Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật tố tụng dân sự cho người dân
Để bảo đảm quyền khởi kiện VADS của người dân được thực thi trước hết cần nâng cao ý thức pháp luật cho người dân thông qua nhiều biện pháp khác nhau. Cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trên diện rộng đến với từng người dân thông qua các phương tiện truyền thông báo chí, truyền hình, internet và thông qua công tác tuyên truyền tại địa phương của các cơ quan đoàn thể. Cần chú trọng phát triển hơn nữa vai trò của trung tâm tư vấn pháp luật. Mặc dù hoạt động của trung tâm còn mang tính bó hẹp nhưng lại mang lại giá trị thiết thực. Xây dựng các tủ sách pháp luật ở từng khu vực dân cư trong đó có các hướng dẫn chi tiết liên quan đến việc thực hiện quyền khởi kiện để người dân có thể tự tìm hiểu, nâng cao sự hiểu biết về pháp luật. Có như vậy, người dân mới biết được cách thức tự bảo vệ quyền lợi của bản thân thông qua việc khởi kiện ra Tòa án, biết được vấn đề cần khởi kiện, gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nào hay Tòa án nào mới có thẩm quyền giải quyết vụ việc tranh chấp của mình, cách thức làm đơn khởi kiện, phương thức gửi đơn khởi kiện, các tài liệu, chứng cứ cần có khi khởi kiện ra Tòa án để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Có thể nói, việc nâng cao ý thức pháp luật của người dân góp phần giúp cho hoạt động của Tòa án được diễn ra nhanh chóng, hiệu quả, chính xác, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc cho người dân cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng.
Tòa án cũng phải làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, tăng cường xét xử lưu động. Chính việc đưa các vụ án dân sự ra xét xử lưu động tại địa phương là một kênh tuyên truyền pháp luật cực kỳ có hiệu quả, thông qua đó mà người dân có thể điều chỉnh cách ứng xử sao cho đúng quy định của pháp luật.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tòa án
Tòa án là cơ quan có chức năng xét xử, thực hiện quyền tư pháp có nhiệm vụ bảo vệ công lý, công bằng xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền
công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tòa án phải là nơi đảm bảo cho việc thực thi công lý, là nơi mọi người dân có thể gửi gắm niềm tin rằng bất kỳ vi phạm pháp luật nào cũng bị xử lý nghiêm minh; bất cứ khi nào quyền, lợi ích hợp pháp của con người, của công dân bị xâm phạm đều được pháp luật bảo vệ. Sự phát triển nhanh chóng và đa dạng, phức tạp của các mối quan hệ pháp luật dân sự: Điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng phát triển, sự hội nhập kinh tế, văn hoá quốc tế... khiến cho các mối quan hệ dân sự trong đời sống xã hội ngày càng tăng lên không chỉ về số lượng mà còn cả về sự đa dạng và tính phức tạp... Những năm gần đây số lượng vụ việc dân sự được gửi đến Toà án giải quyết ngày càng tăng lên theo từng năm, trong khi đó số lượng Thẩm phán, khả năng, năng suất làm việc của họ cũng như khả năng chuyên môn chuyên môn không thể tăng lên một cách nhanh chóng như vậy. Số lượng vụ việc dân sự ngày càng quá tải đã gây ra sức ép rất lớn về mặt công việc cũng như tâm lý cho các cán bộ Tòa án, điều này khiến cho việc xảy ra sai phạm trong hoạt động nhận đơn khởi kiện, thụ lý vụ việc dân sự là điều khó tránh khỏi. Khi nhận hồ sơ vụ án dân sự các Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện, đơn yêu cầu không có quá nhiều thời gian, lại còn chịu áp lực công việc, vì quá căng thẳng nên đã dẫn đến những nhầm lẫn không đáng có trong quá trình thụ lý vụ việc. Mặt khác, một bộ phận đương sự cũng không hợp tác hay hợp tác không thiện chí với với Toà án trong việc giải quyết vụ án (cung cấp sai địa chỉ, chứng cứ, chậm đưa ra chứng cứ cần thiết...) cũng là nguyên nhân khiến cho việc thụ lý vụ án, việc dân sự còn sai sót, khó khăn. Do đó, đề nghị cần bổ sung thêm biên chế cho ngành Tòa án để có thể đáp ứng được nhu cầu giải quyết khối lượng công việc ngày càng nhiều, giảm sức ép cho ngành từ đó mà nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động của Tòa án. Ngoài ra cần tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về nhận đơn, thụ lý VADS. Tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có tư tưởng chính trị vững vàng; tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết cùng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ; không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức trong thực hiện công vụ, thực hiện nội quy, quy chế của cơ quan, quy tắc ứng xử của cán bộ công chức Tòa án Nhân dân.
