tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam
Một là, ở khía cạnh chính sách, đề án, các già làng trên địa bàn huyện
Bắc Trà My có cùng chung quan điểm rằng ngay cả Đề án “Hỗ trợ bảo tồn,
phát huy văn hóa đặc trưng các DTTS tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025” vẫn chưa nêu đầy đủ về đặc trưng cụ thể của từng nhóm dân tộc, nội
dung xây dựng chưa xuất phát từ nhu cầu cần thiết, thực tế ở cơ sở.
Đề án bảo tồn văn hóa miền núi mới chỉ chú trọng nêu vấn đề hỗ trợ kinh phí mua sắm, xây dựng các hạng mục là chủ yếu, trong khi mỗi nhóm dân tộc hiện nay có nhu cầu khác nhau, bảo tồn và phát huy văn hóa khác nhau; thậm chí nội dung hỗ trợ của đề án này còn nhiều bất hợp lý, nặng về việc xử lý kinh phí, thiếu căn cứ và không bền vững (theo TS. Lê Anh Tuấn - Phân viện phó Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế đã nêu rằng[10]: Cụ thể con số thống kê 333 làng chưa có cồng chiêng là thiếu thực tế; từ đó đề xuất trang bị cho mỗi làng một bộ và 8 trường học là không khả thi và không hiệu quả khi chưa khảo sát thực tế về nhu cầu của từng làng, thôn). Nội hàm xây dựng làng truyền thống mà đề án nêu chưa thực sự rõ, nhất là chưa cụ thể những hạng mục cần phải đạt được sau đầu tư; thiếu sự liên kết với làng văn hóa, làng định canh định cư, làng thanh niên lập nghiệp, làng tái định cư thủy điện...
Hai là, Đề án “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa đặc trưng các DTTS tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025” mới chỉ đề cập việc hỗ trợ phục hồi
các lễ hội truyền thống và mỗi huyện trong đó có Bắc Trà My chỉ phục dựng một lễ hội tiêu biểu trong mỗi giai đoạn, như vậy là thiếu quan tâm đến các loại hình di sản khác...
Vì kho tàng di sản văn hóa đặc sắc của các tộc người miền núi Quảng Nam nói chung và nói riêng với huyện Bắc Trà My là không chỉ dừng lại ở các di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, mà các tộc người miền núi nơi đây còn đang bảo lưu
nhiều di sản văn hóa đặc sắc quan trọng (lễ hội truyền thống, diễn xướng dân gian, nghệ thuật tạo hình...), thể hiện tinh hoa, bản sắc tộc người; song trên thực tế thì chưa chú trọng công tác khảo sát từ cộng đồng, địa phương để sưu tầm, thống kê danh mục di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào miền núi,...
Ba là, ở khía cạnh thực hiện chính sách phát huy bản sắc các DTTS
trong quá trình lồng ghép vào phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch văn hóa ở huyện Bắc Trà My hiện vẫn chưa coi trọng sự lồng ghép dựa vào yếu tố cộng đồng tộc người (theo kiểu phần vỏ thì có mà phần ruột thì rỗng), khiến cho ngôi làng “mồ côi” vì thiếu hơi ấm, thiếu bếp lửa, thiếu nếp sinh hoạt của đồng bào.
Bốn là, trên thực tế đó có rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống của
đồng bào đang rơi vào tình trạng dần bị mai một do chịu sự tác động rất lớn từ truyền thông hiện đại, sự chuyển đổi cơ cấu xã hội, nếp sống, quy hoạch phát triển kinh tế.
Minh chứng cho thấy, hiện nay đối với các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Bắc Trà My nói riêng, tại khu vực thị trấn, các xã, thôn làng ở vùng thấp, vùng có trục lộ giao thông đi qua, mô hình làng truyền thống đã bị phá vỡ; thay vào đó xu hướng lập làng và làm nhà rãi ra, kéo dài theo trục lộ là phổ biến; nhiều làng muốn di dời đến nơi gần trục giao thông[36]. Hiện trạng này đặt ra thách thức đối với việc duy trì bản sắc văn hóa của làng các tộc người bản địa nơi đây.
