830 vụ so với cùng kỳ năm trước), trong đó ly hôn do mâu thuẫn gia đình chiếm tới 73,6% tổng số các vụ án ly hôn mà Tòa án đã giải quyết. Các vụ án kinh doanh thương mại mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là
15.439 vụ việc (tăng 1.423 vụ việc), chủ yếu là tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư tài chính, ngân hàng (chiếm 32,77%), mua bán hàng hóa (chiếm 21,32%). Các vụ án lao động mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là 3.665 vụ việc (giảm 1.248 vụ so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu là tranh chấp về xử lý kỷ luật, sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 26%). Các Tòa án cũng đã thụ lý 240 đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, trong đó: ra quyết định không mở thủ tục phá sản đối với 43 trường hợp, ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với 95 trường hợp (trong đó, đã tuyên bố phá sản 37 trường hợp, đình chỉ 17 trường hợp), các trường hợp còn lại đang được tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong công tác giải quyết, xét xử các VADS, các Tòa án đã quan tâm khắc phục có hiệu quả để các VADS quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Năm 2015 chỉ còn 116 vụ quá hạn do lỗi chủ quan, chiếm tỷ lệ 0,03% giảm 0,01% so với cùng kỳ năm 2014. Năm 2016 chỉ còn 67 vụ quá hạn do lỗi chủ quan, chiếm tỷ lệ 0,02% giảm 0,01% so với cùng kỳ năm 2015. Năm 2017, công tác giải quyết, xét xử các VADS của các Tòa án vẫn được giữ vững nhằm bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân cho đến năm 2018 công tác giải quyết, xét xử các vụ án dân sự, các Tòa án đã hạn chế đến mức thấp nhất việc để các VADS quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật chỉ còn 26 vụ quá hạn do lỗi chủ quan; hạn chế tối đa việc tạm đình chỉ nhiều lần đối với một vụ án, tạm đình chỉ giải quyết vụ án không có căn cứ; làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ về cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ án; chủ động xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết tốt vụ án [11],[13],[14].
Bên cạnh đó, Tòa án cũng đã chú trọng làm tốt việc hướng dẫn, hỗ trợ cho các chủ thể khi khởi kiện thực hiện đúng các yêu cầu về đơn khởi kiện, nghĩa vụ về cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ việc, đồng thời chủ động thu thập, xác minh chứng cứ trong các trường hợp được cho là cần thiết theo quy định của pháp luật TTDS, tăng cường phối hợp với các cơ quan khác để có thể giải quyết tốt VADS. Ngoài ra, các tổ chức trợ giúp pháp lý đặc biệt là các công ty luật hay văn phòng luật sư cũng đã góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ, tư vấn pháp luật cho người có nhu cầu khởi kiện để họ có thể thực hiện được quyền khởi kiện của mình một cách tốt hơn, cũng đảm bảo hơn trong việc người đi khởi kiện đã đảm bảo các quy định mà pháp luật đề ra về khởi kiện VADS [11, 122-123].
Qua các số liệu thống kê của ngành Tòa án, chúng ta có thể nhận thấy việc thụ lý và giải quyết các VADS theo quy định của pháp luật ngày càng tăng qua các năm điều đó chứng minh được sự tăng cường bảo đảm cho pháp luật được tuân thủ, thống nhất việc thực hiện quyền khởi kiện của các chủ thể được thực thi có hiệu quả, góp phần bảo vệ triệt để quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi yêu cầu Tòa án giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong đời sống xã hội.