Thủy văn và hải dương học

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hàm lượng chlorophyll_a và nhiệt độ bề mặt biển từ dữ liệu ảnh viễn thám MODIS (Trang 52 - 55)

5. Cấu trúc luận văn

3.1.3. Thủy văn và hải dương học

a)Sóng biển

Theo số liệu đo đạc nhiều năm sóng biển, hướng sóng và cấp sóng tại vùng biển Việt Nam như sau:

Chế độ sóng quan trắc được tại biển Việt Nam vào mùa gió đông bắc thường có sóng từ cấp 1 đến cấp 4 nhưng chủ yếu sóng từ cấp 2 đến cấp 3 với tần suất là 47,1% và 48,0%, đôi khi quan trắc được sóng cấp 4 với tần suất xuất hiện khoảng 3,9%. Hướng sóng quan trắc được tập trung là hướng Đông bắc (NE) và hướng Bắc (N) với tần suất lần lượt là 55,0% và 21,5%.

Trong mùa gió tây nam, cấp sóng thay đổi cũng trong khoảng từ cấp 1 đến cấp 4, chủ yếu là sóng cấp 2 và cấp 3 với tần suất xuất hiện lần lượt là 82,8% và 13,4%. Trong thời gian này, đôi khi quan trắc được sóng cấp 4. Hướng sóng quan trắc được chủ yếu là hướng Tây nam (32,8%) và hướng Nam (16,4%), còn lại chia đều cho các hướng khác.

b)Hoàn lưu lớp mặt

Trong vịnh Bắc Bộ luôn luôn tồn tại một xoáy thuận, nhiều công trình nghiên cứu gần đây khẳng định đó là điều khác biệt với quan niệm của Wyrtki. Trong thời kỳ mùa đông, khối nước Biển Đông xâm nhập vào vịnh Bắc Bộ chủ yếu qua cửa vịnh

49

rộng và sâu, một phần không nhỏ được xâm nhập vào vịnh qua eo biển Hải Nam (Trung Quốc). Một khối nước lạnh từ trong vịnh men theo bờ phía tây vịnh chuyển động xuống phía nam được cường hóa khi hòa nhập với hoàn lưu chính gió mùa đông bắc ở vĩ tuyến 15 - 17oN. Tùy theo mức độ tác động của gió đông bắc và hoàn lưu Biển Đông, khối nước lạnh này có thể xâm nhập sâu xuống vùng biển phía nam, gây ảnh hưởng lớn đến nhiệt độ khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Trong mùa gió tây nam, ở vịnh Bắc Bộ vẫn tồn tại xoáy thuận và dòng chảy ven bờ vịnh xuống phía nam cửa vịnh.

Vịnh Thái Lan nông hơn so với vịnh Bắc Bộ và ăn sâu vào đất liền, phía nam được che chắn bởi bán đảo Malay. Khác với vịnh Bắc Bộ, hoàn lưu trong vịnh Thái Lan hình thành xoáy thuận trong mùa gió đông bắc còn mùa gió tây nam đổi thành xoáy nghịch. Sự biến động theo mùa của hoàn lưu vịnh Thái Lan và sự ổn định xoáy thuận của vịnh Bắc Bộ chủ yếu do địa hình quyết định liên quan đến khối nước từ hoàn lưu Biển Đông xâm nhập vào vịnh.

c)Chế độ nhiệt - muối

Nhiệt độ và độ muối (độ mặn) là hai đặc trưng vật lý cơ bản nhất của nước biển chi phối mọi quá trình thủy nhiệt, động lực biển, đồng thời đảm bảo tồn tại và phát triển đời sống sinh vật trong biển. Khác với nước trên lục địa, nước biển được đặc trưng bởi độ muối. Độ muối trung bình của nước đại dương trên thế giới là 35‰ (có 35gam chất khoáng rắn hòa tan trong 1kg nước biển). Độ muối của lớp nước mặt Biển Đông biến động từ 32,0 - 34,5‰ (trừ vùng cửa sông). Khu vực có độ muối cao là phía đông bắc Biển Đông, nơi có sự giao lưu với khối nước Thái Bình Dương qua eo biển Basi và eo biển Đài Loan, ít chịu ảnh hưởng của nước lục địa và quá trình bốc hơi mặt biển mạnh. Tháng có độ muối cao là từ tháng 1 đến tháng 3. Khu vực độ muối thấp là vùng ven bờ do tác động mạnh của dòng nước lục địa. Thời kỳ độ muối giảm thấp nhất là mùa hè (khoảng tháng 7 tháng 8) do mưa nhiều trên mặt biển và nước lục địa đổ ra với khối lượng lớn.