Năm là, các tộc người thiểu số thường cư trú ở các vùng miền núi -
vùng sâu; và ở môi trường cư trú đó đã đóng góp vai trò quan trọng cho việc duy trì, bảo tồn các tập quán văn hóa của các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cũng chính sự xa cách và hiểm trở của vùng địa lý đó đã gây ra những khó khăn rào cản trong việc tiếp cận cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công như: y tế và giáo dục.
Đúng vậy, tại địa bàn miền núi của huyện Bắc Trà My – nơi có gần 2/3 số xã trong huyện thuộc vùng khó khăn, đất đai cằn cỗi, sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên, kỹ thuật canh tác còn nhiều hạn chế; và do huyện có địa hình chia cắt hiểm trở dẫn đến nhiều trở ngại cho việc sắp xếp dân cư cũng như khó khăn đi lại; trường học, trạm y tế tại nhiều nơi rất sơ sài, xuống cấp gây nhiều khó khăn trong bảo đảm chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Việc các nhóm địa phương của tộc người cư trú ở khu vực có địa hình chia cắt hiểm trở/ vị trí cô lập, là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến một loạt các hệ lụy, tập quán lạc hậu như: kết hôn cận huyết thống, tảo hôn, sinh con tại nhà…
Sáu là, tại huyện Bắc Trà My hiện nay có nhiều nhà làng đã được bê
tông hóa, lợp tôn (không còn giữ nguyên trạng “hồn cốt”), làm mất đi vẻ đẹp xưa cũ và vô hồn.
Một trong các minh chứng xác thực: tại hai xã Trà Nú, Trà Kót (huyện Bắc Trà My) với phần lớn các nhà làng đã được làm theo kiến trúc hiện đại với sàn bằng gỗ, vách gỗ, mái lợp tôn, đỉnh cao vút theo kiểu nhà làng ở Tây Nguyên hoặc nhà làng của đồng bào dân tộc phía Bắc. Kết cấu khung, sườn, mái nhà, sàn...xuất hiện nhiều mô típ, họa tiết mới, không đại diện cho quan niệm thẩm mỹ và nhân sinh quan, thế giới quan của đồng bào dân tộc tại chỗ; nhiều hình vẽ, điêu khắc trang trí bên trong mất tính nghiêm trang, không tương xứng với một nơi thể hiện tính tín ngưỡng tâm linh sinh hoạt cộng đồng[43]. Bên cạnh vướng mắc trở ngại khiến nhà làng đang đứng trước nguy cơ biến dạng, đó là tình trạng khan hiếm vật liệu tự nhiên, nguyên vật liệu gỗ, mây rừng đã không còn như trước; thì vướng mắc trong việc bảo tồn nhà làng của đồng bào tộc người thiểu số bản địa không hoàn toàn do thiếu kinh phí, mà còn do nguyên nhân chính là đang có sự thiếu hụt những nghệ nhân điêu khắc lớn tuổi có tay nghề am hiểu văn hóa dân tộc bản địa là điều đáng lo ngại, vì chính những hình ảnh trang trí bên trong ngôi nhà sẽ tạo nên
cái hồn và bản sắc bên trong của ngôi nhà đó (Theo ông Hồ Trọng Hải - Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Bắc Trà My cho biết[43]).
Hơn nữa, ở huyện Bắc Trà My, ngoài dân tộc Xê đăng còn giữ bản sắc của mình thì các dân tộc như Cor, Cadong … dường như đã mất bản sắc, nhà làng chỉ còn lại như một nhà sinh hoạt cộng đồng đơn thuần. Mô hình nhà dài 3,4,5 gian hầu như không còn do chủ trương tách hộ để hưởng hộ nghèo. Ngoài ra, ở một số nơi không ít nhà làng truyền thống đã bị xuống cấp hư hại do không có kinh phí sửa chữa.[43]
Bảy là, nhiều huyện vùng miền núi của Quảng Nam có điều kiện kinh
tế phát triển như thị trấn, thị tứ… thì đa số trẻ em, con em đồng bào DTTS chủ yếu giao tiếp bằng tiếng phổ thông mà ít tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ (ngôn ngữ của tộc người bản địa), nhất là không biết đến chữ viết của tộc người địa phương mình đã trở nên khá phổ biến.
