Chế định về hợp đồng nói chung và hợp đồng thương mại nói riêng luôn là những chế định pháp luật nhận được nhiều sự quan tâm không chỉ của các nhà lập pháp, các nhà kinh tế học mà cả các chủ thể kinh doanh. Đó là do hợp đồng thương mại là một hình thức quan trọng của hoạt động thương mại, một trong các hoạt động có vị trí và vai trò quan trọng trong nền kinh tế, có quan hệ và tác động trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Theo quy định pháp luật hiện hành thì không có một khái niệm cụ thể về hợp đồng thương mại mà chỉ có khái niệm về hợp đồng dân sự được quy định tại Điều 385 BLDS 2015. Theo đó, hợp đồng được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Khái niệm hợp đồng này được hiểu là một khái niệm chung áp dụng cho tất cả các giao dịch hợp đồng trong đời sống kinh tế xã hội và trong hoạt động thương mại nói riêng.
4.1.2. Đặc điểm
4.1.2.1. Về chủ thể
Trong hợp đồng thương mại, chủ thể là thương nhân hoặc có một trong các bên là thương nhân. Thương nhân bao gồm cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên. Ngoài ra, tùy theo nội dung và đối tượng hợp đồng do luật chuyên ngành điều chỉnh, chủ thể của hợp đồng thương mại thường phải có chức năng hoạt động trong lĩnh vực mà mình ký kết hợp đồng, chức năng này được ghi nhận trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh hoặc các hình thức khác.
4.1.2.2. Về mục đích
Hợp đồng thương mại là công cụ để phục vụ cho hoạt động thương mại của thương nhân, mục đích của hợp đồng là mục đích sinh lợi của các bên. Điều này có nghĩa là khi ký kết hợp đồngthương mại, các bên ký hợp đồng đều nhằm đến mục đích nhằm sinh lợi hợp pháp, khác với hợp đồng dân sự được ký kết với mục đích rất đa dạng, trong đó chủ yếu nhằm mục đích tiêu dùng hay sinh hoạt của các chủ thể ký kết. Mục đích sinh lợi này đã được ghi nhận tại Điều 3 LTM 2005 như một tiêu chí quan trọng để phân biệt
4.1.2.3. Về phạm vi
Hợp đồng thương mại được hình thành nhằm xác lập, thay đổi hay chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Quyền và nghĩa vụ của các bên ở đây bao gồm quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động thương mại khác nhằm mục đích sinh lợi.