Phân bố nhiệt - muối của nước biển phản ánh cấu trúc khối nước và chế độ động lực nước biển. Lớp nước mặt của Biển Đông tồn tại các khối nước lạnh và nhạt vùng

50

ven bờ, khối nước ngoài khơi đông bắc và ngoài khơi nam Biển Đông, khối nước trồi mùa hè. Giữa các khối nước là các front thủy văn với đặc trưng gradient ngang nhiệt, muối rất lớn. Các đàn cá thường tập trung gần các front thủy văn, sự biến động của front dẫn đến sự di cư của các đàn cá khai thác và các loại hải sản.

d)Dòng chảy

Dòng chảy lớp nước mặt Biển Đông là kết quả của quá trình tương tác biển - khí quyển. Dòng chảy quan trắc được trên mặt biển là tổng hợp của ba dòng chảy thành phần: dòng chảy gió, dòng chảy địa chuyển và dòng chảy thủy triều. Hai thành phần đầu rất khó xác định, có thể sử dụng các số liệu đo thực tế và mô hình toán học để định lượng chúng. Kết hợp cả hai phương pháp chúng ta đã xây dựng được bản đồ chế độ dòng chảy Biển Đông đặc trưng cho hai mùa (mùa đông và mùa hè), phản ánh những quy luật cơ bản của hoàn lưu lớp nước mặt dưới tác động của chế độ gió mùa.

e)Thủy triều

Chế độ thủy triều dọc bờ biển Việt Nam rất đa dạng và luôn biến động, tính chất thủy triều dọc bờ biển Việt Nam như sau:

+ Vùng biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có chế độ nhật triều và nhật triều không đều chiếm ưu thế, độ cao triều biến động trong khoảng 3 - 4m.

+ Vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình có chế độ nhật triều không đều là chủ yếu, trong một tháng chỉ có khoảng 15 ngày quan trắc thấy một lần nước lên và một lần nước xuống, độ cao triều biến động trong khoảng 1,2 – 2,5m

+ Vùng biển Cửa Tùng - Thuận An - Quảng Nam - Đà Nẵng có chế độ thủy triều được xem là phức tạp nhất và thiên về bán nhật triều không đều, trong đó tại điểm Thuận An có chế độ bán nhật triều đều, hầu hết các ngày trong tháng có hai lần nước lên và hai lần nước xuống, nhưng độ cao triều chỉ đạt khoảng 0,5m. Trong khi đó độ cao triều cường ở hai phía Thuận An biến động từ 0,5 - 1,2m.

+ Vùng biển từ Quy Nhơn đến Nha Trang, thủy triều lập lại tính chất nhật triều không đều, trong tháng có khoảng 18 - 22 ngày quan trắc thấy một lần nước lên và một lần nước xuống, mực nước triều cường tăng lên 1,2 - 2,0m.

51

+ Vùng biển khu vực Hàm Tân - Vũng Tàu - Cà Mau, thủy triều lại có tính chất bán nhật triều không đều, hầu hết các ngày trong tháng quan trắc thấy hai lần nước lên và hai lần nước xuống nhưng không đều về biên độ và thời gian. Độ cao mực nước triều cường ở đây tăng lên 2,0 - 3,5m (gần giá trị của vịnh Bắc Bộ).

+ Vùng biển ven bờ Tây Nam Bộ (vịnh Thái Lan) có chế độ nhật triều không đều chiếm ưu thế, độ cao triều cường không lớn (<1,0m).

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hàm lượng chlorophyll_a và nhiệt độ bề mặt biển từ dữ liệu ảnh viễn thám MODIS (Trang 52 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)