Nói cách khác, ngôn ngữ của các tộc người bản địa ở vùng miền núi của Quảng Nam đang gặp thách thức. Hiện nay, tại Quảng Nam (bao hàm cả Bắc Trà My) có đến 30-40% con em ở địa phương sinh ra là không biết tiếng mẹ đẻ[20]. Hậu quả từ việc chính quyền chưa quan tâm đúng mức, cũng như thiếu sâu sát trong công tác văn hóa dân tộc trước đây khiến nhiều thế hệ trẻ miền núi “quên” dần tiếng mẹ đẻ và chữ viết của đồng bào mình. Trong đó, lỗi phần lớn là ở gia đình và cộng đồng, điều này rất dễ thấy ở các thị trấn, vùng có điều kiện kinh tế phát triển (theo Ông Đinh Mươk - nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết[20]). Điều này khiến cho trẻ mất dần vốn văn hóa truyền thống tộc người.
Tám là, hiện nay các làng miền núi với vốn liếng văn hóa từ trang
phục, chữ viết, tiếng nói… đang đối diện một thực trạng mai một dần. Một số nơi bị “đồng bằng hóa” hoàn toàn từ nhà ở cho đến nhà làng, trang phục cho đến tiếng nói. Ngay cả việc phục dựng lễ hội, đặc biệt là các lễ hội đâm trâu thì nay người dân không muốn làm. Thậm chí cả những ngày lễ hội, với sắc phục độc đáo nhất của đồng bào mình cũng vẫn bị lai tạp.
Dẫn chứng cho thấy, tại nhiều địa phương hiện nay, từ Xê Đăng, Bh’noong, Ca Dong đều mặc trang phục na ná nhau, và học theo đủ thứ kiểu hoa văn của các dân tộc khác, thậm chí từ Tây Bắc, Tây Nguyên.
Chín là, văn hóa dân gian, đặc biệt là văn hóa phi vật thể của các tộc
người thiểu số chủ yếu được lưu giữ trong trí nhớ của con người theo phương pháp truyền miệng, truyền nghề. Trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa cũng như những tác động của kinh tế thị trường, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng DTTS ở Bắc Trà My đang bị ảnh hưởng. Nguy cơ mai một của di sản văn hóa các tộc người thiểu số là ngày càng rõ rệt.
Mười là, việc thực thi chính sách chưa có sự chú ý đúng mức đến việc
tái lập các điều kiện và đặc điểm môi trường sống và sinh kế phù hợp cho cộng đồng các tộc người thiểu số.
Minh chứng cho thấy, với việc triển khai quá nóng các dự án thủy điện ở nhiều năm qua trên địa bàn huyện Bắc Trà My, mà điển hình là dự án thủy điện Sông Tranh 2 (190MW), khiến cho hầu hết hệ thống rừng phòng hộ bị thu hẹp nhanh chóng. Thực tế này đã gây ra nhiều tác động không mong muốn về môi trường tự nhiên và môi trường kinh tế - xã hội của vùng đồng bào thiểu số, trong đó đặt ra khó khăn lớn về môi trường sinh kế và thách thức việc giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng các tộc người bản địa ở Bắc Trà My. Vấn đề bất cập lớn ở chỗ là do quy hoạch tái định cư Công trình thủy điện Sông Tranh 2 chưa hoàn toàn phù hợp, vì thiếu sự kết nối giữa tái định cư, tộc người và phát triển, làm cho các hoạt động, nguồn sinh kế và khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên của tộc người thiểu số tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, trong quy hoạch thì mức độ ưu tiên của dự án dành cho các hoạt động không thuộc lĩnh vực kinh tế như: xã hội, văn hóa, môi trường còn rất thấp. Bản sắc văn hóa và phong tục tập quán của cộng đồng tộc người di dời bị thách thức nghiêm trọng bởi nguy cơ mai một. Lẽ ra quy hoạch chi tiết các khu tái định cư dành cho cộng đồng tộc người bản địa phải đảm bảo tính đặc thù riêng, song lại không được tính đến
