2.4.1. Mô hình kinh tế kỹ thuật MEDEE-S
MEDEE-S (Model for Energy Demand Evaluation) là mô hình dự báo nhu cầu năng lượng dùng cho dự báo dài hạn (từ 15-20 năm) dùng cho các nước đang phát triển. Mô hình được nghiên cứu và phát triển tại viện kinh tế và chính sách năng lượng của trường đại học Grenoble(Pháp).
MEDEE-S thuộc loại mô hình dạng phân tích kinh tế - kỹ thuật, trong đó quá trình tiến hành nhằm nhận dạng các nhân tố kinh tế, dân số, xã hội và kỹ thuật tác động đến sự phát triển về nhu cầu năng lượng, từ đó đánh giá và mô phỏng sự tiến triển của chúng trong thời gian dự báo hoặc là thông qua các tính toán trực tiếp từ mô hình hoặc là việc thông qua xây dựng các kịch bản.
Các cơ cấu đánh giá nhu cầu năng lượng của mô hình xuất phát từ việc phân tích hệ thống tiêu hao năng lượng các module đồng nhất, cụ thể là:
- Số lượng và cấu trúc nhu cầu năng lượng của khu vực sinh hoạt được đánh giá và phân biệt theo vùng địa lý (nông thôn, thành thị,...), theo tầng lớp xã hội, theo thu nhập, theo nghề nghiệp xã hội,... Đối với một tầng lớp xã hội, nhu cầu năng lượng được xác định theo từng loại nhu cầu sử dụng (đun nấu, thắp sáng,...).
- Đánh giá nhu cầu năng lượng khu vực công nghiệp cũng được tiến hành theo ngành (luyện kim, giấy, xi măng,...) và theo loại công nghệ cũng như loại sử dụng (sử dụng nhiệt, sử dụng chuyên dụng,...).
- Nhu cầu năng lượng của khu vực nông nghiệp có thể được đánh giá một cách tổng quát theo ngành, theo dạng sử dụng hoặc cũng có thể phân tích theo ngành và theo dạng thiết bị sử dụng.
- Trong lĩnh vực giao thông vận tải, quá trình phân tích được tiến hành theo vận tải hàng hoá, vận tải hành khách, trong đó có xét đến tính đa dạng về các phương tiện vận tải trong các nước đang phát triển.
Về mặt cấu trúc, mô hình MEDEE-S gồm một mô hình cơ sở được tính toán tự động theo 5 ngành kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, dịch vụ và vận tải) và một loạt các mô hình con là những tính toán chi tiết mà khi áp dụng chúng ta có thể lựa chọn hoặc không, tuỳ theo đặc điểm của quốc gia được nghiên cứu, theo mức độ chi tiết của nguồn dự trữ có thể thu nhập được. Điều này tạo cho mô hình một khả năng thích cao trong quá trình ứng dụng
* Những ưu điểm của mô hình
- Mô hình đưa ra một phác hoạ dễ hiểu về nhu cầu năng lượng bằng việc chỉ rõ các biến điều khiển nhu cầu này, vì thế có thể điều khiển sự phát triển nhu cầu này bằng các chính sách năng lượng.
- Mô hình có thể được dùng để thành lập bảng cân bằng năng lượng ở mức độ tiêu thụ năng lượng cuối cùng.
- Mô hình có thể lượng hoá những thay đổi của nền kinh tế xã hội thông qua sự thay đổi của nhu cầu năng lượng.
- Các thông tin cần thiết dễ dàng được nhận ra. Vì vậy việc thu thập, xử lý số liệu và thông tin cần thiết cũng dễ dàng.