3.3 ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG LOGISTICS TẠI DNBLST TRÊN
3.3.4 xuất các kiến nghị hỗ trợ
Căn cứ Kế hoạch số 117/KH-UBND về “Phát triển thương mại – dịch vụ văn minh, hiện đại trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025” ngày 24/5/2018 và Kế hoạch số 299/KH-UBND về “Phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025” ban hành ngày 24/12/2021, với mục tiêu phát triển và hỗ trợ các hoạt động logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, kiến nghị các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, với đơn vị trủ trì là Sở Công Thương tiếp tục triển khai và đôn đốc việc thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm (Bảng 3.3):
TIỂU KẾT CHƯƠNG 3
Trong chương 3, nghiên cứu đã khái quát về dự báo nhu cầu và định hướng phát triển thị trường bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Từ đó xác định quan điểm, yêu cầu và đề xuất một số giải pháp có tính khả thi cao cho các DNBL Việt Nam nói chung và các DNBLST trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng phát triển hoạt động logistics.
Có thể thấy, quy mô và số lượng các siêu thị bán lẻ tại Hà Nội có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2016 – 2020 và tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Điều này cho thấy thị trường cho các DNBLST trên địa bàn thành phố Hà Nội có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Mặc dù vậy, hoạt động tại các DNBL trên địa bàn, đặc biệt là các siêu thị vẫn còn nhiều bất cập, nhất là khâu logistics. Điều này đặt ra yêu cầu phát triển hoạt động logistics tại các DNBLST trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm đảm bảo khả năng cung ứng hàng hóa, cải thiện chất lượng phục vụ, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng đồng thời tối ưu hóa chi phí cho các doanh nghiệp.
Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về định hướng phát triển thương mại bán lẻ, quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025 cũng như thực trạng phát triển hoạt động logistics tại các DNBLST trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay, luận án đưa ra 6 quan điểm phát triển hoạt động logistics tại các DNBLST trên địa bàn thành phố Hà Nội trong giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, quan điểm ứng dụng rộng rãi và hiệu quả công nghệ và công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại để theo kịp với sự phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới, được xem là quan điểm xuyên suốt chi phối các giải pháp được đề xuất.
Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất 04 nhóm giải pháp; trong đó có 03 nhóm giải pháp đề xuất chủ yếu cho các DNBLST trên địa bàn thành phố Hà Nội liên quan đến phát triển các hoạt động logistics chức năng, phát triển tổ chức và phát triển nguồn lực logistics và 01 nhóm giải pháp đề xuất đối với các chủ thể khác với tư cách là người tạo lập môi trường thuận lợi cho sự phát triển hoạt động logistics tại các DNBLST trên địa bàn thành phố Hà Nội.
KẾT LUẬN
Quy mô và số lượng các siêu thị bán lẻ tại Hà Nội được đánh giá là phát triển khá mạnh trong giai đoạn 2016 – 2020 và kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Điều này cho thấy thị trường cho các doanh nghiệp bán lẻ siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Mặc dù vậy, hoạt động tại các doanh nghiệp bán lẻ siêu thị trên địa bàn vẫn còn nhiều bất cập, nhất là khâu logistics, làm giảm hiệu quả và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Điều này đặt ra yêu cầu phát triển hoạt động logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm đảm bảo khả năng cung ứng hàng hóa, cải thiện chất lượng phục vụ, đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng đồng thời tối ưu hóa chi phí và mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Với mục tiêu làm rõ những cơ sở khoa học về lý luận và thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp phát triển hoạt động logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, luận án đã đạt được một số kết quả: (1) Luận án đã góp phần bổ sung và hoàn thiện khung lý luận cơ bản về phát triển hoạt động logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ siêu thị theo hướng tiếp cận phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Trong đó, luận án đã luận giải khái niệm, phân định nội dung và đề xuất mô hình, phương pháp cũng như các tiêu chí đánh giá mức độ phát