yếu tố tộc người làm căn cứ (do có sự xem nhẹ tham vấn cộng đồng sở tại); mà thay vào đó áp quy hoạch tái định cư nhà ở bằng các dãy nhà ở quy mô nhỏ liền kề nhau (theo kiểu nhà ở người Kinh), chia theo từng hộ gia đình nhỏ lẻ nên không phù hợp với phong tục, tập quán sinh sống của đồng bào (tập quán định cư xây dựng nhà ở, tập quán sinh hoạt, nghề nghiệp và cách ứng xử với môi trường xung quanh của cộng đồng tộc người, mà ngay cả việc tổ chức không gian sinh hoạt văn hóa bản sắc của cộng đồng tộc người không được chú trọng đúng mức). Hiện trạng này khiến cho người dân ít sử dụng nhà tái định cư, mà tự phát đi khai thác gỗ để xây dựng thêm kiểu nhà truyền thống bên cạnh để ở là phổ biến. Đặc biệt, là tình trạng thiếu đất sản xuất đã diễn ra do xuất phát từ hạn chế trong quy hoạch, khảo sát, đánh giá các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội nhân văn, nhất là quỹ đất và nguồn nước; mặc dù thời gian qua đã được điều chỉnh nhiều lần nhưng khi đưa dân đến tái định cư thì vẫn thiếu các điều kiện tối thiểu là đất và nước. Kết quả cũng được ghi nhận từ Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi đi giám sát tại địa phương cho biết[41]: Ở 9 điểm TĐC của thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) bố trí dân về nơi không có điều kiện sản xuất, cụ thể vẫn còn 130 hộ chưa có đất sản xuất. Nói cách khác, những gì các dự án TĐC công trình thủy điện đóng trên địa bàn huyện Bắc Trà My chỉ tập trung chủ yếu vào xây dựng nhà ở mới, còn rất nhiều vấn đề kinh tế - đất sản xuất, giáo dục, y tế, không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng... cho người dân thì chưa được quan tâm theo chiều sâu.
Mười một là, nhiều nơi trên địa bàn huyện Bắc Trà My, bà con dân tộc
thiểu số rất thiếu đất ở gắn với đất sản xuất, nhất là khu vực xã Trà Bui nơi có công trình thủy điện Sông Tranh 2 đóng trên địa bàn này. Cơ sở hạ tầng khó khăn nên các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp của bà con khó tiêu thụ, bị ép giá.
Thu nhập đời sống người dân tộc thiểu số tại huyện Bắc Trà My vẫn đang còn khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo của huyện 33,64% (tính đến cuối năm
2019) là còn cao, trong số đó đáng báo động là xã Trà Giác hộ nghèo hiện chiếm đến 64,08%, nhất là ở thôn 2 và thôn 3 có hộ nghèo nhiều (trong đó chỉ có 8 hộ nghèo diện chính sách người có công; còn lại có đến hơn 400 hộ nghèo cần tác động giảm nghèo)[42]. Dù các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả cũng không biết bán sản phẩm đi đâu, vì Trà Giác không có đường đi để thông thương với bên ngoài.
Với các vấn đề bất cập đặt ra trong thực hiện chính sách bảo tồn và phát triển văn các DTTS ở huyện Bắc Trà My đòi hỏi nhiệm vụ bảo vệ khẩn cấp bản sắc văn hóa đồng bào DTTS là yêu cầu cấp thiết.
Tiểu kết chương 2
Trên cơ sở giới thiệu những nét chung về các DTTS ở tỉnh Quảng Nam, chương này phân tích rõ một số đặc trưng chung của văn hóa các DTTS ở tỉnh Quảng Nam; và khái quát những nét chính của văn hóa các DTTS ở huyện Bắc Trà My. Thông qua đó, nội dung chương 2 nghiên cứu tập trung phân tích cụ thể về thực trạng thực hiện chính sách bảo tồn và phát triển văn các DTTS ở huyện Bắc Trà My, giai đoạn 2015- 2020: (1) Công tác ban hành văn bản chính sách bảo tồn và phát triển văn các DTTS của tỉnh Quảng Nam và huyện Bắc Trà My; (2) Thực tiễn kết quả đạt được trong quá trình thực hiện chính sách bảo tồn và phát triển văn các DTTS ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015- 2020; (3) Tập trung phân tích đánh giá rõ các vấn đề thực tiễn đặt ra trong thực hiện chính sách bảo tồn và phát triển văn các DTTS ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, cụ thể là mười một vấn đề bất cập đặt ra trong thực hiện chính sách này. Qua đó, kết quả chương 2 cung cấp luận cứ thực tiễn để đề xuất giải pháp và kiến nghị hoàn thiện chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS ở huyện Bắc Trà My hiện nay.