Cần đề cao công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí
công vô tư” với phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn
Minh trong toàn ngành, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ công chức ngành TAND [21]; tích cực tham gia đầy đủ phong trào thi đua do các ngành Tòa án và địa phương phát động.
Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng trong khâu nhận đơn, thụ lý và giải quyết các vụ án dân sự; không để phát sinh quá hạn luật định; hạn chế việc tạm đình chỉ giải quyết các loại án; không để xảy ra tình trạng tuyên án không rõ ràng, khó thi hành; không kết án oan người; đảm bảo công tác thi hành án; tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan ban ngành có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ (thu thập, xác minh chứng cứ, tống đạt văn bản tố tụng...).
Nâng cao hiệu quả phương thức gửi đơn khởi kiện qua cổng thông tin điện tử
Cần đầu tư, phát triển cơ sở vật chất cho ngành Tòa án trong hội nhập với sự phát triển của công nghệ thông tin, đây cũng là điều kiện tiên quyết đối với việc triển khai và thực hiện tốt được phương thức gửi đơn khởi kiện thông qua cổng thông tin điện tử. Ngành Tòa án cần phải xây dựng được phần mềm hỗ trợ cho việc gửi đơn khởi kiện và nhận đơn khởi kiện trực tuyến thống nhất để dễ dàng thống kê số lượng đơn kiện, số liệu về các loại vụ án đã thụ lý giải quyết. Tiến hành đầu tư xây dựng hệ thống cổng thông điện tử cho tất cả các Tòa án đặc biệt là tại các vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa nơi có điều kiện khó khăn. Để làm được việc này thì vấn đề phủ sóng internet trên phạm vi cả nước cần phải được quan tâm thực hiện nhằm bảo đảm cho việc thực hiện phương thức gửi đơn này được thực hiện khả thi trên thực tế. Bên cạnh đó, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tòa án với Bộ Thông tin và truyền thông trong vấn đề cấp và quản lý chữ ký điện tử cho mỗi cá nhân nhằm phân biệt được rõ ràng các chủ thể khi thực hiện các giao dịch, thủ tục bằng phương tiện điện tử.
Phát huy vai trò kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp trong hoạt động tiếp nhận đơn khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự
Theo quy định của pháp luật TTDS thì Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp thực hiện chức năng kiểm sát đối với việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án thông qua quyền kiến nghị và thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật kể từ khi Tòa án thụ lý, giải quyết VADS. Nếu viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng này của mình thì sẽ hạn chế được việc trả lại đơn khởi kiện
không đúng quy định pháp luật của Tòa án từ đó mà bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện. Do đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của viện kiểm sát trong thực hiện pháp luật về khởi kiện VADS thông qua cơ chế xử lý trách nhiệm đối với kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án nhưng không phát hiện ra căn cứ trả lại đơn khởi kiện đúng pháp luật để thực hiện quyền kiến nghị kịp thời. Bên cạnh đó để các quy định về trách nhiệm của cán bộ, Thẩm phán Tòa án được thực thi một cách có hiệu quả thì công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất về việc chấp hành các quy định pháp luật của cán bộ, Thẩm phán trong việc giải quyết các VADS tại Tòa án nói chung, các quy định pháp luật về khởi kiện VADS nói riêng cần được tiến hành thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm.
KẾT LUẬN
Khởi kiện vụ án dân sự là giai đoạn mở đầu của quá trình tố tụng. Tuy không đòi hỏi quá nhiều thời gian, công sức, nhưng lại là một trong những giai đoạn quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án tại Toà án. Nếu không có khởi kiện vụ án dân sự thì sẽ không làm phát sinh những quyền và nghĩa vụ của Toà án và các đương sự trong việc giải quyết tranh chấp dân sự. Có thể nói những quy định về khởi kiện vụ án dân sự trong Bộ luật tố tụng dân sự có ý nghĩa rất quan trọng.
Các quy định của pháp luật nhìn chung đã quy định đầy đủ, chi tiết, rõ ràng, thống nhất việc khởi kiện VADS giúp cho Toà án dễ dàng hơn trong việc giải quyết các vụ án, các đương sự thực hiện kịp thời, thuận lợi yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trước, đảm bảo cuộc sống xã hội yên bình, góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có một số hạn chế nhất định dẫn đến việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trên cơ sở thực tiễn áp dụng tác giả đưa ra những đánh giá về việc thực thi các quy định về khởi kiện VADS trên thực tế, chỉ ra một số hạn chế và nguyên nhân của những vấn đề này. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng quy định pháp luật về khởi kiện VADS.