triển hoạt động logistics một cách chi tiết, gắn với đặc trưng của các doanh nghiệp bán lẻ siêu thị; (2) Dựa trên các dữ liệu thứ cấp và sơ cấp thu thập được, luận án đã phác thảo khái quát những nét chính trong bức tranh toàn cảnh về hoạt động logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời, luận án cũng tiến hành đánh giá mức độ phát triển hoạt động logistics tại các doanh nghiệp này theo mô hình, phương pháp và các tiêu chí đã được xây dựng; (3) Dựa trên các luận cứ khoa học và thực tiễn được phân tích, luận án đã đề xuất bốn nhóm giải pháp có tính khả thi cao, trong đó có ba nhóm giải pháp đề xuất cho các doanh nghiệp và một nhóm đề xuất đối với các chủ thể khác với tư cách là người tạo lập môi trường thuận lợi cho sự phát triển hoạt động logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Với những kết quả nêu trên, luận án đã góp phần bổ sung một tài liệu lý thuyết cho các lĩnh vực khoa học chuyên ngành về logistics và bán lẻ, đồng thời có thể là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên và những người quan tâm đến lĩnh vực logistics và bán lẻ. Kết quả đạt được của luận án cũng cho phép các doanh nghiệp bán lẻ siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội có thể nhìn nhận một cách khách quan và trung thựcthực trạng triển khai hoạt động logistics của mình, từ đó lựa chọn ứng dụng những giải pháp phù hợp đã được gợi ý để phát triển hoạt động logistics, tự tin đón đầu những thay đổi trong xu hướng bán lẻ thời gian tới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, với điều kiện nghiên cứu có nhiều hạn chế, luận án còn tồn tại ba vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Thứ nhất, luận án chưa tính đến sự khác biệt giữa các loại hình doanh nghiệp bán lẻ siêu thị (doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp có một siêu thị và doanh nghiệp có nhiều siêu thị trong mạng lưới, doanh nghiệp kinh doanh tổng hợp và doanh nghiệp chuyên doanh...) trong quá trình phân tích thực trạng và do đó cũng chưa đưa ra được các giải pháp phát triển hoạt động logistics tương ứng cho từng nhóm. Thứ hai, luận án mới tập trung phân tích thực trạng phát triển hoạt động logistics của các doanh nghiệp bán lẻ siêu thị được thống kê trong danh sách quản lý của Sở Công thương Hà Nội (cơ quan quản lý vĩ mô chịu trách nhiệm quản lý hoạt động kinh doanh siêu thị trên địa bàn Hà Nội). Đây là những doanh nghiệp bán lẻ đã thực hiện đăng ký kinh doanh siêu thị và hiện đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên trên thực tế, thị trường bán lẻ Hà Nội đang tồn tại một số doanh nghiệp bán lẻ có cơ sở bán lẻ mang đầy đủ các đặc điểm của siêu thị nhưng chưa đăng ký kinh doanh siêu thị nên không được thống kê trong danh sách của Sở. Do đó, số lượng doanh nghiệp bán lẻ siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội thực tế có thể nhiều hơn so với các số liệu hiện có. Thứ ba, với sự phát triển của khoa học công nghệ và sự bùng nổ của internet, nhiều doanh nghiệp bán lẻ siêu thị triển khai thêm kênh thương mại điện tử, đòi hỏi hoạt động logistics cần có những thay đổi nhất định để phù hợp với môi trường kinh doanh mới. Tuy nhiên luận án mới tập trung phân tích hoạt động logistics hỗ trợ hoạt động kinh doanh bán lẻ các sản phẩm hữu hình được cung ứng cho khách hàng qua mạng lưới siêu thị của doanh nghiệp, các hoạt động logistics phục vụ cho hình thức bán lẻ trực tuyến chưa được nghiên cứu trong đề tài.
Xuất phát từ những hạn chế trên, trong tương lai với những điều kiện nghiên cứu thuận lợi hơn, tác giả kỳ vọng sẽ theo đuổi và mở rộng các hướng nghiên cứu tiếp theo như: Sử dụng các kỹ thuật thống kê tham số (ví dụ như Anova, T-test...) để kiểm định sự khác biệt về phát triển hoạt động logistics giữa các loại hình doanh nghiệp bán lẻ siêu thị khác nhau; mở rộng quy mô mẫu nghiên cứu để đảm bảo bao quát toàn diện thực trạng phát triển hoạt động logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ siêu thị trên địa bàn thành phố; bổ sung các nghiên cứu chuyên sâu hơn về hoạt động logistics hỗ trợ hoạt động bán lẻ trực tuyến tại các doanh nghiệp bán lẻ siêu thị Hà Nội hiện nay.
Nhìn chung, đề tài luận án có hướng tiếp cận nghiên cứu khá mới tại Viêt Nam nên chắc chắn kết quả nghiên cứu còn nhiều thiếu sót. Tác giả rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, quý thầy cô, doanh nghiệp và người đọc nói chung để luận án được hoàn thiện hơn.
Xin trân trọng cám ơn!