đãi người có công với cách mạng
Để tổ chức thực hiện chính sách được thành công và đạt mục tiêu đề ra, không thể một đơn vị tự triển khai thực hiện được, đòi hỏi cần có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị cùng thực hiện. Đặc biệt là công tác chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đây là việc làm mang nhiều ý nghĩa nhân văn, tri ân, báo đáp những người đã hy sinh tính mạng, của cải, vật chất của mình cho nền độc lập tự do, cho cuộc sống ấm no của nhân dân; do đó, nhiệm vụ này là trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp và toàn xã hội. Khi xây dựng Kế hoạch thực hiện chính sách ưu đãi
người có công với cách mạng, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị để phân công nhiệm vụ thực hiện chính sách một cách thông suốt và hiệu quả, mỗi cơ quan đảm nhận một công việc cụ thể, trong đó:
- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chính chịu trách nhiệm thực hiện chính sách ưu đãi người có công trên địa bàn thành phố: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố triển khai thực hiện các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”; giải quyết các chế độ chính sách đối với người có công kịp thời, đúng quy định. Bằng nhiều hình thức phong phú tổ chức tuyên truyền các hoạt động nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7, cách mạng tháng tám và Quốc khánh 02/9...; các văn bản mới quy định về chế độ chính sách có công, thông qua các phương tiện truyền thông nêu gương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào đền ơn đáp nghĩa; gương thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và Người có công với Cách mạng vượt khó vươn lên tạo dựng cuộc sống ổn định.
- Ủy ban Mặt Trận tổ quốc chỉ đạo các tổ chức thành viên chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan phát động phong trào vận động quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” và xây tặng nhà tình nghĩa đối với các gia đình có công với cách mạng khó khăn về nhà ở. Đồng thời, thực hiện chức năng giám sát đối với các hoạt động thực hiện chính sách ưu đãi người có công.
- Hội Cựu chiến binh: Có trách nhiệm tuyên truyền chính sách ưu đãi người có công đối với các hội viên; giúp đỡ, động viên người có công là thành viên của hội vươn lên trong cuộc sống; phối hợp giúp đỡ tìm kiếm mộ liệt sĩ quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ và vận động ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.
- Ban chỉ huy quân sự: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và UBND các xã, phường triển khai thực hiện kế hoạch khảo sát, quy tập hài cốt liệt sĩ để đưa vào các nghĩa trang liệt sĩ theo văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Trung ương. Giải quyết tốt chính sách đối với các thương binh tại ngũ và chế độ hậu phương theo quy định, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt các phong trào đền ơn đáp nghĩa ...
- Phòng Tài chính: Tham mưu cho UBND thành phố bảo đảm kinh phí triển khai công tác chính sách ưu đãi người có công và các hoạt động, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
- Đoàn thanh niên CSHCM (Thành đoàn): Có trách nhiệm giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ về sự hy sinh, cống hiến của các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và gia đình người có công với nước; tuyên truyền pháp luật về chính sách ưu đãi người có công. Hàng năm tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ; chăm sóc, vệ sinh các công trình ghi công liệt sĩ (nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sĩ...) vào dịp Lễ, Tết, ngày thương binh liệt sĩ 27/7 hoặc các ngày lễ lớn trong năm.
- Uỷ ban nhân dân các xã, phường có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực thương binh liệt sĩ; đẩy mạnh các hoạt động trong việc vận động ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tới các tầng lớp nhân dân. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công được kịp thời, chu đáo; chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ làm nhà tình nghĩa đối với người có công khó khăn về nhà ở. Hướng dẫn việc thiết lập hồ sơ đề nghị công nhận người có công trình cấp có thẩm quyền để giải quyết chế độ ưu đãi theo đúng quy định.
- Thủ trưởng các Phòng, ban liên quan và các đơn vị lực lượng vũ trang căn cứ chức năng nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tham gia phối hợp thực hiện công tác chính sách ưu đãi người có công trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả.
Để đánh giá khách quan về hoạt động trong việc phối hợp thực hiện chính sách ưu đãi người có công; tác giả đã tiến hành điều tra xã hội về sự phối hợp trong việc triển khai chính sách ưu đãi người có công (100 phiếu); đối tượng là cán bộ công chức cấp xã phường.
Số phiếu phát ra 100 phiếu; thu về 100 phiếu, đều hợp lệ; kết quả có 95% có ý kiến sự thành công trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công là có sự phối hợp của các đơn vị (Phụ lục bảng 2.2).
Qua kết quả điều tra của học viên, có thể nhận thấy rằng sự thành công của thực hiện chính sách không thể chỉ có một cơ quan chủ quản thực hiện mà đòi hỏi
sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể. Trong đó, cơ quan chủ quản (Phòng Lao động – TB&XH), Ủy ban mặt trận Tổ quốc đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện chính sách ưu đãi người có công. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đơn vị, tổ chức đoàn thể thì việc thực hiện chính sách người có công cũng sẽ không thành công. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách người có công, công tác phối hợp giữa UBMTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội với cơ quan chủ quản (phòng Lao động – Thương binh và Xã hội) và một số đơn vị liên quan có nhiều thời điểm chưa được chặt chẽ, chưa đạt được sự thống nhất ở một số nội dung như: Việc hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ ốm đau, bệnh tật, việc tổ chức các hoạt động thăm tặng quà nhân các ngày lễ lớn cho các đối tượng chính sách người có công...