Khái niệm và phân loại vitamine

Một phần của tài liệu Bài giảng Hóa sinh (Ngành Nuôi trồng thủy sản - Trình độ Cao đẳng): Phần 2 - Trường Cao đẳng Thủy sản (Trang 25 - 26)

Theo bách khoa toàn thư: Vitamine (sinh tố) là phân tử hữu cơ tuy có lượng rất ít nhưng rất cần thiết cho hoạt động chuyển hoá bình thường của cơ thể sinh vật. Có nhiều loại vitamine, chúng khác nhau về bản chất hoá học lẫn tác dụng sinh lý.

Khi thiếu một loại vitamine nào đó sẽ dẫn đến những rối loạn về hoạt động sinh lý bình thường của cơ thể.

Vitamine được tổng hợp chủ yếu ở thực vật và vi sinh vật. Ở người và động vật cũng có thể tổng hợp được một số vitamine nhưng rất ít nên không thoả mãn nhu cầu của cơ thể mà phải tiếp nhận thêm ở ngoài vào bằng con đường thức ăn.

Hiện nay, người ta đã nghiên cứu và phân lập được trên 30 loại vitamine khác nhau, đồng thời đã nghiên cứu các thành phần, cấu tạo và tác dụng sinh lý của chúng. Người ta cũng tổng hợp một số lượng lớn vitamine bằng con đường hoá học ở phòng thí nghiệm.

Tên vitamine được gọi theo nhiều cách như gọi theo chữ cái, gọi theo danh pháp hoá học, gọi theo chức năng. Ví dụ vitamine B1 còn có tên hóa học là Thiamin, đồng thời theo chức năng của nó còn có tên antinevrit. Kiểu phân loại được sử dụng phổ biến nhất là dựa vào khả năng hoà tan của vitamine vào các dung môi. Người ta chia vitamine ra 2 nhóm: vitamine tan trong nước và vitamine tan trong mỡ.

Vitamine tan trong nước chủ yếu tham gia và làm nhiệm vụ xúc tác trong quá trình sinh học gắn liền với sự giải phóng năng lượng (các phản ứng oxi hoá -

khử, sự phân giải các hợp chất hữu cơ...) nghĩa là chúng hoàn thành chức năng năng lượng.

Các vitamine tan trong chất béo (trong dầu và mỡ): Vitamine này thường tham gia vào phản ứng tạo nên các chất, tạo nên các cấu trúc, các cơ quan và các mô của cơ thể, nghĩa là chúng hoàn thành chức năng tạo hình.

Một phần của tài liệu Bài giảng Hóa sinh (Ngành Nuôi trồng thủy sản - Trình độ Cao đẳng): Phần 2 - Trường Cao đẳng Thủy sản (Trang 25 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(35 trang)